THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 04:22

Đàn ông Việt có nguy cơ ế vợ vì tâm lý "sính" con trai

 

Tư tưởng “ nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”

Điển hình cho quan niệm trên là vụ việc của gia đình ông Nguyễn Văn T ở Ba Vì, Hà Nội. Ông Nguyễn Văn T là anh cả trong một gia đình có 4 anh, em trai nên ông T được ở trên mảnh đất ông, bà, tổ tiên để lại với “nghĩa vụ” là người nối dõi tông đường, thờ cúng tổ tiên. Nhưng khi  lấy vợ ông T lại sinh được ba người con gái, hai con gái lớn đã lấy chồng xa, hiện tại ông và vợ sống cùng cô con gái út. Mặc dù không sinh được con trai nhưng các con của ông T rất ngoan ngoãn, hiếu lễ với cha mẹ.

Thế nhưng vì ông T không sinh được con trai để “nối dõi” người thân trong gia đình của ông T đã quay lưng, hắt hủi vợ chồng ông. Họ buộc ông cùng vợ con phải chuyển khỏi ngôi nhà xây dựng trên mảnh đất tổ tiên để lại, không cho ông làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đẩy vợ chồng ông T rơi vào hoàn cảnh không có chỗ nương thân. Cũng từ đây, mâu thuẫn gia đình ông T ngày càng kéo dài, tình nghĩa anh em, chú cháu, họ hàng nội tộc bị sứt mẻ chỉ vì quan niệm xưa cũ “có một thằng con trai đã là có còn có mười đứa con gái cũng bằng không”.

Hay đau lòng hơn là  trường hợp của anh Nguyễn Văn  M. ở Thành phố Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên). Chỉ vì muốn có đứa con trai để nối dõi tông đường mà anh M. đã tìm mọi cách để vợ mang bầu lần thứ 2. Tuy lần mang bầu này là con trai… nhưng lần vượt cạn đó vợ anh đã bị băng huyết và mất ngay khi sinh. Hai đứa con anh đã không còn mẹ khi còn quá nhỏ.

Sinh ra trong một gia đình có 3 chị em gái, anh M. là con trai duy nhất. Bố anh lại là trưởng họ, thế nên niềm hy vọng của cả đại gia đình được đặt vào anh. Năm 30 tuổi, anh M. lấy vợ và cũng là lúc anh được cũng lên chức bố của một công chúa bụ bẫm, xinh xắn. Nhưng niềm vui ấy chẳng kéo dài được bao lâu khi gia đình  lại giao nhiệm vụ cho 2 vợ chồng anh phải tiếp tục sinh một bé trai nối dõi.

 

 

Anh M tâm sự: “Là độc đinh trong gia đình, tôi đã bị áp lực “phải có con trai” ngay từ khi còn là một đứa trẻ. Vì thế, việc vợ chồng tôi có con gái đầu lòng đã làm bố mẹ tôi vô cùng buồn bã. Ông bà luôn thúc giục tôi phải giục vợ tiếp tục sinh con có cháu nối dõi. Không chỉ chịu áp lực từ phía cha mẹ, tôi còn chịu áp lực từ phía bạn bè, họ hàng. Nhất là vào những dịp giỗ chạp của gia đình, tôi thường phải cắn răng nghe những lời rỉa rói kiểu như: “Mày không có con trai nối dõi thì cho ngồi xuống chiếu dưới”, hay “Cả đời chỉ biết làm ông ngoại thôi…”.Quá cay cú với những lời lẽ như vậy, nên tôi quyết định bắt vợ đẻ bằng được đứa con trai để tôi được “mở mày mở mặt với xóm giềng”.  

Lần thứ 2 vợ anh M. đã có bầu một thằng cu. Cả gia đình anh vui mừng, mong đợi từng ngày đứa bé chào đời. Con trai anh đã chào đời trong niềm hân hoan của cả dòng họ. Nhưng trớ trêu thay, niềm vui chưa trọn vẹn thì nỗi buồn đã ập đến. Do bị băng huyết quá nặng và sức khỏe quá yếu trong quá trình sinh nên vợ anh M. đã bất ngờ ra đi khi chưa kịp nhìn thấy đứa con trai của mình. Đôi mắt đỏ hoe, anh M. chia sẻ: “Lúc ấy, tâm trạng tôi rối bời, tôi gào thét như một kẻ điên dại, tôi ân hận... Phải mất một thời gian khá dài tôi mới trấn tĩnh tinh thần, lấy lại tâm lý, tìm được thăng bằng trong cuộc sống. Vì các con, tôi càng phải trở nên cứng cỏi hơn để sống. Tôi đã cố gắng làm tất cả cho các con tôi được hạnh phúc và bằng bạn bằng bè. Nhưng tôi biết, dù tôi có cố gắng đến bao nhiêu đi chăng nữa cũng không thể bù đắp được cho các con tôi và cũng không thể làm cho vợ tôi sống lại”.

Nguy cơ hơn 4 triệu đàn ông Việt “ế” vợ

Trong vòng 20 năm qua, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất. Tuy nhiên tư tưởng trọng nam khinh nữ, sinh con trai nối dõi tông đường đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi cá nhân, gia đình và dòng họ. Ở đô thị, nhiều gia đình trí thức, kinh tế khá giả nhưng luôn có tâm lý phải sinh con trai, do vậy họ lựa chọn giới tính khi sinh bằng nhiều phương pháp y tế hiện đại và cũng dễ dàng bỏ thai nếu giới tính là nữ. Còn ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, một số gia đình không có điều kiện tiếp cận dịch vụ y tế hiện đại thì cứ sinh con, đến khi được con trai mới thôi.

 

 

Theo dự báo của Quỹ dân số Liên Hợp Quốc  (UNFPA), tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh  MCBGTKS sẽ tăng lên khoảng 125 bé trai/100 bé gái vào năm 2020 và tiếp tục duy trì ở mức này cho tới năm 2050. Khi đó, nước ta sẽ có khoảng từ 2,3 triệu đến 4,3 triệu nam giới không lấy được vợ. Điều này, sẽ kéo theo nhiều hệ lụy khó lường khác về mặt an ninh xã hội như nạn buôn bán phụ nữ, xâm hại tình dục, một bộ phận nam giới phải kết hôn muộn, không có khả năng kết hôn…

Ông Nguyễn Văn Tân – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cho biết, dù Việt Nam xuất hiện tình trạng mất cân bằng giới tính sau Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc nhưng tình trạng mất cân bằng giới tính đã tăng nhanh một cách chóng mặt.  Cụ thể trong năm 2006 tỷ số giới tính nam/ nữ là 108/100, năm 2013 lên đến 113,2/100, năm 2014 và 2015 vẫn tiếp tục giữ ở mức mất cân bằng giới tính cao lần lượt là 112,2/100 và 112,8/ 100. Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ngày càng lan rộng từ nông thôn đến thành thị và ở tất cả 6/ 6 vùng toàn quốc bao gồm cả Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long. Tại cấp tỉnh năm 2015 có tới 48/63 tỉnh, thành phố có tỷ số giới tính khi sinh là 108 trở lên, trong đó có 15 tỉnh có tỷ số giới tính khi sinh rất cao lên  từ 115 trở lên.

Theo ông Tân, tình trạng thiếu phụ nữ trẻ sẽ khiến nhiều nam giới khó tìm được bạn đời. Sự khủng hoảng về hôn nhân này có thể để lại một loạt hậu quả cả về mặt nhân khẩu học và mặt xã hội bao gồm nạn ép buộc kết hôn, buôn bán và bạo hành phụ nữ và trẻ em gái và cả nguy cơ bất ổn xã hội do sự bất mãn về xã hội và tình dục của nam giới.

Ông Dương Văn Đạt- Trưởng nhóm Sức khỏe sinh sản (UNFPA) cho rằng: “Nếu chỉ nói tới truyền thống văn hóa một cách chung chung, có thể sẽ khuyến khích những hành động trọng nam khinh nữ. Do vậy rất cần thiết phải định nghĩa lại thế nào là những truyền thống văn hóa Việt Nam theo cách giúp củng cố vị thế cho phụ nữ và trẻ em gái trong gia đình và dòng tộc. Truyền thống văn hóa tốt đẹp nên được đánh giá là những truyền thống coi trọng nữ giới ngang bằng với nam giới. Bên cạnh đó các hoạt động truyền thông đề cập tới truyền thống văn hóa cũng cần tập trung thay đổi những quan niệm đạo đức ở cộng đồng. Đặc biệt cần nhấn mạnh việc xúc phạm, trêu chọc, gièm pha những người không có con trai là hành động mà xã hội không thể chấp nhận được”.

CHÂU ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh