Nhộn nhịp cửa biển Cẩm Lĩnh
- Huyệt vị
- 17:44 - 01/01/2015
Ước mơ vươn khơi xa
Từ xa xưa, người Cẩm Lĩnh dẫu ngụp lặn trong vòng sinh nhai luẩn quẩn đầy lam lũ vất vả với nghề muối, nghề nông... nhưng bất cứ nghề nào của họ cũng đều có mối liên hệ đầy mật thiết đến nghề biển.
Nghề biển luôn thao túng tất cả mọi sinh hoạt của ngư dân Cẩm Lĩnh, đến nỗi nó không còn đơn thuần là “nghiệp”. Một trong những người nặng với nghiệp biển nhất là ông Trần Văn Lênh, ở thôn Một, sinh năm 1950 mà vẫn rắn chắc, vạm vỡ như tráng niên. Thuở nhỏ ông theo cha lênh đênh trên biển, rồi bỏ biển lên bờ làm nghề muối theo chủ trương của xã từ những năm bao cấp... Vậy mà, cuối cùng ông vẫn không thoát được tiếng gọi tha thiết của biển khơi!
Ông Lênh cùng bà con diêm dân tạo nên thương hiệu muối Cẩm Lĩnh nổi tiếng. Thế nhưng, cơn đại hồng thủy khủng khiếp năm 1989 đã xóa đi tất cả. Giã biệt nghề muối, ông Lênh tiếp tục trở lại nghiệp biển, tái xuất vó câu trong lộng với con ruốc, con chuồn...
Cửa biển Cẩm Lĩnh.
Và trong những lần mưu sinh chỉ biết bấm bụng trông chờ vào rủi may như thế, ông kịp nhận ra rằng: Không có con đường nào khác là phải sắm được thuyền to, tàu lớn đủ sức vươn ra khơi xa mới có thể khắc chế được đói nghèo, vận hạn, và mới phát huy được sức mạnh của nghề biển cho con cháu mai sau.
Cùng chung ý tưởng với ông Lênh có cha con ông Trần Đình Uân ở thôn 6. Trước đó, vào năm 1982, cha con ông Uân từng dốc hết tài sản và vay mượn khắp nơi, đóng thuyền có công suất: 16,5 CV (mã lực) với hy vọng ra xa hơn ngoài hòn Én, hòn Bớc vài ba mươi hải lý.
Nhưng thời điểm ấy ngoài cửa biển Cẩm Lĩnh thường xuất hiện nhiều xác chết của người vượt biên do gặp giông tố chìm tàu, chìm thuyền từ ngoài khơi dạt vào. Với việc đóng con thuyền vượt quá công suất cho phép: 12 CV theo quy định của xã, không những bị cấm mà thậm chí, cha con ông Uân còn bị nghi ngờ về tội tiếp tay cho bọn phản động tổ chức đưa người đi vượt biên.
Mãi tới năm 2002, anh Trần Đình Diêu, con trai ông Trần Đình Uân, nối nghiệp cha đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng, đóng mới con tàu lớn nhất xã hồi đó với công suất: 45 CV. Với con tàu này, anh Diêu làm ăn theo phương thức: “Hai ăn, tám chia” ( 20% thu nhập trừ vào chi phí hao tổn tàu, 80% còn lại được chia đều cho các thành viên).
Từ đó, anh Trần Đinh Diêu đã thực hiện những chuyến biển dài ngày, tạo việc làm cho 10 lao động. Mỗi lần ra khơi, tàu của anh có thể đánh bắt được trên dưới 1 tấn hải sản. Sản phẩm chủ yếu là cá ngừ đại dương, mực lá, cua ghẹ, ốc hương, ngọc nữ..., thu nhập bình quân mỗi người từ 2 đến 3 triệu đồng/ ngày công/mùa đánh bắt.
Thuyền về.
Thuận lợi nhất của đánh bắt xa bờ là khai thác tới đâu, bán tới đó. Và khi cần tiếp dầu, nước ngọt, các nhu yếu phẩm khác là có sẵn tàu dịch vụ cung cấp tại chỗ. Tuy vậy, con tàu ấy vẫn còn quá nhỏ so với tàu cá của các làng nghề biển khác, nhất là so với tàu cá Trung Quốc.
Không riêng gì anh Diêu, mà đại đa số ngư dân Cẩm Lĩnh khát khao có được những con tàu lớn, được trang bị các loại máy dò cá, dò rạn, đo sóng và các ngư cụ hiện đại... vươn ra Hoàng Sa là ngư trường vô cùng hấp dẫn, mới thỏa cái chí tang bồng!
Dẫu sao, con tàu của anh Diêu xuất hiện vào thời điểm ấy đã làm nên một bước đột phá, trở thành nhân tố giúp ngư dân ở đây lần đầu tiên ý thức được giá trị của việc đi biển tập thể, tạo tiền đề cho việc thành lập các tổ hợp đi biển sau này ở Cẩm Lĩnh.
Hỗ trợ ngư dân bám biển
Cuộc cách mạng xa khơi của những người như ông Lênh, anh Diêu đã trở thành nhân tố mới, như một chất xúc tác mạnh. Từ đó, bà con ở Cẩm Lĩnh đua nhau sắm tàu lớn làm cho không khí đi biển ngày thêm sôi động.
Theo UBND xã Cẩm Lĩnh, hiện toàn xã có 155 tàu thuyền các loại, trong đó có nhiều tàu đạt công suất trên 175 CV, nhờ đó đã tạo việc làm thường xuyên cho gần 1.000 lao động. Riêng vụ mùa đánh bắt vừa qua, đội tàu cá Cẩm Lĩnh đã khai thác được trên 1.000 tấn hải sản, có nhiều hộ thu hàng trăm triệu đồng.
Ông Trần Đình Lam, Chủ tịch UBND xã cho biết, để tạo điều kiện thuận lợi cho bà con ngư dân, UBND tỉnh còn hỗ trợ theo hình thức: Mỗi tàu đóng mới có công suất trên 90 CV là 200 triệu đồng và hỗ trợ cải hoán nâng công suất tàu thuyền, ưu tiên cho bà con vay vốn ngân hàng với lãi suất ưu đãi nhất. Huyện Cẩm Xuyên hỗ trợ cho mỗi tàu cá một bộ giàn đèn trị giá 40 triệu đồng, xã cũng hỗ trợ mỗi tàu cá 10 triệu đồng...
Ngoài ra, ngư dân còn được hỗ trợ đào tạo nghề sửa chữa máy móc, kỹ thuật lái tàu... Có thể nói, chưa bao giờ không khí đi biển ở Cẩm Lĩnh lại sôi động như hiện nay. Tuy vậy, điều trăn trở nhất hiện nay là lạch cửa biển Cẩm Lĩnh đang ngày một cạn dần, khiến cho những con sóng vùn càng trở nên nguy hiểm. Để có được âu thuyền neo đậu an toàn, tiến tới hiện thực hóa đề án sắm tàu sắt hiện đại thì nạo vét luồng lạch là việc làm hết sức cấp bách đang được tỉnh Hà Tĩnh quan tâm.
Ngược dòng thời gian, từ xa xưa cho mãi tới năm 1999, lần đầu tiên ốc đảo Cẩm Lĩnh mới có được chiếc cầu Trung Lĩnh bắc qua cửa sông nối với đất liền. Vậy mà niềm vui đó cũng không hề trọn vẹn, bởi vào mùa mưa lũ, cầu luôn chìm dưới mặt nước khiến việc đi lại vô cùng khó khăn. Không những vậy, chiếc cầu còn gây cản trở tàu thuyền ra vào.
Cuộc sống ngày một khởi sắc
Phải đợi đến năm 2013, Cẩm Lĩnh mới lộ rõ vóc dáng của một vùng đất đầy tiềm năng, nhờ Dự án cầu vượt lũ Trung Lĩnh và Dự án Đê bao chống lũ, với tổng mức đầu tư trên 60 tỷ đồng.
Đặc biệt, cầu Cửa Nhượng với chiều dài gần 1.400 mét bắc qua cửa biển, nối xã Cẩm Nhượng với Cẩm Lĩnh dọc theo tuyến mỏ sắt Thạch Khê - Vũng Áng với tổng mức đầu tư gần 500 tỷ đồng được hợp long trong năm 2014.
Đây là công trình có ý nghĩa hết sức quan trọng, chính thức mở ra “cơ hội vàng” cho địa phương phát triển kinh tế xã hội. Hiện tại Cẩm Lĩnh vẫn nằm trong những xã khó khăn ở Hà Tĩnh, nhưng chỉ cần đưa ra phép so sánh với 2 năm trước, khi mà tỷ lệ hộ nghèo ở đây còn chiếm gần 54%, thì nay giảm còn trên 12%; phong trào xây dựng nông thôn mới tuy chưa về đích nhưng từ chỗ ì ạch với hai tiêu chí, nay đã đạt 10 tiêu chí; tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến trường trước đây quá bấp bênh thì nay luôn ổn định với 100%... Điều đó đủ để ta tin tưởng vào một tương lai rạng rỡ trên vùng biển Cẩm Lĩnh.
Trở lại cửa biển Cẩm Lĩnh vào những ngày cuối năm, tia nắng nhẹ giữa ngày đông như tấm lụa vàng khổng lồ loang trên sóng nước! Những con thuyền lớn đang thực hiện những chuyến đi dài ngày ngoài khơi xa. Mọi tín hiệu về một mùa cá bội thu đón xuân mới liên tục được cập nhật về xã, về từng hộ gia đình có chồng, con tham gia lao động ngoài biển càng làm cho mọi người thêm phấn chấn.
Cẩm Lĩnh là một trong những địa phương đi đầu trong việc thực hiện các chủ trương của Nhà nước về phát triển nghề biển. Đến thời điểm này, xã đã thành lập được 10 tổ đoàn kết khai thác trên biển, mỗi tổ từ 7 đến 8 tàu; thành lập được 4 tổ thu mua chế biến hải sản; phối hợp với Bộ đội Biên phòng, Kiểm ngư, Cảnh sát biển hỗ trợ bà con làm ăn cứu hộ, cứu nạn trên biển... |