THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 12:39

Đam mê làm nên thành công của 'nhà báo nghiệp dư'

Cô bé nhỏ nhắn Xuân Uyên nhanh nhẹn bén duyên với nghề viết rất đỗi tự nhiên. Từ khi còn là học sinh tiểu học cô có thói quen ghi lại nhật ký những câu chuyện vui xảy ra ở lớp, từ những bài thơ con cóc nho nhỏ, những mẩu chuyện thiếu nhi giữa các con thú cưng như chó và mèo, gấu… do trí tưởng tượng phong phú mà cô nghĩ ra...

Đam mê làm nên thành công của nhà báo nghiệp dư - Ảnh 1.

Đàm Thị Xuân Uyên một người đam mê với nghề báo.

"Ám ảnh ngọt ngào" nhất có lẽ là lần đầu tiên sáng tác của cô được đăng báo, bài viết là một câu chuyện thú vị kể về cậu bé lười nhờ con mèo thông minh làm dùm bài văn. Cô vui đến nỗi cả ngày mang bài báo đi khoe khắp nơi với bạn bè và mọi người trong xóm. Trong mắt bọn trẻ con thời đó cô bé tên Uyên đã trở thành "nhà báo tí hon". Không biết tự lúc nào, ước mơ trở thành nhà báo cứ lớn dần trong cô, bởi hai từ "nhà báo" thật oách, được đi đây đó, viết những điều tai nghe mắt thấy, giúp người dân thấp cổ bé họng.

Nhưng rồi sau khi học xong chương trình THPT Xuân Uyên lại thi vào ngành Sư phạm theo mong muốn của gia đình. Không được theo đuổi nghề mà bản thân đam mê nhất, một thời gian đầu vào đại học, Xuân Uyên như tuyệt vọng với cuộc sống.

Đến ngày ra trường, Xuân Uyên về giảng dạy môn Tin học tại Trường THCS Lê Ngọc Hân, TP Mỹ Tho (Tiền Giang) chẳng liên quan gì mấy đến nghề báo. Thế nhưng tình yêu với nghiệp viết trong cô vẫn luôn rực cháy.

Tự học để hoàn thiện

Không được đào tạo bài bản từ trường báo chí, cũng không thể bỏ nghề giáo viên mà đi học báo chí, cô chọn con đường đi phù hợp nhất là tự học. Kiến thức về tin học cũng giúp cô khá đắc lực, để thường xuyên lên mạng tra cứu kỹ năng viết các thể loại báo chí tin, bài, phóng sự…, cách chụp ảnh báo chí.

Tuy nhiên, từ lý thuyết đến thực hành để có sản phẩm báo chí hoàn chỉnh đối với cô ban đầu là điều không hề dễ dàng.

Không đơn giản là câu chuyện cảm xúc chó mèo tưởng tượng xưa kia, có những đêm, cô hì hục viết đến 3 giờ sáng vẫn chưa thể xong. Sáng ra lại viết tiếp, chỉnh sửa từng câu chữ, đến khi nào thấy hài lòng mới dám gửi đi. Nhờ có chuyên môn công nghệ thông tin, nên việc viết và chỉnh sửa bài tương đối dễ dàng. Không như xưa viết ngoài nháp, gạch sửa bê bết xong rồi mới chép vào giấy trắng, bỏ bao thư ra bưu điện gửi, sau khi gửi thì hồi hộp lắm, ngày nào cô cũng chạy ra sạp báo để canh xem bài của mình có được lên báo hay không …

Đam mê làm nên thành công của nhà báo nghiệp dư - Ảnh 2.

Xuân Uyên (bên trái) trong một lần chụp ảnh lưu niệm với các nhân vật sau khi phòng vấn.

Rồi cô nghĩ tòa soạn không thể đăng chay mà phải có hình ảnh minh họa, thế là lại "đốt tiền" mua máy ảnh, tự học để nắm bắt kỹ thuật thành thạo. Khi chụp biết canh ánh sáng, bố cục, góc chụp để bắt trọn khoảnh khắc đẹp nhất.

Khi bài báo được đăng, lại một cảm xúc khó tả ùa đến, cô cầm tờ báo đọc gần như thuộc lòng, rồi so sánh với bản thảo xem thư ký đã sửa như thế nào để lần sau thay đổi cách viết. Mỗi ngày một chút, thấm dần cho đến khi kỹ năng thành thục đến mức cô có thể hiểu "gu" của từng tờ báo mà mình cộng tác.

Tay nghề ngày một chắc, ban đầu là cái tin ngắn, rồi từng bài báo được đăng tải như một nguồn động viên để cô tiếp tục nhen nhóm ngọn lửa đam mê. Từ chỗ ban đầu chỉ dám gửi đăng ở báo tỉnh, sau đó gửi cho nhiều báo, tạp chí ở trung ương. Đến nay, cô đã có cả trăm bài viết, cộng tác thường xuyên với khoảng 10 tờ báo, tạp chí, trang thông tin điện tử khác nhau.

Không còn hồi hộp chờ báo đăng, mà cô đã nâng tầm một bước khi chọn cộng tác cho các tờ báo mình yêu thích. Cô có tác phẩm ngay môi trường làm việc của mình, như chuyện nghề, những gương sáng đồng nghiệp giúp đỡ học sinh nghèo, hay viết truyền cảm hứng về các học sinh vượt qua nghịch cảnh, vươn lên trong khó nghèo để thành công.

Những vui buồn nghề báo nghiệp dư

Mục tiêu viết báo của "nhà báo nghiệp dư" không phải lấy cái nghề báo làm cần câu cơm chính mà để thỏa mãn đam mê, muốn lan tỏa gương sáng, việc tốt ra toàn xã hội.

Cô học được kỹ năng mà chính các phóng viên trẻ đôi khi còn chưa thể thành thục ngay mới khi vào nghề, mỗi lần đi đến nơi đâu cô đều chú ý đến con người và các hoạt động nơi đây để tìm đề tài. Khi tìm được một nhân vật điển hình hay một đề tài tâm đắc, cô tranh thủ thời gian ngoài giờ để xâm nhập thực tế, khai thác đề tài theo dàn ý mà mình vạch sẵn.

Đam mê làm nên thành công của nhà báo nghiệp dư - Ảnh 3.

“Nhà báo nghiệp dư” kết nối những mạnh thường quân giúp đỡ những mảnh đời nghèo khó.

Tuy nhiên khi gặp nhân vật thì mọi chuyện có khác. Có nhân vật chịu hợp tác, có nhân vật không hợp tác thì phải tìm cách tiếp cận người thân khai thác. Có khi phải gợi ý để họ nói ra là có thể đưa nội dung vào bài.

Nếu không đam mê thì sẽ mất phương hướng ngay, không phải nói toàn thành công, nhiều khi cô cũng nản, đeo bám đề tài cả tuần nhưng khi gửi bài thì báo không đăng, cũng không phản hồi lại cho tác giả. Nhưng "lỡ" yêu nghề báo rồi, buồn gì rồi cũng qua, chân lại thích đi, đầu nghĩ hung lắm, tay lại gõ tuôn trào.

Ấn tượng nhất trong suốt thời gian viết lách của cô là lần viết bài về những bệnh nhân phải chạy thận ở xóm trọ nghèo với biết bao khó khăn, vất vả. Bài viết có lẽ chạm vào lòng người, nhiều người đọc xong tìm đến xóm chạy thận ở bệnh viện Quân y 120 (Tiền Giang) giúp đỡ những mảnh đời nghèo khó ấy. Hơn 3 năm qua, họ vẫn tiếp tục nhận được giúp đỡ thường xuyên, khi đi bán vé số gặp lại cô vẫn không quên nói lời cám ơn. Với cô không gì vui hơn khi góp phần giúp gia đình họ phần nào vơi đi gánh nặng.

Đam mê làm nên thành công của nhà báo nghiệp dư - Ảnh 4.

Nhận giải Nhất cuộc thi "Tìm hiểu kiến thức và pháp luật về bình đẳng giới".

Công việc viết lách đã giúp cô thỏa mãn đam mê của mình, thực hiện một phần ước mơ ngày còn đi học. Hơn nữa, nhờ viết lách mà thế giới quan được mở rộng, thấy lòng bao dung hơn về con người và cuộc sống. Đôi lúc, cô khéo léo lồng ghép kỹ năng tác nghiệp học được vào bài dạy để tiết học đỡ nhàm chán. Góp phần giúp cho các em một số kỹ năng sống, giúp các em hiểu giá trị của cuộc sống và biết làm việc có ích.

Minh chứng rõ ràng trong khoảng 7 năm qua cô bé nhỏ nhắn mê viết báo Xuân Uyên đã ẵm về 5 giải Nhất, 7 giải Nhì, 6 giải Ba và 12 giải Khuyến khích trong các cuộc thi viết trong và ngoài tỉnh. Trong đó có 01 giải cấp Bộ, 1 giải do Trung ương Đoàn trao, còn lại là giải cấp Tỉnh (01 giải Nhất, 01 giải Ba và 03 giải khuyến khích…).

Đến ngày nhà báo Việt Nam, Xuân Uyên cảm thấy hạnh phúc như một phóng viên được tòa soạn quan tâm, thương quý động viên mỗi khi có tác phẩm ra lò. Kinh nghiệm, đam mê nghề nghiệp của cô chính là giá trị tinh thần lớn với lớp phóng viên trẻ mới vào nghề noi theo.

XUÂN TRƯỜNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh