Dân nghèo lao đao vì dính “bẫy lừa” xuất khẩu lao động
- Pháp luật
- 13:36 - 19/04/2015
Bài 2: Đối tượng lừa đảo vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật
*Chuốc nợ nần vì đi XKLĐ chui
Sau khi vụ việc vỡ lở, bà Thắng đã vội vàng “tẩu tán” hết những tài sản có giá trị, để lại cái xác nhà trống huếch, rồi trốn sang nhà người em trai nghiện hút ở xã bên sinh sống. Mỗi khi người dân đến tìm đến đòi tiền, liền bị bà chửi bới, rồi cậu em trai cầm gậy ra đuổi đánh nên chẳng ai dám bén mảng đến đòi tiền.
Trong số những người bị lừa, có lẽ thiệt hại nặng nề nhất là anh Trần Quốc Hoàn. Với hy vọng “đổi đời”, vợ chồng anh Hoàn đã cóp nhặt, vay mượn khắp nơi nộp 235 triệu đồng để bà Thắng đưa sang đảo Síp. Giờ đòi bà Thắng cũng không trả, với lý do đã nộp sang bên Síp hết rồi, giờ lấy đâu tiền mà trả. Thậm trí, bà này còn thách thức người dân đi kiện.
Tiếp chuyện với PV, ông Trần Quốc Thiện (62 tuổi, bố nạn nhân Trần Quốc Hoàn)vừa khóc, vừa nói:“ Bà Thắng vốn là họ hàng, nên tôi không mảy may nghi ngờ, cố vay mượn tiền để con trai và con dâu đi XKLĐ với mong ước tích cóp vốn để sau này về quê làm ăn. Số tiền hơn 70 triệu đồng tích cóp dự định tới đây nhập viện điều trị bệnh hẹp van tim, tôi cũng đưa nốt cho bà Thắng. Còn tiền cầm cố sổ đỏ vay ngân hàng sắp tới gia đình cũng chưa biết tính sao…”.
Vì tin tưởng nên gia đình ông Trần Quốc Thiện, xã Thạch Sơn đưa cả số tiền vay mượn và tiền gom góp chữa bệnh tim của mình cho bà Thắng lo cho các con đi XKLĐ .
Còn ông Nguyễn Công Lộc(bố nạn nhân Nguyễn Văn Thuận)mừng vì con được trở về an toàn, nhưng cho đến giờ, khi nghĩ về sự việc đã qua, ông Lộc không khỏi chua xót. “Nhà nghèo, nhưng tôi vẫn cố vay nóng của người quen và các tổ chức tín dụng với hy vọng vài tháng sau khi con trai sang đảo Síp sẽ gửi tiền về trả nợ hết. Ai ngờ lại rơi vào cảnh khốn khổ thế này.
Ngày nào chủ nợ cũng đến đòi nợ và muối mặt khất lần, nhiều lúc ra đường không dám ngẩng mặt lên vì sợ gặp người quen, bởi chưa có tiền để trả khoản vay”-ông Lộc nghẹn ngào.
Cùng cảnh ngộ, trước khi sang đảo Síp lao động, chị Quản Thị Hương (trú tại khu 1, xã Thạch Sơn) đã mua một số gạch để sẵn với hy vọng sau khi sang đảo Síp làm việc một thời gian, có tiền sẽ gửi về cho chồng sửa lại căn nhà đã cũ nát khỏi bị dột khi mưa gió.
Sau cú lừa của bà Thắng, giờ đây chị đứng ngồi không yên khi khoản nợ 120 triệu đồng cộng với tiền lãi sắp đến hạn trả nợ, trong khi bà Thắng tuyên bố không hoàn trả lại tiền. Chị Hương cho biết, cứ tình hình này, sắp tới chỉ còn nước bán nhà để lấy tiền trả nợ, chấp nhận cảnh đưa bố mẹ già, hai con nhỏ ra đồng dựng lán để ở.
Những người đã trót sang đang Síp trở về đòi tiền thì bà Thắng trốn tránh, còn người đã nộp tiền nhưng chưa đi XKLĐ được, thì bà Thắng cũng không trả lại họ. Trước tình thế đó, hàng chục hộ dân đang đứng trước nguy cơ phải bán nhà đã trả nợ.
Gia cảnh chị Quản Thị Hương rất khó khăn, giờ đây lại thêm khối nợ không biết bao giờ mới trả xong
*Cần xử lý nghiêm kẻ lừa đảo
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Thắng- Chủ tịch UBND xã Thạch Sơn cho biết, đa số các trường hợp bị lừa đi XKLĐ sang đảo Síp có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Trước tình cảnh này, chính quyền đã trao đổi với các quỹ tín dụng, ngân hàng về việc các hộ bị lừa đều có hoàn cảnh khó khăn đề nghị họ có biện pháp giãn nợ hoặc tiếp tục cho các hộ vay vốn với chính sách ưu đãi tạo điều kiện cho họ phát triển kinh tế để trả nợ dần.
Theo ông Chủ tịch xã: “Bà Thắng tuyển lao động chui, không thông qua chính quyền, nên chính quyền không nắm được. Chỉ khi những người lao động đã sang đảo Síp trở về tố cáo, chính quyền mới nắm được thông tin”.
Ngay sau khi phát hiện bị bà Thắng lừa, người dân đã làm đơn tố cáo hành vi lừa đảo của bà Thắng đến cơ quan công an. Tuy nhiên, sau khi thụ lý vụ việc, Công an tỉnh Phú Thọ đã ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự đối với bà Thắng.
Trao đổi với PV về vụ việc, thượng tá Đinh Văn Phúc- Phó Trưởng phòng CSĐT tội phạm về TTXH (PC 45-Công an Phú Thọ) cho biết, sau một thời gian điều tra chứng cứ, cơ quan công an đã chuyển hồ sơ sang VKSND đề nghị xem xét xử lý hành vi của bà Thắng, nhưng VKSND cho rằng hành vi của bà Thắng chưa cấu thành tội lừa đảo, nên cơ quan điều tra không khởi tố vụ án hình sự.
Công an Phú Thọ đã ra thông báo cho các bị hại, làm đơn khởi kiện để được xem xét theo thủ tục trình tự tố tụng dân sự.
Hiện tại, PC45 đang tiếp tục triệu tập bà Thắng để điều tra, làm rõ thông tin và yêu cầu bà Thắng gọi con trai Nguyễn Mạnh Cường(đang sinh sống ở đảo Síp) về nước để làm rõ việc tuyển dụng số lao động xã Thạch Sơn trái phép, rồi đưa ra nước ngoài. Cũng theo thượng tá Phúc, hiện tại công an chỉ áp dụng biện pháp không được đi khỏi nơi cư trú và lệnh cấm xuất cảnh đối với bà Thắng.
Hướng tới đây, PC45 sẽ triệu tập bằng được Cường về nước, rồi mới xem xét xử lý được cả hai mẹ con bà Thắng và các đối tượng liên quan. Nếu thấy bà Thắng có dấu hiệu phạm tội, PC45 sẽ ngay lập tức khởi tố vụ án.Tuy nhiên, thượng tá Phúc cũng thừa nhận, không biết đến bao giờ mới triệu tập được Nguyễn Mạnh Cường về nước để điều tra.
Liên quan đến vụ việc, ông Hà Kế San- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cho biết, sẽ chỉ đạo các cấp các ngành và chính quyền làm rõ trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân liên quan, xử lý đúng theo pháp luật qui định.