Đang làm rõ việc PVC dùng tiền dự án nhiệt điện 34.000 tỷ
- Pháp luật
- 12:38 - 20/09/2016
Trong khi ông Trịnh Xuân Thanh (bên trái), nguyên Chủ tịch PVC đang bị truy nã quốc tế thì ông Vũ Đức Thuận (bên phải) đã bị khởi tố và bắt tạm giam.
Dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 có công suất thiết kế 1.200 MW, với tổng mức đầu tư hơn 34.295 tỷ đồng (tương đương 1,7 tỉ USD), mỗi năm dự kiến sản xuất được 6,739 tỉ kWh điện thương phẩm.
Dự án do Petro Vietnam làm chủ đầu tư, vận hành dựa trên sử dụng nguồn nguyên liệu than cám từ Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam để phân phối.
Cụ thể, vào năm 2011, Petro Vietnam ký hợp đồng EPC giao cho PVC xây dựng nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, trong đó PVC xin tạm ứng 1.312 tỷ đồng và 6,6 triệu USD.
Sau khi nhận được số tiền tạm ứng trên, PVC đã sử dụng 1.080 tỷ đồng để thanh toán nợ gốc vay ngân hàng là 425 tỷ đồng, thanh toán lãi vay uỷ thác của Petro Vietnam là 55 tỷ đồng, hỗ trợ nhà máy nhiên liệu sinh học Phú Thọ 74 tỷ đồng, bổ sung 103 tỷ đồng hỗ trợ cho công trình Vũng Áng (Hà Tĩnh). Ngoài ra, PVC còn góp vốn vào 5 công ty con gồm: công ty PVC - MS là 102 tỷ đồng, công ty PVC - Land 50 tỷ đồng, công ty PVC - Hoà Bình là 55 tỷ đồng, công ty PVNC 30 tỷ đồng và công ty PVC Mekong 30 tỷ đồng.
Đến nay, 3 công ty kinh doanh thua lỗ không thu hồi được vốn, PVC đã phải trích lập dự phòng và hạch toán kinh doanh thua lỗ.
Về khoản đầu tư vào PVC - Land, theo C46, tính đến cuối năm 2013, số tiền PVC đã đầu tư vào đây đạt gần 204 tỷ đồng, trong đó có 50 tỷ đồng lấy từ nguồn tiền tạm ứng của dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình.
Kết quả kinh doanh từ năm 2011 đến 2015 thua lỗ mất hết vốn điều lệ, nên PVC đã phải trích lập dự phòng cho khoản đầu tư tài chính vào PVC - Land là gần 203 tỷ đồng (cuối 2013), đến cuối năm 2015 số trích lập dự phòng giảm xuống còn gần 159 tỷ đồng.
Về việc đầu tư vào PVC - Mekong, tính đến cuối 2013, số tiền PVC rót vào đây là 153 tỷ đồng, trong đó có 30 tỷ đồng lấy từ tiền tạm ứng của dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình.
Kết quả kinh doanh của PVC - Mekong từ năm 2012 đến 2015 thua lỗ mất hết vốn, nên PVC đã phải trích lập dự phòng lên tới 147 tỷ đồng vào thời điểm cuối năm 2013. Đến cuối năm 2015, khoản trích lập dự phòng đã tăng lên 153 tỷ đồng.
Hiện C46 đang làm rõ việc PVC sử dụng nguồn tiền của dự án nhiệt điện Thái Bình để đầu tư vào PVC - Land và PVC - Mekong có đúng với quy định của pháp luật.
Theo báo cáo tài chính quý 2/2016, doanh thu PVC đạt 2.606 tỷ đồng. Nhờ tiết giảm chi phí và không bị lỗ nặng từ các đơn vị liên doanh, liên kết, nên doanh nghiệp đã hạch toán lãi 21,7 tỷ đồng, tăng gấp 7 lần so với cùng kỳ 2015.
Luỹ kế 6 tháng, doanh thu tổng công ty này đạt 4.886 tỷ đồng (giảm 10% so với nửa đầu năm 2015). Lợi nhuận đạt 32 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 9,8 tỷ đồng cùng kỳ. Con số này cũng cao hơn lợi nhuận cả năm 2014 và 2015 của PVC (lần lượt là 10 tỷ và 22 tỷ đồng).
PVC cũng cho biết đã quyết liệt thu hồi công nợ, tiết giảm chi phí để tăng nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh.
Với kết quả đạt được sau 6 tháng, 2016 có thể là năm bứt phá nhất của PVC từ khi ông Trịnh Xuân Thanh thôi chức Chủ tịch vào tháng 9/2013, với khoản lỗ luỹ kế khi đó là gần 3.300 tỷ đồng. Hiện Petro Vietnam và công ty con đang sở hữu hơn 60% vốn tại PVC.