CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:05

"Sống khỏe" với nghề gốm

 

Nghề xưa truyền lại

Làng gốm xã Gia Thủy, huyện Nho Quan (tỉnh Ninh Bình) mới được hình thành cách đây gần 60 năm, từng hứng chịu nhiều biến cố, thăng trầm trước sự phát triển của đồ nhựa, đồ inox. Nhưng chính đôi tay khéo léo của người thợ đã khiến cho nghề ấy ở đây không chỉ vực dậy mà còn tạo ra ấn tượng với nét độc đáo riêng.

 

 

Chị Vũ Thị Xuyến, người đầu tư vốn vào cơ sở gốm Gia Thủy cho biết, bên cạnh chất lượng thì điểm tạo nên gốm Gia Thủy chính là hoa văn, họa tiết. Mỗi một chi tiết thường gắn với một điển tích, một câu chuyện xưa, như tích Đinh Bộ Lĩnh cưỡi ngựa cầm cờ lau, tích về tiên hạc, về tứ quý, ngũ phúc lâm môn, rồi tứ mùa gắn với tùng, cúc, trúc, mai,… thể hiện sự sinh động và mang hồn cốt đặc trưng của làng quê Việt Nam.

“Nếu pha hai ấm chè cùng loại và cùng nước, một bên là ấm gốm Gia Thủy, một bên là ấm tráng men, chắc chắn là sau một ngày chè ở ấm tráng men bốc mùi hôi, thiu; còn ấm gốm thì đảm bảo một tuần sau chè mới hỏng. Chum đựng rượu, đựng nước cũng vậy, đồ gốm có chức năng khử độc, đó là điều mà đồ nhựa, đồ tráng men không bao giờ làm được”, chị Xuyến cho biết thêm khi nói đến chất lượng của mỗi sản phẩm.

 

 

Và hẳn ai cũng biết, để làm ra một sản phẩm gốm đòi hỏi người thợ phải khéo léo, tỉ mỉ, công phu và thật sự tâm huyết. Đơn giản như việc tiếp củi vào lò thôi cũng đóng vai trò quyết định đến lô sản phẩm. Nếu trong quá trình nung, thợ không điều chỉnh lửa, điều chỉnh nhiệt độ cho phù hợp, sản phẩm ra lò sẽ cong, vênh, rạn. Sản phẩm khi còn thô có màu vàng, khi nung ở nhiệt độ từ 1.200 - 1.300 độ C, sẽ chuyển sang màu cánh dán, đây chính là màu lý tưởng nhất.

 

 

Qua những bàn tay điêu luyện của người thợ lành nghề, đất đã chuyển mình thành hình, thành khối, có đường nét như ý và ẩn chứa cả hồn cốt của người thợ Gia Thủy. Chính nét đơn sơ mộc mạc ấy, gốm Gia Thủy được nhiều khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng. Đến nay, gốm Gia Thủy không chỉ hiện hữu trong nhà là những vật dụng sử dụng trong sinh hoạt của con người như chum, vại, ấm, chén mà còn là những sản phẩm mang tính nghệ thuật cao, xuất hiện ở các hội thi tay nghề và ở các triển lãm trong và ngoài nước.

 

 

“Gốm Gia Thủy vẫn được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng, đặc biệt khách hàng của các nước như Nhật Bản, Hà Lan, họ ký hợp đồng lâu dài với hợp tác xã, cho nên hàng làm ra bán rất chạy, ra lò đến đâu họ lấy đến đấy, như thời điểm này còn không có hàng để bán”, chị Xuyến nói.

Phát triển làng nghề

Về Gia Thủy, người ta dễ dàng nhận ra những ngôi nhà khang trang, hoa văn tinh tế, con đường bê tông rộng đẹp, ấy cũng là do đồng tiền kiếm được từ gốm. Như anh Bảy, anh biết làm gốm từ bé, nhưng lúc gốm ế, anh chán nghề rồi bỏ vào Nam kiếm sống, chục năm sau anh quay về và cũng nhận ra chỉ cần ở quê làm gốm cũng cho thu nhập khá với gần chục triệu mỗi tháng chứ chẳng cần phiêu bạt đi đâu kiếm việc làm. Hay như chị Hà, chồng chị mất sớm, một tay chị tần tảo nuôi hai con nhỏ, hơn chục năm rồi chị gắn mình với gốm, đến nay tay nghề của chị đã nhuần nhuyễn và được trả lương lên đến 13 triệu đồng mỗi tháng. Con chị lớn lên và cũng theo mẹ vào làm gốm, tuy mới làm nghề được độ hơn năm nhưng cậu cũng có thu nhập gần 8 triệu đồng mỗi tháng. “Cũng có lúc tưởng chừng mình phải bỏ nghề, nhưng rồi vẫn được thị trường ưa chuộng, giàu thì không giàu nhưng được cái thu nhập ổn định, cũng làm được cái nhà rộng rãi, mua được cái xe máy để đi và dù nắng hay mưa cũng đều đi làm được”, chị Hà tâm sự.

 

 

Chia sẻ thêm về thu nhập của lao động, chị Xuyến cho biết, lương ở đây là trả theo tay nghề, người nào tay nghề cao thì trả cao, có người lên đến gần 18 triệu mỗi tháng, nhưng cũng có người chỉ được 10 triệu hay 6 triệu đồng mỗi tháng. Anh như thợ đất, mỗi ngày anh chỉ làm có 2 tiếng nhưng mỗi tháng anh cũng được hưởng gần 5 triệu đồng.

Có lẽ công việc này đòi hỏi đam mê, kiên trì và có nhiệt huyết nên ít thanh niên vào làm. Như nhà chị Xuyến, chị đã gần 40 năm trong nghề, chồng chị là nghệ nhân Đinh Quang Hà, Phó chủ nhiệm HTX, có tài hoa nhất nhì ở làng gốm nhưng các con thì có ý không muốn theo dù là thu nhập rất khá. “Giới trẻ thì thích tung tăng, những lúc người ta đến mua nhiều, không có sản phẩm mà bán như thế này chỉ hy vọng chúng bay nhảy một thời gian rồi về làm nghề cho đỡ lãng phí nhân lực”, chị Xuyến mong mỏi.  

 

 

Giờ làm gốm không vất vả như xưa nữa, chủ cơ sở đã chuyển đổi sản xuất theo hướng khoa học, đầu tư máy móc, bàn xoay bằng điện. Và cũng để phát huy truyền thống quý báu từ làng nghề, tạo việc làm ổn định cho bà con địa phương, chính quyền xã Gia Thủy đã ưu tiên dành 5.000 m2 mặt bằng, xa khu dân cư để đưa các hộ làm nghề gốm đến đây sản xuất.

Ngoài ra, xã cũng đã dành riêng những diện tích đất nhất định để các cơ sở gốm khai thác nguồn đất sét phục vụ cho sản xuất làng nghề. Cùng với đó, chính quyền xã Gia Thủy Đinh đã phối hợp với các cơ quan, tổ các lớp đào tạo, dạy nghề gốm cho thanh niên trong xã nhằm bảo tồn và phát triển nghề truyền thống. Mặc dù gặp nhiều khó khăn do biến động kinh tế thị trường, nhưng làng nghề gốm luôn tìm hướng đi phù hợp để duy trì và phát triển theo hướng bền vững, góp phần phát triển kinh tế địa phương và tạo việc làm cho nhân dân trên địa bàn.

HẠNH NGUYÊN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh