CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:21

Bắt tạm giam nguyên tổng giám đốc PVC do thua lỗ 3.300 tỷ

Ông Trịnh Xuân Thanh và ông Vũ Đức Thuận (phải) - nguyên Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc PVC.

Khởi tố, bắt 4 lãnh đạo PVC

Theo đó, ngày 15/9/2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã ra Quyết định số 51/C46 (P12) khởi tố vụ án hình sự: Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 163 Bộ Luật Hình sự xảy ra tại Tổng công ty cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam và các đơn vị thành viên. Đồng thời ra quyết định khởi tố 4 bị can gồm:

1. Vũ Đức Thuận, nguyên Ủy viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc;

2. Nguyễn Mạnh Tiến, Phó tổng Giám đốc

3. Trương Quốc Dũng, nguyên Phó tổng Giám đốc;

4. Phạm Tiến Đạt, nguyên Kế toán trưởng Tổng công ty PVC.

Về tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 165 Bộ luật Hình sự. Đồng thời ra Lệnh bắt tạm giam và Lệnh khám xét đối với 4 bị can nêu trên. Hiện, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đang khẩn trương tiến hành điều tra, mở rộng vụ án.  Nhà chức trách cũng bắt tạm giam và khám xét đối với 4 bị can trên.

 

Bộ Công an cho biết sẽ điều tra triệt để, mở rộng vụ án này. Thông báo mới nhất của Bộ Công an không nhắc đến ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị PVC. 
Ông Vũ Đức Thuận cùng với ông Trịnh Xuân Thanh giữ vị trí lãnh đạo chủ chốt của PVC thời điểm công ty này thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng.
Theo Thanh Niên, ông Thuận (45 tuổi, quê Thái Bình), từng được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà (Sudico, thuộc Tập đoàn Sông Đà).
Hai năm sau (2008), ông Thuận bất ngờ bị bãi nhiệm vị trí Tổng giám đốc Sudico với rất nhiều lùm xùm xung quanh.
Từ năm 2009, ông Thuận chuyển giữ vị trí Tổng giám đốc PVC, đến 1/1/2013 thì miễn nhiệm. Ông được thuyên chuyển tiếp giữ chức Phó trưởng ban Xây dựng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Đây cũng là thời điểm PVC để xảy ra kết quả kinh doanh thua lỗ nặng.
Tháng 10/2013, ông Thuận được bổ nhiệm làm Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Thái Bình. Đầu năm 2015, Bộ Giao thông vận tải công bố quyết định điều động, bổ nhiệm ông về làm chánh văn phòng từ 1/3/2015.
Nguồn tin Thanh Niên cho biết cuối tháng 3/2016, ông Thuận không thường xuyên có mặt tại Bộ Giao thông vận tải và chuyển vào TP.HCM. Ghế chánh văn phòng bộ này bỏ trống vài tháng trước khi ông Nguyễn Trí Đức, Phó chánh văn phòng bộ được trao quyết định bổ nhiệm chánh văn phòng, ngày 16/6/2016.
Theo kết luận của Ủy ban kiểm tra Trung ương về trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị PVC: “Ông Trịnh Xuân Thanh và Ban Thường vụ Đảng ủy, Hội đồng quản trị, ban tổng giám đốc, Ban Kiểm soát tổng công ty đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý điều hành, thiếu kiểm tra, giám sát, làm trái các quy định của pháp luật về quản lý kinh tế, để xảy ra nhiều sai phạm và thua lỗ hơn 3.298 tỷ đồng (giai đoạn 2011-2013).
Thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng
Theo Công An Nhân Dân, báo cáo của Ban kiểm soát tại Hội đồng cổ đông thường niên của PVC năm 2014 cho biết, năm 2013, PVC thua lỗ hơn 2.200 tỷ đồng, trong đó, riêng công ty mẹ lỗ hơn 1.900 tỷ đồng. Lũy kế cuối năm 2013, công ty mẹ - PVC lỗ hơn 3.200 tỷ đồng. Trong năm 2013, hoạt động sản xuất kinh doanh tại các công ty con của PVC gặp rất nhiều khó khăn, nhiều đơn vị gần như không có việc làm.
Dưới thời điều hành của chủ tịch Hội đồng quản trị Trịnh Xuân Thanh và Tổng giám đốc Vũ Đức Thuận, PVC sử dụng phần vốn điều lệ đáng kể đầu tư góp vốn vào các công ty con, công ty liên kết. Tuy nhiên, các đơn vị này bộc lộ sự yếu kém trong hoạt động sản xuất kinh doanh dẫn đến tình trạng thua lỗ. Riêng năm 2012, một số dự án trọng điểm bị ngừng, giãn tiến độ hoặc vướng mắc chưa triển khai được khiến PVC thua lỗ hơn 1.800 tỷ đồng.
Năm 2011, Thanh tra Chính phủ đã thanh tra Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và một số đơn vị thành viên (trong đó có PVC), phát hiện nhiều sai phạm. Cụ thể, PVC đã tham gia liên kết, liên doanh với nhiều doanh nghiệp bên ngoài nhưng làm ăn không hiệu quả, gây thua lỗ và mất vốn của Nhà nước.
Tại nhiều công trình, dự án lớn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, PVC được tham gia thực hiện với tư cách là tổng thầu hoặc nhà thầu lớn, nhưng sau khi nhận công trình, PVC lại chỉ định cho các công ty con hoặc bán thầu cho doanh nghiệp bên ngoài thi công.
Việc lãnh đạo PVC thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý điều hành, thiếu kiểm tra, giám sát, làm trái các quy định của pháp luật về quản lý kinh tế đã để lại hậu quả lớn cho PVC cũng như ngân sách Nhà nước.

 

HUY LINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh