THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 12:01

Dân nghèo lao đao vì dính bẫy lừa xuất khẩu lao động

 

Bài 1: “Bom” lừa từ vị cựu Chủ tịch xã

 Thả “mồi câu”, hốt bạc tỷ… 

Sự việc bắt đầu từ năm 2013, khi bà Trần Thị Thắng (sinh năm  1960 - trú tại khu 1, xã Thạch Sơn), cựu Chủ tịch UBND xã Thạch Sơn (bà Thắng làm Chủ tịch 2 khóa, từ năm 2000 đến 2010), làm thủ tục cho con trai Nguyễn Mạnh Cường (sinh năm 1981) và con dâu  đi lao động tại Cộng hòa Síp. Được một thời gian, bà Thắng xây, sửa nhà cửa to đẹp nhất làng và mua các đồ dùng đắt tiền khiến bà con xóm giềng càng thêm nể trọng.

Chị Vũ Thị Hồng Hạnh, một nạn nhân trong vụ lừa đảo bức xúc kể, khi người dân dò hỏi thì bà Thắng nói rằng, mỗi tháng hai Vợ chồng con trai ở đảo Síp gửi về vài chục triệu đồng cho mẹ tiêu xài. Sau đó, bà Thắng đi khắp xã rêu rao rằng con trai bà có việc làm ổn định, nhàn hạ và lương rất cao bên đảo Síp.

Bà cũng luôn miệng khoe “con trai sống ở  đảo Síp có mối quan hệ tốt với các doanh nghiệp nên có khả năng xin việc nhàn hạ mà lương cao cho người lao động Việt Nam”. Sau khi đã “thả mồi”, bà Thắng nói nếu ai có nhu cầu XKLĐ sang đảo Síp thì có việc liên hệ với bà và nộp 120 triệu đồng, bà sẽ lo mọi thủ tục người lao động chỉ việc sang đảo Síp nhận việc làm. 

Dân nghèo lao đao vì dính bẫy lừa xuất khẩu lao độngNhững cuốn hộ chiếu du lịch mà bà Trần Thị Thắng dùng để đưa người dân đi XKLĐ “chui” ở Cộng hòa Síp.

Bà Thắng vẽ ra viễn cảnh: Lao động sang đó rất dễ, không cần học tiếng, không cần học nghề, không cần bằng cấp, lương từ 15 đến 20 triệu đồng/tháng, chỉ đi khoảng 3 đến 5 năm là người dân có thể cầm về tiền tỷ mua nhà, tậu xe hơi… Nghe lời bà Thắng nói bùi tai, lại đang thiếu việc làm, nhiều người dân trong xã đã vay tiền để lo làm thủ tục xuất ngoại.   

Vì tin tưởng vì bà Thắng từng là lãnh đạo chủ chốt của xã nhiều năm liền nên 28 lao động đã chạy vạy khắp nơi, gom đủ mỗi người 120 triệu đồng đưa cho bà Thắng lo thủ tục cho họ đi làm việc ở Cộng hòa Síp. Lúc này, các hộ dân đều coi bà Thắng như một “vị cứu tinh” giúp họ thực hiện giấc mộng đổi đời. 

Sau khi nhận số tiền 2,5 tỷ đồng của các hộ dân, từ tháng 5/2010, bà Thắng đã tổ chức đưa các lao động thành từng nhóm vào TP. Hồ Chí Minh theo từng đợt. Tại thành phố phương Nam, bà Thắng hứa hẹn thời gian chờ làm thủ tục xuất cảnh được tính vào thời gian người lao động làm việc tại đảo Síp và được hưởng lương đầy đủ.

Do nhẹ dạ cả tin, thiếu hiểu biết pháp luật nên mặc dù không có hợp đồng lao động, hộ chiếu cũng chỉ là hộ chiếu du lịch có thời hạn 30 ngày, nhưng các lao động vẫn hồn nhiên sang đảo Síp theo sự sắp xếp của bà Thắng. Trong thời gian này, bà Thắng cùng con trai đã đưa trót lọt 11 người lao động sang đảo Síp để làm việc “chui”. 

Đến “thiên đường” để… hốt phân bò ? 

Ngày bay sang “miền đất hứa”, người lao động ở xã Thạch Sơn càng háo hức bao nhiêu thì khi đặt chân đến nơi họ lại thất vọng và tủi nhục bấy nhiêu. Thực tế công việc tại đảo Síp không như những gì bà Thắng đã hứa, một số người may mắn mới được thuê làm công việc… hót phân bò, nhổ cỏ, quét rác, phá đá… ở các trang trại; nhiều người bị bán cho các chủ thầu lao động, họ phải ra chợ ai thuê gì làm đó…

Dân nghèo lao đao vì dính bẫy lừa xuất khẩu lao độngÔng Nguyễn Công Lộc xót xa khi con trai bị bắt sang Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy họ lao động vất vả nhưng tiền công thì chủ lao động lấy hết và chỉ chi nhỏ giọt để nuôi ăn. Không chịu được cảnh đó, hầu hết lao động từ Thạch Sơn sang đã bỏ đi nơi khác vừa xin ăn, vừa kiếm việc làm, lang thang cơ nhỡ không có tiền để trở về quê. 

Nhớ lại những ngày tháng tủi nhục nơi đất khách, chị Vũ Thị Hồng Hạnh uất ức: “Ngay hôm sau khi đặt chân đến đảo Síp, vợ chồng em đã ngã ngửa người vì không ngờ công việc nhàn hạ, lương cao như bà Thắng hứa là công việc xúc phân bằng thùng sơn khắp nơi về trang trại. Xác định đã đâm lao thì phải theo lao, công việc có vất vả nhưng chúng em vẫn cắn răng chịu đựng để làm việc, miễn là có thu nhập gửi về gia đình phụ giúp bố mẹ ở nhà và trả nợ. Thế nhưng hai tháng, rồi ba tháng trôi qua mà không được trả một đồng lương nào, chúng em hỏi chủ thì họ lẩn tránh, thậm chí dọa nạt, đòi đuổi việc. Tiếp tục hỏi con bà Thắng, mới đầu Cường còn hứa hẹn sẽ tìm việc khác tốt hơn, sau đó thì không thể liên lạc được với anh ta nữa…”. 

Cũng do quá cực khổ, vợ chồng chị Hạnh và nhiều người khác đành bỏ đi lang thang xin ăn, xin ngủ nhờ khắp nơi. Họ vừa phải kiếm việc làm thuê để sống qua ngày, vừa phải né tránh cơ quan chức năng nước sở tại vì không có giấy tờ hợp pháp. “Ngỡ là được sang thiên đường, nhưng những tháng ngày đó vợ chồng em sống khổ còn hơn cả ở địa ngục… Có ai ngờ bà Thắng là họ hàng gần mà nhẫn tâm lừa chúng em như vậy?”- Chị Hạnh ngân ngấn nước mắt. 

Tủi phận trong những trường hợp éo le 

Trong những trường hợp bị lừa sang đảo Síp lao động, có lẽ hoàn cảnh chị Quản Thị Hương (sinh năm 1972) là cám cảnh nhất. Nhà nghèo, bố mẹ già yếu, hai con nheo nhóc, chị cũng cố gắng vay mượn khắp nơi  để lo đủ số tiền đưa cho bà Thắng. Sang đảo Síp, chị cũng phải chấp nhận làm những việc nặng nhọc, ai thuế gì làm đấy…

Trong một lần làm việc ở ngoài đường phố, chị Hương bị xe tải đâm khiến chị bị thương nặng. Do không có tiền nên lái xe đưa chị đến một trung tâm cứu thương rồi bỏ mặc ở đó. Vợ chồng con trai bà Thắng cũng không một lần đến thăm nom, chăm sóc.

Trong ranh giới manh mong giữa sự sống và cái chết, may mắn chị Hương được cộng đồng người Việt tại đảo Síp quyên góp tiền ủng hộ giúp chị phẫu thuật và mua thuốc điều trị nên chị đã qua khỏi cơn nguy kịch và sức khỏe dần ổn định. Sau khi ra viện, chị cũng phải đi ăn nhờ, ngủ nhờ vật vạ khắp nơi, chờ được giải cứu về nước. 

Không trót lọt qua các khâu kiểm tra an ninh như một số người khác, anh Phạm Tuấn Hải (sinh năm 1980) vừa đặt chân đến sân bay của Cộng hòa Síp thì đã bị cảnh sát bắt giam 6 ngày vì giấy tờ không hợp pháp. Trong thời gian bị giam, mỗi ngày anh chỉ được cấp phát 1 chai nước lọc và một cái bánh mỳ, một tuần sau mới có người đến bảo lãnh và nhận về làm thuê ở một trạng trại.

Tại đây, mỗi ngày anh Hải làm từ 13-15 giờ rất vất vả, trong khi ăn uống lại vô cùng thiếu thốn, cực khổ. Biết mình bị lừa và không thể chịu được cảnh sống khổ cực đó, anh một mực đòi về Việt Nam và may mắn đã được trở về quê an toàn. 

Dân nghèo lao đao vì dính bẫy lừa xuất khẩu lao độngNhờ  can thiệp của Đại sứ quán Việt Nam ở Thổ Nhĩ Kỳ, Nguyễn Văn Thuận mới được về nước.

Em Nguyễn Văn Thuận (sinh năm 1995) cũng từng hy vọng sang Cộng hòa Síp làm việc để kiếm ít tiền về quê làm ăn, lấy vợ, ai ngờ tiền mất, tật mang. Thuận kể: "Sang đó làm không lương, ăn uống cực khổ ai cũng gầy gò, không chịu được chúng em bỏ ra ngoài kiếm việc làm nhưng không nơi nào nhận. Chúng em cũng phải đi khắp nơi xin ăn, xin ngủ những người Việt Nam tại đó. Họ cũng tốt bụng nên chúng em may mắn không chết đói. Khi biết mình bị lừa, em ra sân bay mua vé về Việt Nam. Ra đến sân bay, em liền bị cảnh sát nước sở tại bắt đưa lên máy bay. Sau khi máy bay hạ cánh em mới biết mình bị ép đưa sang Thổ Nhĩ Kỳ. Lang thang nơi đất khách quê người, trong túi không có tiền, không giấy tờ tùy thân, em nghĩ chắc bỏ mạng ở bên đó. May sao gặp được người dân địa phương giúp đỡ đưa đến bốt điện thoại công cộng và giúp liên lạc với gia đình. Sau đó, em được Đại sứ quán của Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ giúp đỡ về Cộng hòa Síp làm lại giấy tờ và trở về Việt Nam”. 

Được biết, một số lao động xã Thạch Sơn, khi sang đến Síp đã tìm cách liên lạc về với gia đình, kể chuyện việc họ bị lừa và cảnh báo mọi người ở nhà không được sang nữa, đồng thời tố cáo hành vi của bà Thắng cùng con trai với cơ quan chức năng. Lúc này, màn kịch “lừa đảo” của vị cựu Chủ tịch xã Trần Thị Thắng mới bị lộ tẩy.

Còn nữa

Mai Hà – Thành Nam

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh