THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:31

Đan Lai ngày ấy... bây giờ

 

Từ cầu treo đập tràn Phà Lài cạnh Đồn biên phòng Môn Sơn, chúng tôi vào thăm lại bà con tộc người Đan Lai, sống ở độ cao 1365m so với mực nước biển, trong đại ngàn nguyên sinh, vườn quốc gia Pù Mát giáp biên giới Việt - Lào, thuộc xã Môn sơn (huyện Con Cuông, Nghệ An). Đã rất nhiều lần chúng tôi vào thăm bà con và đã có loạt phóng sự đăng trên Báo LĐ&XH, nhưng  lần vào thăm này có lẽ là lần vui nhất.  

Đổi thay giữa đại ngàn

Trước đây đối với người Đan Lai, con sông Giăng không chỉ là con đường độc đạo để họ về miền xuôi, mà còn là nguồn sống chủ yếu của họ.

Ngay từ khi mới lọt lòng người Đan Lai đã được nhúng xuống nước sông Giăng để ai vượt qua thì tồn tại. Người Đan Lai đến tuổi 5-6 đã thạo bắt cá trong khe đá. Cũng chính dòng sông này đã cứu sống bao người Đan Lai bị bạo bệnh được chở bằng bè nứa để trôi theo dòng sông ra bệnh viện huyện xa xôi...

Nhưng giờ đây điều đó không còn nữa. Họ đã có đường, có xe máy, có điện, đường, trường, trạm, nước sạch.... Cụ La Văn Thiết (80 tuổi), người bản Cò Phạt, cười tươi nói: “Sống ở mô (đâu) quen đó rồi. Ở đây không đói, lại là nơi chôn rau cắt rốn nên ở đây thôi, không đi mô”.

Hiện ở bản Cò Phạt và bản Búng có 200 hộ, gần 1000 nhân khẩu. (Còn cả huyện Con Cuông có hơn 3300 người Đan Lai), không còn sống dựa vào nguồn cứu trợ của Nhà nước như những năm trước nữa mà họ đã biết cách canh tác, sản xuất lúa nước...

Trước đây, mỗi năm Nhà nước có nhiều chuyến hàng chở gạo cứu đói vào cho họ, nhưng đói vẫn hoàn đói. Bởi, được bao nhiêu gạo, đồng bào đem đổi rượu. Khi hết rượu, hết gạo mới chịu vào rừng kiếm sống.

Ở đây, từ già, trẻ, gái, trai đều biết uống rượu. Đã đói, đã nghèo lại đẻ nhiều. cuộc sống không lối thoát. Từ năm 2002, Nghệ An bắt đầu di dời người dân Đan Lai ra khỏi vùng lõi rừng quốc gia Pù Mát.

Năm 2006, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án “Bảo tồn và phát triển bền vững tộc người Đan Lai”, với tổng mức đầu tư 93 tỉ đồng. Tháng 9/2002, huyện đã di dời thành công 36 hộ về hai bản Tân Sơn và Cửa Rào thuộc xã Môn Sơn.

Cuối 2007, huyện tiếp tục di dời 42 hộ, 193 khẩu ra nơi tái định cư Thạch Sơn thuộc xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông. Giờ đây người Đan Lai không còn đói nghèo, trẻ em đều được đến trường, nhiều em vào đại học, cao đẳng.

Gánh chữ ngược ngàn

Cô giáo Vi Thị Phương Thảo, người gắn bó lâu với người dân Đan Lai, hơn ai hết, cô hiểu rõ những khó khăn trong hành trình đưa con chữ về với trẻ con bản làng. Cô tâm sự: “Nói thật, chẳng ai muốn vào cái chốn “khỉ ho cò gáy” này để dạy học cả.

Đêm trước khi nhận được tin vào bản Cò Phạt dạy học, tôi không thể nào chợp mắt. Bà con vùng bản nghèo thật, việc dạy học khó khăn thật nhưng chẳng lẽ để các em nhỏ đói cái chữ. Thế là đi, đêm đầu tiên ở bản, ngồi nhìn mưa rơi, tôi ôm gối khóc một mình.

Một mình vò võ trong căn phòng trống hoang hoải, nỗi nhớ nhà lại tăng gấp bội”. Việc đầu tiên của cô Thảo là vận động các em đến trường. Cô không thể nhớ rõ đã có bao nhiêu bước chân của mình vượt nương rẫy, đi tìm học trò. Làm thế nào để phụ huynh học sinh đồng ý để các em đến trường là một bài toán khó.

Ông Phan Anh Tài, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Con Cuông cho biết: “Trước đây học sinh tộc người Đan Lai bỏ học khá nhiều, nhưng giờ đây sau nhiều cố gắng của giáo viên và của ngành, bây giờ chỉ còn 4 em chưa đến trường. Ngoài các chế độ của Chính phủ, UBND huyện cũng như ngành giáo dục hỗ trợ các em rất nhiều về sách vở, quần áo và gạo...”   

Một lớp học ở điểm trường Cò Phạt.

Chủ tịch UBND huyện Con Cuông Hoàng Đình Tuấn, cho biết: “Trước đây người Đan Lai do sống biệt lập nên họ không có văn hóa cũng như bản sắc riêng mà hủ tục thì nhiều. Huyện đã tuyên truyền và xây dựng một số mô hình để bà con học tập.

 Bây giờ không còn hủ tục, không còn du canh du cư họ đã biết trồng lúa nước, hoa màu... Ngoài ra huyện đã có nhiều chính sách quan tâm đặc biệt cho tộc người này nên giờ không còn đói ăn thiếu mặc. Hiện chúng tôi đang quan tâm đặc biệt về giáo dục cho tộc người Đan Lai”.

Tình quân dân nơi đại ngàn Pù Mát

Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và các cơ quan, ban, ngành tỉnh Nghệ An đã vào cuộc mạnh mẽ. Đặc biệt là các chiến sỹ bộ đội, công an sống với dân, họ “cầm tay chỉ việc”, “nhát cuốc thoát nghèo” cùng với đó là các chương trình, dự án đầu tư xây dựng, nhờ đó mà bản Cò Phạt, bản Búng đổi thay như hôm nay.

Hiện tại bản Cò Phạt các hệ thống như trường học mầm non, trường tiểu học, hệ thống nước sinh hoạt đã về đến tận bếp. Trong những năm qua, hàng chục chiến sĩ Đồn Biên phòng Môn Sơn đã thay nhau “cắm bản”, cùng ăn, cùng ở với đồng bào Đan Lai để giúp họ thoát nghèo. Trạm Quân y được xây dựng từ năm 2010, bà con Đan Lai khi bị bệnh đã được cứu chữa kịp thời.

Không chỉ có thế, trước kia cuộc sống người Đan Lai gắn liền với rừng, nhưng sau khi rừng quốc gia Pù Mát được công nhận Khu sinh quyển thế giới nên ban đầu cuộc sống người Đan Lai rất khó khăn trong việc tìm cái ăn.

Nhờ sự tuyên truyền, vận động của các cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng đồn Môn Sơn, người Đan Lai cũng đã hiểu ra giá trị của rừng. Anh Chiến, ở Đồn Biên phòng Môn Sơn cho biết, chúng tôi vận động bà con đừng chặt cây, phá rừng làm rẫy, cùng với việc bộ đội chỉ cho dân cách trồng lúa, chăn nuôi nên từ đó họ đã bắt đầu ý thức được việc phá rừng là phạm luật.

Trưởng bản Cò Phạt Lê Văn Thiện (sinh năm 1978), cho biết: “Hầu hết người dân bây giờ không đói nữa nên không phá rừng cũng không muốn chuyển đi đâu. Ở đây giờ có đường, trường, trạm đầy đủ nên ở đây sướng hơn”.

Theo sử sách, sau cuộc phân tranh Lê - Mạc (1533-1592), vùng Nghệ -Tĩnh biến thành lãnh địa tranh chấp quyền lực, biến thần dân ở đây thành nạn nhân của hỗn chiến phu phen, tạp dịch, tô tức cực hình.

 Lúc này ở miền Hoa Quân (nay thuộc huyện Thanh Chương, Nghệ An) có một tên bạo chúa nổi tiếng tàn ác bắt dòng họ La phải tìm cho ra “100 cây nứa bằng vàng, một chiếc thuyền chèo liền mái”, nếu không sẽ thảm sát cả họ.

Biết không tìm ra nứa, ra thuyền, để bảo toàn mạng sống vào một đêm tối mịt mùng, cả họ La  gồng gánh nhau trốn chạy lên núi. Họ chạy mãi, chạy mãi đến thượng nguồn con sông Giăng này, nơi không còn nghe thấy tiếng người mới dám dừng chân - một tộc người mới ra đời từ đây. Đó là tộc người Đan Lai ngày nay.

Hoàng Tùng

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh