Dân tộc thiểu số và người di cư chịu nhiều thiệt thòi
- Dược liệu
- 13:50 - 30/04/2017
Đây là một trong những thông tin chính của Báo cáo phát triển con người 2016, với tiêu đề "Phát triển con người cho tất cả mọi người" được Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) công bố trong Hội thảo “Thúc đẩy phát triển dân tộc thiểu số - Không để ai bị bỏ lại phía sau" vừa diễn ra tại Hà Nội.
Theo báo cáo, mặc dù tiến bộ trung bình về phát triển con người được cải thiện ở mọi khu vực trên toàn cầu trong giai đoạn từ năm 1990 - 2015 nhưng một phần ba dân số thế giới vẫn tiếp tục sống với mức phát triển con người thấp, theo kết quả đo lường Chỉ số phát triển con người (HDI).
Đồng bào dân tộc thiểu số vẫn chịu nhiều thiệt thòi.
Theo UNDP, hai nhóm bị tụt hậu ở Việt Nam là dân tộc thiểu số và người di cư từ nông thôn ra thành thị. Bất bình đẳng đối với dân tộc thiểu số là vấn đề dai dẳng, đã có cải thiện nhưng khoảng cách vẫn còn rất lớn. Trong khi nghèo về thu nhập của cả nước là 7% thì tỷ lệ này ở dân tộc thiểu số là 23%. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là vị trí địa lý, hạn chế về cơ cấu, các định kiến xã hội về trao quyền, cơ hội và khả năng tiếp cận dịch vụ công. UNDP cũng cho biết, người di cư thường không nghèo về thu nhập, nhưng nghèo đa chiều và có sự chênh lệch lớn giữa người di cư và người dân địa phương. Nguyên nhân cũng bắt nguồn từ cơ cấu thể chế và các phương án chính sách.
Bà Louise Chamberlain, Giám đốc Quốc gia UNDP Việt Nam nhấn mạnh 3 điểm quan trọng cần giải quyết nhằm giúp các nhóm người bị bỏ lại phía sau theo được đà phát triển chung là: "Để các chính sách thực hiện hiệu quả thì phải có hướng tiếp cận với các báo cáo đưa ra, nhất là đối với các nhà hoạch định chính sách và công chúng; phân tích chuyên sâu một số dữ liệu cần triển khai như yếu tố bất bình đẳng, nạn tảo hôn cũng như tỉ lệ giáo dục, cơ hội việc làm, kế hoạch hóa gia đình… để thấy được sự tụt hậu của đồng bào dân tộc, nhất là phụ nữ và trẻ em và có hướng giải quyết; nâng cao hiểu biết về việc bị bỏ lại phía sau là do tự phát hay định kiến để có những thông tin và hướng giải quyết. UNDP và các đối tác phát triển luôn luôn sẵn sàng phối hợp trong việc cung cấp thông tin, dữ liệu mới về vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng như hỗ trợ nhằm góp phần giúp Việt Nam đạt chỉ tiêu phát triển bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau".
Báo cáo chỉ ra rằng ở hầu hết các quốc gia, một số nhóm người phải đối mặt với những bất lợi vốn thường chồng chéo và củng cố lẫn nhau, từ đó làm gia tăng tình trạng dễ bị tổn thương, nới rộng khoảng cách phát triển qua nhiều thế hệ, và khiến họ khó bắt kịp sự chuyển động của thế giới.
Phụ nữ và trẻ em gái, người dân nông thôn, người bản địa, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người di cư và người tị nạn, cộng đồng người đồng tính, song tính, chuyển giới và liên giới tính (LGBTI) thuộc những nhóm đối tượng phải đối mặt với các rào cản mang tính hệ thống, không đơn thuần về mặt kinh tế, mà cả về chính trị, xã hội và văn hóa.
Đối với phụ nữ, nhóm đối tượng chiếm tỷ trọng lớn nhất, báo cáo lưu ý, mặc dù tình trạng bất bình đẳng giới trên toàn cầu đang dần thu hẹp, nhưng các xu hướng loại trừ và hạn chế về quyền đối với phụ nữ và trẻ em gái vẫn còn là một thách thức cấp bách. Nhóm dân số sinh sống tại khu vực nông thôn cũng phải đối mặt với nhiều rào cản. Chẳng hạn, trẻ em xuất thân từ những gia đình nghèo khó khi đến trường thường có ít cơ hội được học đọc, học viết và làm toán hơn.
Báo cáo kêu gọi phải chú ý nhiều hơn nữa đến việc trao quyền cho các nhóm yếu thế nhất trong xã hội, và thừa nhận tầm quan trọng của việc để họ tham gia nhiều hơn vào các quy trình hoạch định chính sách... Đồng thời, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững dựa trên những thành tựu này, và lưu ý rằng chương trình nghị sự và phương pháp tiếp cận về phát triển con người có quan hệ tương hỗ củng cố lẫn nhau.
Báo cáo cũng đưa ra các khuyến nghị để tái định hướng chính sách nhằm bảo đảm tiến bộ phát triển đến được với những nhóm tụt hậu nhất, đồng thời thúc đẩy quá trình cải cách các thị trường và thể chế toàn cầu theo hướng công bằng và tiêu biểu hơn.
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Lê Sơn Hải nhận định: Thực trạng nghèo đói kinh niên còn tồn tại khá phổ biến trong các nhóm dân tộc thiểu số khu vực miền núi phía Bắc; có sự chênh lệch đáng kể về mức sống giữa các hộ dân tộc Kinh và hộ dân tộc thiểu số sống trong cùng địa bàn; các hộ gia đình dân tộc thiểu số vẫn còn gặp phải nhiều bất lợi và rào cản trong việc tiếp cận các nguồn lực cần thiết cho sản xuất như giáo dục, vốn, thị trường và đất nông nghiệp. Đây là những thách thức lớn đối với việc nâng cao đời sống và khả năng tiếp cận đến các cơ hội phát triển kinh tế và giảm nghèo của các hộ gia đình dân tộc thiểu số.