THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:48

Gốm Việt dưới góc nhìn của một nhà báo

 

Với anh, đồ cổ giống như một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Vì thế, chẳng có gì ngạc nhiên khi Thanh Hưng đã dồn tất cả đam mê của mình cho nó, từ tiền bạc đến thời gian và cả những công sức không thể đo đếm được bằng tiền. 

Nhà sưu tập Trần Thanh Hưng bên một sản phẩm gốm Chóp Chài-tỉnh Phú Yên. ảnh: Đông Hải.

Tôi biết Thanh Hưng qua lời giới thiệu của đạo diễn trẻ Hồ Nhật Thảo. Sau một đêm hàn huyên về đồ cổ tại Quảng Ngãi, tôi lại khăn gói vào Phú Yên để mục sở thị bộ sưu tập của anh. Có thể khẳng định, bộ sưu tập của Thanh Hưng không nắm giữ kỷ lục về số lượng, nhưng nó phong phú, có vài món thuộc hàng quí hiếm. Nhưng điều quan trọng hơn cả là trong bộ sưu tập ấy, Thanh Hưng luôn dành một góc quan trọng cho gốm Việt như một cách bảo tồn những giá trị văn hóa của dân tộc cho riêng mình. Có 2 món đồ mà Thanh Hưng khẳng định là hiện rất khó tìm và nếu có tìm ra chưa chắc người có đã bán đó là Bình rượu và Ống giắt bút rùa ngậm cuốn thư. Lý giải điều này Thanh Hưng bảo 2 hiện vật kia không quá đẹp về mặt mỹ thuật, nhưng nó là đại diện cho dòng gốm Mỹ Thiện-Châu Ổ tại Quảng Ngãi đã có niên đại hơn 200 năm. Theo tư liệu, Làng gốm Mỹ Thiện - Châu Ổ huyện Bình Sơn là một trong những làng nghề gốm nổi tiếng ở miền Trung Việt Nam. Trong văn tế tổ nghề của làng có ghi, người khai mở nghề gốm ở đây là ông Phạm Công Đắc và ông Nguyễn Công Ất, quê ở Thanh Hóa vào Quảng Ngãi lập nghiệp từ cuối thế kỷ XVIII. 

Bình rượu gốm Mỹ Thiện-Châu Ổ. ảnh: Đông Hải 

Theo quan điểm của Thanh Hưng, để có được món đồ cổ có giá trị, người sưu tập ngoài đôi mắt tinh tường, sự hiểu biết đôi khi còn phải dùng đến “thủ thuật” để mang món đồ đó về cho mình với giá mức giá “hợp túi tiền”. Vì nếu anh đến những nhà sưu tập chuyên nghiệp, cái gì cũng có nhưng giá của nó thì không hề rẻ. Thủ thuật sưu tập đồ cổ là phải “dương đông kích tây” mới mua được. Thanh Hưng kể rằng khi đến một người có ít đồ cổ muốn bán, anh phát hiện ra trên bàn uống nước của chủ gia có chiếc gạt tàn thuốc rất cũ, rất cổ, sau một hồi chọn lựa, anh quyết định mua vài ba món đồ và có nhã ý nói chủ nhà “khuyến mãi” cho chiếc gạt tàn thuốc vì sợ hỏi mua chủ nhà lại không bán. Không ngờ, chủ nhà vui vẻ và biếu không cho anh chiếc gạt tàn thuốc ấy. Đồ cổ, với người này có thể là rất giá trị và vô giá nhưng cũng có thể được người nào đó biếu không hoặc bán rất rẻ cho mình, Thanh Hưng bật mí. 

Ống giắt bút rùa ngậm cuốn thư, gốm Mỹ Thiện-Châu Ổ Quảng Ngãi. ảnh: Đông Hải

Cơ duyên để Thanh Hưng đến với đồ cổ cũng khá tự nhiên. Xuất phát từ những chuyến công tác của nghề báo, thích quan sát, ưa những thứ cu cũ và tự nhiên đam mê đến từ lúc nào không biết. Câu chuyện Thanh Hưng mua được chiếc bàn xoay từ rất lâu cũng khá tình cờ. Đến nhà người quen chơi thấy cái bàn tròn nhỏ nhỏ anh bảo vợ hay mình mua cái bàn này về để ăn cơm vì nhà mình chật quá. Chủ nhà đặt cái bàn ở xó bếp thấy Thanh Hưng thích thì bán rẻ. Về nhà, sau khi chùi rửa sạch sẽ mang cơm ra ăn vô tình 2 vợ chồng cùng đặt tay lên mặt bàn thì mặt bàn nhúc nhích rồi nhè nhẹ xoay. Hoảng hồn, 2 vợ chồng anh bỏ tay ra thì mặt bàn xoay theo chiều ngược lại. Lật úp cái bàn xuống và tháo rời ra, Thanh Hưng phát hiện phần nối giữa mặt bàn và trụ đỡ có một khớp nối rất tinh xảo, càng lau chùi sạch sẽ chiếc bàn càng xoay nhanh hơn. Hiện tại, chiếc bàn này đã có người đã trả anh 100 triệu đồng nhưng anh không bán. Với Thanh Hưng, đồ cổ có thể trao đổi, mua vào nhưng không bán ra. 


Tu hủ có minh văn Chư Tử trị gia cách ngôn đời nhà Thanh trong bộ sưu tập của Thanh Hưng. ảnh: Đông Hải

Ngoài việc sưu tầm đồ cổ như một thú chơi của riêng mình, Thanh Hưng còn hướng đến việc nghiên cứu, ghi chép và lưu giữ thành sách bởi theo anh nếu không có những công trình nghiên cứu bài bản, ghi chép cẩn thận thì các thế hệ con cháu sau này có thể thấy hiện vật nhưng không hiểu nó xuất từ đâu, ở thời điểm nào cũng như quá trình bảo tồn nó. Cứ đọc lời giới thiệu của Thanh Hưng trong chương II về gốm Quảng Đức thì sẽ hiểu nếu như không có những bút tích để lại thì sau này những đồ vật ấy có thể sẽ chẳng còn tí giá trị nào: “Qua khỏi đèo Cù Mông là địa phận tỉnh Phú Yên, biên giới phía Nam khi ông Lương Văn Chánh phụng mệnh chúa Nguyễn Hoàng mở mang bờ cõi Đại Việt. Chính trên vùng đất mới này, một dòng gốm thuần Việt nhưng có sự kế tục, tiếp nối truyền thống của gốm Chăm, tiếp lưu trong dòng chảy văn hoá thông qua gốm từ đất thang mộc Bình Định đến vùng biên viễn Phú Yên. Sau buổi hoàng hôn của vương triều Viyaja Chămpa, các nghệ nhân gốm cổ Gò Sành cũng thực hiện cuộc di dời về phương Nam để ghi dấu về những lò gốm cổ trên bản đồ gốm Việt Nam. Nghiên cứu về khảo cổ học và một số di tích cổ còn sót lại ở Phú Yên cho thấy, ít nhất làng gốm Quảng Đức được hình thành vào khoảng cuối thế kỷ XVII  và đầu thế kỷ XVIII. Đây là một trong những làng nghề truyền thống hình thành khá sớm ở Phú Yên gắn liền với di  tích các thành cổ tồn tại cho đến nay như thành Hội Phú - thủ phủ của Phú Yên từ năm 1629 đến năm 1836; thành An Thổ - thủ phủ của Phú Yên từ năm 1836 đến năm 1899. Nếu như các trung tâm gốm cổ ở tỉnh Bình Định thường được bố trí quanh các cảng thị hoặc ven bờ sông Kôn, thì các nghệ nhân làng gốm Quảng Đức đã chọn vị trí địa lý tương tự là dòng sông mang tên Lò Gốm, nằm ở hạ lưu Sông Cái (còn gọi là sông Ngân Sơn), thuận lợi trong việc chuyên chở nguyên-nhiên liệu làm gốm và đưa sản phẩm đi tiêu thụ khắp nơi bằng đường thuỷ”.

Hũ nhỏ gốm Quảng Đức-Phú Yên và Nghiêng mực đời nhà Thanh. ảnh: Đông Hải.

Vào tháng 1 và tháng 3 năm 2003, các nhà nghiên cứu, sưu tầm cổ vật Trần Đình Sơn, Nguyễn Đình Chúc, Trần Thanh Hưng đã thực hiện hai chuyến điền dã về làng Gốm Quảng Đức để chuẩn bị tư liệu cho đề tài nghiên cứu về làng nghề và Phật giáo ở Phú Yên. Dịp này các nhà nghiên cứu đã gặp gỡ 2 nghệ nhân cuối cùng biết về gốm cổ Quảng Đức là cụ Nguyễn Dần và cụ Nguyễn Thịnh. Thời điểm đó, một nghệ nhân cao tuổi khác là cụ Nguyễn Ky cũng vừa mất ở tuổi 85, hai cụ còn lại đều ở tuổi ngoài thất thập và đều là anh em họ hàng với cụ Ky. Theo các cụ thì làng gốm Quảng Đức đã có lịch sử trên 300 năm hình thành và phát triển, khoảng cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII. Khai sinh ra dòng gốm này chính là dòng họ Nguyễn của họ ở Bình Định mang nghề vào Phú Yên lập nghiệp.

Theo Trần Thanh Hưng, không chỉ dừng lại ở việc giữ lửa cho nghề, chính trên vùng đất mới Phú Yên này, các nghệ nhân xưa đã cho ra đời một dòng gốm mới với nhiều nét độc đáo không thể lẫn vào đâu được. Trong hàng ngàn cổ vật của con tàu đắm Bình Thuận đã được khai quật cách đây chưa lâu, bên cạnh đồ gốm sứ có niên đại 1573 - 1620 thuộc các lò nổi tiếng Cảnh Đức Trấn, Đức Hoá thuộc Phước Kiến và Quảng Đông Trung Hoa, còn có cả đồ gốm Gò Sành Bình Định và gốm Quảng Đức Phú Yên. Điều này cho thấy, gốm Quảng Đức đã có một vị thế nhất định trên hành trình giao lưu văn hoá không chỉ trong nước

Đĩa Pháp in bài thơ Xích Bích phú trong bộ sưu tập của Thanh Hưng. ảnh: Đông Hải

Không quá dư dả về tiền bạc để có thể thành lập một bảo tàng cổ vật như mơ ước nhưng Thanh Hưng vẫn hàng ngày “bồi đắp” cho căn nhà nhỏ của mình thêm những món đồ cổ từ rất xưa và sau những giờ làm việc căng thẳng, thú vui tiếp theo của Hưng chính ghi chép những gì còn lưu lại của văn hóa Việt qua những món đồ cổ mà anh đã có được và đang đi tìm. Với anh, sưu tầm đồ cổ là thú chơi nghiêm túc và đầy tính nhân văn. 

ĐÔNG HẢI

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh