THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:14

TP. HCM: Thừa 14.000 nhà tái định cư do đâu?

 

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, nhu cầu nhà ở cho TP.HCM là rất lớn cụ thể: TP có gần 13 triệu dân, trong đó có khoảng 03 triệu người nhập cư. Tốc độ tăng dân số bình quân của thành phố là 3,5%/năm, trong đó tốc độ tăng dân số cơ học là 2,3%/năm, gấp đôi mức tăng dân số tự nhiên. Trung bình mỗi năm dân số thành phố tăng khoảng hơn 200.000 người.

Có khoảng 500.000 sinh viên, trong đó, có khoảng 400.000 sinh viên chiếm khoảng 80% là người ngoại tỉnh, phần lớn thuê phòng trọ, nhà trọ dân lập giá rẻ, thiếu tiện ích, thiếu an toàn.

Và có 17 khu chế xuất, khu công nghiệp với 1.062 doanh nghiệp (trong đó có 409 doanh nghiệp FDI), và 274.622 công nhân, lao động, trong đó có 189.489 người, chiếm 69% là người ngoại tỉnh, phần lớn thuê phòng trọ, nhà trọ dân lập giá rẻ, thiếu tiện ích, thiếu an toàn. Chỉ có 16.190 người, chiếm tỷ lệ 8,54% có chỗ ở tại các nhà lưu trú công nhân do doanh nghiệp đầu tư xây dựng, chủ yếu đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách.

TP.HCM sẽ bán đấu giá 5.222 căn hộ, nền đất để đấu giá bán sang nhà ở thương mại.

 

Bên cạnh đó, TP có hơn 100.000 người nước ngoài đang sống và làm việc thường xuyên; Hàng năm, thành phố có khoảng 50.000 cặp kết hôn mới có nhu cầu nhà ở.  Nhu cầu nhà ở xã hội của thành phố trong giai đoạn từ năm 2011-2020 cần khoảng 134.000 căn; Viện Nghiên cứu Phát triển thành phố Hồ Chí Minh cũng đã thực hiện khảo sát mẫu thì đã có đến 81.000 hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu nhà ở xã hội trong giai đoạn 2016-2020.

Tuy nhiên, hiện nay ở TP lại diễn ra tình trạng thừa 14.000 căn hộ tái định cư. Lý giải sự bất cập này, Giám đốc Sở Xây dựng TP. HCM Trần Trọng Tuấn cho rằng, 14.000 căn hộ, nền đất tái định cư bị thừa là cộng dồn gần 20 năm. Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là vì chính sách có sự thay đổi liên tục.

Cụ thể, từ năm 1998 kéo dài đến năm 2007, việc đền bù giải tỏa thực hiện TĐC theo Nghị định 22. Khi giải tỏa, nhà nước đền bù theo giá đền bù cho dân hoặc bố trí một căn hộ mới. Lúc đó, nhận nhà có lợi hơn nên người dân đồng loạt chọn phương án này và bán lại cho người khác để kiếm lời. "Thời đó, tôi còn là Phó chủ tịch UBND quận 4, rất vất vả chạy khắp dự án để mua từng căn hộ TĐC về bố trí cho dân vì thiếu trầm trọng" - ông Tuấn cho hay.

 

Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP. HCM

 

Thấy vậy, lãnh đạo UBND TP HCM nhanh chóng đầu tư khu TĐC Vĩnh Lộc B và khu 12.500 căn tại Thủ Thiêm, quận 2 với mục đích xây dựng một khu TĐC với đầy đủ cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, khi xây xong, dân không ở. Lý do là họ lâu nay ngụ ở các quận khác rồi chuyển về  nơi xa hơn nên không mấy thích nghi.

Chưa kể, ít năm sau, chính sách lại thay đổi. Lúc này, quy định pháp luật nêu rõ giải tỏa phải bồi thường theo giá trị thị trường. Như vậy, việc nhận tiền bồi thường có lợi hơn nhận căn hộ, dẫn đến việc dư các khu TĐC, không ai chịu ở.

Vậy để giải quyết con số 14.000 căn hộ, nền đất TĐC đang thừa, ông Tuấn cho rằng sẽ tiếp tục bố trí TĐC cho các dự án sắp tới. Ngoài ra, TP sẽ dùng 5.222 căn hộ, nền đất để đấu giá bán sang nhà ở thương mại.

"Trong thời gian tới, TP sẽ rút ra một số bài học nhằm thực hiện tốt hơn công tác bố trí TĐC cho người dân. Cụ thể, sẽ không để tình trạng  người dân từ địa bàn này đến địa bàn xa, không thuận tiện cho sinh hoạt và công việc. Thay vào đó, cần phải tái định cư tại chỗ, đảm bảo tốt nhất quyền lợi cho người dân. Mặt khác sẽ phải điều tra xã hội học, dự báo nhu cầu hình thức tái định cư, xây dựng nhà ở xã hội cho thuê"- ông Tuấn chia sẻ.

PHA LÊ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh