THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:15

Chúng ta ở đâu trên "bản đồ" bình đẳng giới?

 

Chịu chung số phận của mọi phong trào, nữ quyền như những cơn sóng, dập dìu những “cao trào” lẫn “thoái trào”. Trong khi đó, bình đẳng giới đòi hỏi bền bỉ và muôn đời từ thực tại xã hội, trong nhu cầu phát triển chung của loài người. Hiện nay, khi phụ nữ đã được đến công sở và một bộ phận nam giới đã biết vào bếp, một số người bắt đầu yên tâm rằng, sứ mệnh của phong trào này đã hoàn tất.

Bài diễn văn về nữ quyền của ông Obama vì thế tạo một làn sóng dư luận về bình đẳng giới. Những chi tiết tinh tế được ông nhắc đến về sự bất công với giới nữ như trở thành những câu hỏi, truy vấn từng cộng đồng, từng gia đình rằng: “Bạn đã có bình đẳng giới chăng?”

Bài diễn văn về nữ quyền của ông Obama  tạo một làn sóng dư luận về bình đẳng giới - Ảnh minh họa: Internet

Nhà văn Nhật Chiêu: “Nam tôn nữ ti” là một trật tự nguy hiểm

Những ý kiến gần đây của ông Obama về nữ quyền đặc biệt gần gũi với hiện thực ở Việt Nam. Chúng ta vẫn bị ảnh hưởng nặng nề bởi tư tưởng Nho giáo, trong đó có sự phân biệt giới tính. Và khi thế giới vẫn ngấm ngầm xem giới tính nam cao quý hơn giới tính nữ, thì ở Việt Nam, điều đó được đúc kết trong cái trật tự: “nam tôn nữ ti”.

Hiện nay, vẫn còn những biểu hiện thô lỗ ngay từ... mâm ăn, khi đàn ông ăn ở nhà chính, phụ nữ ăn ở nhà sau. Người ta còn phân biệt “chiếu của những người đàn ông có con trai”. Sự phân hó a vô lý này xuất phát từ lầm tưởng tưởng chừng có lý, điển hình là lầm tưởng rằng đàn ông thì khỏe mạnh hơn, đóng góp cho xã hội nhiều hơn. Những tư tưởng này không chỉ kìm hãm giới nữ; mà còn nguy hiểm khi tạo cho người nam sự tự tôn, còn phụ nữ sự tự ti giới tính.

Tôi đồng ý với ông Obama rằng, người nam có phần lớn trách nhiệm trong cuộc đấu tranh này, nhất là trong bối cảnh mà sự lên tiếng của người phụ nữ vẫn còn chịu nhiều phán xét.

Thạc sĩ Hồ Khánh Vân: “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” là cái bẫy của bất bình đẳng giới

Trong quá trình đấu tranh giải phóng phụ nữ, người ta từng mắc sai lầm khi không xét đến những khác biệt về thể trạng, về bản thể mà cho rằng, nam nữ phải như nhau trong mọi trách nhiệm lẫn quyền lợi. Điều này vô tình “nam hóa” người nữ, khiến những bất công càng trở nên trầm trọng. Bởi thế, tôi thấy rất thú vị với nhận định của ông Obama, rằng: “Dù là đàn ông, phụ nữ, người đồng tính hay chuyển giới, chỉ cần đơn giản là chính mình mà thôi”. Thật vậy, cuộc đấu tranh cho bình đẳng giới vẫn nên là cuộc đấu tranh với những động thái bóp méo tự nhiên, đấu tranh cho tự do của từng con người cá nhân. Chúng ta phải tạo một môi trường tôn trọng cá nhân, tôn trọng những khác biệt của mỗi con người, trong đó bao hàm cả những khác biệt của giới nam và giới nữ.

Cách đây sáu năm, khi đọc một tài liệu về nữ quyền, thấy người ta nhấn mạnh rằng “vấn đề của người phụ nữ là sự ngừng trệ” - rằng những định kiến ảnh hưởng lên cuộc đời người phụ nữ bằng cách làm ngừng trệ hành trình sống của họ - tôi đã nghi ngờ. Nhưng, đến khi lập gia đình, có hai đứa con, tôi mới hiểu chính xác điều đó. Tôi thực sự rơi vào sự “ngừng trệ” đã được cảnh báo từ trước, khi gia đình và con cái luôn là ưu tiên số một; mọi công việc khác đều được làm cầm chừng, thậm chí, chỉ duy trì ở mức tối thiểu. Việc lớn lên giữa những định kiến xã hội, những “phân chia lao động” theo giới tính đã tồn tại hàng ngàn năm; dẫu gì; cũng đã hình thành một quán tính sống ở những người phụ nữ như tôi, bất chấp những nhận thức về sự bất công.

Tiến sĩ Hoàng Hồng Hà: “Phải tìm ra cách của mình”

Obama là một chính khách có thái độ đầy sức thuyết phục với vấn đề nữ quyền. Ông ấy, có lẽ, cũng là người được phụ nữ yêu mến, từ những người phụ nữ trong gia đình đến những phụ nữ ngoài xã hội. Nói vậy, nghĩa là cũng phải nhìn thấy, phu nhân và hai con gái cũng có những hy sinh nhất định để đồng điệu với chồng, với cha, trong trách nhiệm xã hội lớn lao của mình. Không có một tình cảm ủng hộ nữ quyền chung chung, nếu không có những trải nghiệm cá nhân đủ sâu sắc để thấy được những bất công mà người phụ nữ đã và đang phải chịu đựng. Ông có những trải nghiệm ấy và đã từ những trải nghiệm ấy mà khái quát thành cách nghĩ, cách làm.

Với tầm ảnh hưởng của một chính khách, phát biểu của ông có thể có những ảnh hưởng rộng lớn. Nhưng cũng như lịch sử từng cho thấy, bình đẳng giới không bao giờ chỉ là cuộc đấu tranh ở tầm khái quát, mức độ phong trào rộng, tính chất tổng quan. Gay gắt hơn, lặng thầm hơn, nhiều góc khuất hơn, đó luôn luôn đã, đang và vẫn sẽ là cuộc chiến đấu của từng người phụ nữ, từng cuộc đời, vượt qua những định kiến, ngăn cản trong gia đình, trong công việc, trong những hoàn cảnh riêng của họ. Những thành công giành được đôi khi hết sức nhỏ nhoi. Phát biểu của ông ấy đã truyền một dòng cảm hứng tích cực, có tác dụng động viên, để mỗi người phụ nữ tiếp tục bước tới trên con đường của đời mình.

Nghĩ về thời điểm của phát biểu này, cũng cần nhìn nó trong bối cảnh chính trị - xã hội. Nhiệm kỳ tổng thống đã gần kết thúc và ông Obama đang hết lời khen ngợi, ủng hộ bà Hillary. Những người phụ nữ hôm nay có thể mừng vui và xúc động vì những tình cảm chân thành trong bài phát biểu của ông, nhưng đừng đặt sự ngưỡng mộ lên trên sự tỉnh táo cần thiết. Để “trở thành chính mình”, thì khó ai làm thay, sống thay cho mình được, cho dù đó là... tổng thống. Điều đáng học hỏi là: ông ấy đã tìm ra cách của mình, chân thành và đầy sức thuyết phục. Mình cũng phải tìm ra cách của mình, để sự bình đẳng không là một cuộc “đấu tranh” căng thẳng trong gia đình, trong công việc, mà là một sự hòa hợp tự nhiên và đầy lòng tri ân.

Luật sư Nguyễn Quốc Dũng: “Định kiến giới thực ra là luật lệ trong xã hội cũ”

Cái mà bây giờ chúng ta gọi bằng định kiến thực ra nó là luật lệ thời trước, bị “khai trừ” dần theo thời gian. Nó vẫn ngấm vào cách suy nghĩ, hành xử; len lỏi vào từng nếp nhà, từng phận người. Nhiều cha mẹ không chia đất đai, tài sản cho con gái. Sự thiệt thòi về vật chất, tinh thần của con gái là thấy rõ và sự thiệt thòi đó không dừng lại ở thế hệ mình. Nhiều vụ án phát sinh từ cán cân lệch này và dù công lý có soi đến thì cũng không cứu vãn được thâm tình.

Tôi đả phá định kiến “đàn ông không được khóc, khóc là thiếu mạnh mẽ”. Khi chứng kiến những điều xúc động, tôi vẫn khóc ròng trước mặt nhiều người. Tại sao tôi phải giấu cảm xúc khi đó là khác biệt hiếm hoi giữa con người với con vật? Nhưng với con gái, tôi vẫn dạy con sự dịu dàng, kín đáo. Vì theo tôi đó là những đặc tính giúp con đẹp hơn và hạn chế nguy cơ. Ít nhất cũng còn có khuôn mẫu để theo mà tốt cho mình, gia đình, xã hội. Tuy nhiên, tôi khuyến khích con gái thể hiện quan điểm của bản thân, miễn đừng quá lố và khiến mình tách rời, lạc lõng trong dòng chảy của xã hội.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh