THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:15

Dân thiếu chỗ ở, hàng nghìn căn hộ tái định cư bỏ hoang

Hàng nghìn căn hộ tái định cư bị bỏ hoang

Mới đây, dư luận xôn xao khi 3 tòa nhà tái định cư (TĐC) cao 6 tầng với 150 căn hộ ở khu đô thị mới Sài Đồng (Q.Long Biên, TP.Hà Nội) do Công ty CP xây dựng số 3 Hà Nội (Hanco3) làm chủ đầu tư được xây dựng từ năm 2001 - 2006 dùng để TĐC tại chỗ khi thực hiện dự án giải phóng mặt bằng mở rộng tuyến phố Sài Đồng nằm trong khu đô thị Sài Đồng. Do xảy ra tình trạng khiếu kiện, người dân không nhận nhà nên toàn bộ quỹ nhà này đã bị bỏ hoang từ khi xây dựng đến nay. Sau 10 năm hoàn thành nhưng không có người ở, Hanco3 đã đề xuất TP.Hà Nội cho phép phá bỏ toàn bộ 3 tòa nhà để xây dựng nhà thương mại phục vụ TĐC theo đặt hàng của thành phố đáp ứng nhu cầu mới của người dân hiện nay.

Theo số liệu của Công ty Quản lý và phát triển nhà Hà Nội, hiện đang có hơn một nghìn căn hộ TĐC bị bỏ trống, trong đó 724 căn đã có quyết định của UBND thành phố song người dân chưa đến làm thủ tục, 376 căn hộ chưa bố trí TĐC thuộc các khu chung cư được tiếp nhận từ năm 2003 trở lại đây.

3 tòa nhà tái định cư ở khu đô thị mới Sài Đồng (Q.Long Biên, TP.Hà Nội) được chủ đầu tư đề xuất phá bỏ

 

Còn tại TP Hồ Chí Minh, Báo cáo kiểm toán hoạt động đầu tư xây dựng, mua nhà, đất phục vụ TĐC và công tác quản lý, bố trí quỹ nhà, đất TĐC giai đoạn 2013 - 2016 của TP.HCM và một loạt dự án xây dựng trên địa bàn cho thấy, TP Hồ Chí Minh đang lãng phí hàng nghìn tỷ đồng với hơn một nửa số lượng quỹ nhà đất TĐC dôi dư, một số dự án có thời gian đầu tư kéo dài, việc bố trí TĐC chậm (thậm chí một số dự án không bố trí được), chi phí vận hành cao, hiệu quả thấp, gây lãng phí nguồn vốn đầu tư từ ngân sách.

Kiểm toán Nhà nước dẫn số liệu thống kê của Sở Xây dựng TP, tổng số quỹ nhà đất đã hoàn thành phục vụ tái định cư từ năm 2004 đến cuối tháng 3.2017 là 39.991 căn - nền (gồm 25.506 căn nhà và 14.485 đất nền). Trong đó, đã bố trí tái định cư 25.625 căn - nền (gồm 15.003 căn nhà và 10.622 đất nền). Số chưa bố trí là 14.366 căn - nền (gồm 10.503 căn nhà và 3.863 đất nền).

Theo tính toán, số lượng quỹ nhà đất còn tồn tương đương 56,06% số lượng đã bố trí tái định cư từ năm 2004. Sở Xây dựng TP cũng kiến nghị TP chấp thuận chuyển đổi 5.000 căn hộ có mục tiêu tái định cư thành nhà ở xã hội để cho thuê.

Việc xác định nhu cầu tái định cư của dự án KĐTM Thủ Thiêm, Kiểm toán Nhà nước cũng nhận định: “Còn bất cập, chưa đầy đủ thông tin và khả năng dự báo dẫn đến lập phương án đầu tư xây dựng 12.500 căn hộ TĐC là chưa phù hợp với nhu cầu thực tế”. Dẫn số liệu liên quan đến dự án này, đến cuối năm 2016, thành phố mới chỉ thực hiện mua lại 6.714 căn hộ đã hoàn thành đưa vào bố trí TĐC cho dự án (chỉ bằng khoảng 54% chủ trương). Tuy nhiên, tính đến tháng 8/2017, số lượng căn hộ bố trí tái định cư được chỉ là 1.759 căn. Hiện thành phố đã xin ý kiến xử lý 3.790 căn hộ hoàn thành nhưng không có nhu cầu sử dụng từ tái định cư sang nhà ở thương mại, và đã được Chính phủ chấp thuận.

Bỏ “mác” nhà tái định cư

Còn khu TĐC Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh, TP.HCM) được quyết định đầu tư từ năm 2004, quy mô hơn 500 đất nền và trên 2.200 căn hộ, với tổng mức đầu tư gần 543 tỉ đồng. Đến cuối năm 2007, TP điều chỉnh xuống còn gần 2.000 căn hộ nhưng tổng mức đầu tư được nâng lên gần 848 tỉ đồng. Dự án được khởi công xây dựng từ tháng 5/2008, hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2010, với tổng mức đầu tư đề nghị điều chỉnh là hơn 1.062 tỉ đồng. Theo đó, việc chậm tiến độ đầu tư đã phát sinh tăng ít nhất 519 tỉ đồng, gần gấp đôi tổng mức đầu tư ban đầu. Thế nhưng, tính đến cuối năm 2017, sau hơn 7 năm hoàn thành, dự án mới chỉ bố trí được 479 trong tổng số 1.939 căn hộ, chưa đạt một phần phần tư mục tiêu.

Tòa nhà tái định cư bị bỏ hoang

 

Nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân của thực trạng trên xuất phát từ việc các nhà TĐC đang sống bằng “bầu sữa ngân sách”. Cụ thể trung bình mỗi năm Hà Nội cần từ 1.500 - 2.000 căn hộ TĐC, tương đương với hơn 2.000 tỷ đồng, số tiền trên được trích từ ngân sách dành cho đầu tư xây dựng. Chủ đầu tư nhận công trình, hoàn thiện xong và bàn giao cho Nhà nước, trách nhiệm quản lý và vận hành công trình sau đầu tư chưa được đặt ra. Vì vậy không ít chủ đầu tư đã thiếu trách nhiệm với công trình sau khi bàn giao. Nhà TĐC vì vậy cũng vô hình trung bị mang tiếng xấu, người dân không yên tâm khi dọn đến ở, tỷ lệ nhận nhà chỉ đạt mức thấp. Chỉ những người không có điều kiện chuyển đi nơi khác, đành chấp nhận về sống.

Bình luận về vấn đề này, TS Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng: “Cần có chính sách TĐC nhưng không nên có nhà TĐC. Chính sách TĐC là anh lấy đất thì phải bồi thường TĐC cho người dân. Còn nhà TĐC hiện nay theo kiểu chỉ định địa điểm trong khi đó có thể địa điểm được chỉ định lại chưa phù hợp với người dân. Nhà TĐC là loại nhà chỉ cho người TĐC ở mà họ không ở thì cũng chẳng làm gì được. Chúng ta nên tính TĐC bằng tiền, để người dân tự tìm chỗ ở để mưu sinh chứ không cần làm thay, quyết định thay người dân”.

Theo TS Phạm Sỹ Liêm, cần quy được trách nhiệm cá nhân khi thực hiện những dự án tái định cư không hiệu quả, không phù hợp nguyện vọng của người dân gây lãng phí nguồn đầu tư. Cũng cần có giải pháp chuyển những nhà tái định cư đang bỏ không sang nhà ở thương mại giá rẻ để bán thu hồi vốn đầu tư, cũng có thể đem đấu giá.

Thời gian tới, việc thu hút đầu tư, tiến hành các dự án được Nhà nước phê duyệt cũng như việc mở mang, chỉnh trang đô thị tiếp tục được triển khai ở nhiều địa phương. Theo đó, nhiều khu dân cư cần phải giải tỏa để ưu tiên xây dựng các công trình công cộng và phát triển đô thị. Các dự án TĐC cần phải tiếp tục để bảo đảm chỗ ở cho người dân. Tuy nhiên, để các dự án này thật sự phát huy hiệu quả, góp phần giải quyết tốt an sinh xã hội đòi hỏi cần thay đổi mạnh mẽ cách vận hành, quản lý trong thực hiện chính sách TĐC. 

MINH CHÂU

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh