Đảm bảo quyền của các nhóm yếu thế trong thị trường lao động
- Bài thuốc hay
- 00:17 - 19/09/2019
Người khuyết tật khó tiếp cận với các dịch vụ về việc làm
Theo số liệu của Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ người khuyết tật cao trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới với khoảng 6,2 triệu người khuyết tật. Trong đó, có khoảng gần 2 triệu người khuyết tật trong độ tuổi lao động, còn khả năng lao động đang có việc làm, phần lớn người khuyết tật sống ở nông thôn. Trong số này chỉ có 30% đang tham gia lao động tạo thu nhập cho bản thân và gia đình. Họ chủ yếu làm các nghề nông - lâm - ngư nghiệp, có thu nhập rất thấp so với các công việc khác. Đặc biệt là có khoảng 10% số người khuyết tật đã được đào tạo nghề theo các trình độ, nhưng chủ yếu ở trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng, vì vậy, số người khuyết tật tìm được việc làm còn ít. Người lao động khuyết tật còn rất khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi tạo việc làm.
Báo cáo của Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật cũng cho thấy, ước tính bình quân mỗi năm trên cả nước có khoảng 3.000 người khuyết tật và gia đình có người khuyết tật được hỗ trợ sinh kế dưới các hình thức: cải thiện điều kiện sinh hoạt, hỗ trợ máy móc, công cụ sản xuất, cây con giống. Việc triển khai hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật còn manh mún, chưa đồng đều, mô hình sinh kế được hình thành còn ít và hiệu quả thấp...
Trong 2 năm 2017 và 2018, các Trung tâm dịch vụ việc làm cũng đã tư vấn giới thiệu việc làm cho 5,6 triệu lượt người lao động, 1,7 triệu lượt người lao động tìm được việc làm trong đó có lao động là người khuyết tật... Tuy nhiên vẫn chưa có sự kết nối chặt chẽ với các doanh nghiệp; người sử dụng lao động và người lao động, do vậy cơ hội việc làm cho người khuyết tật rất ít. Người khuyết tật vẫn còn bị giới hạn trong không gian gia đình, rất khó khăn khi tiếp xúc môi trường bên ngoài cũng như tiếp cận với các dịch vụ xã hội khác.
Đảm bảo người khuyết tật không bị phân biệt đối xử về lao động việc làm
Công ước 159 là công ước thứ 23 của ILO mà Việt Nam gia nhập. Công ước số 159 của ILO về tái thích ứng nghề nghiệp và việc làm cho người khuyết tật là công ước kỹ thuật của ILO nhằm mục đích bảo đảm sự bình đẳng trong cơ hội và đối xử đối với tất cả mọi người khuyết tật, ở cả khu vực thành thị và nông thôn, trong việc làm và trong sự hòa nhập cộng đồng. Công ước đưa ra các yêu cầu về phục hồi khả năng lao động và việc làm cho người khuyết tật, quy định việc điều chỉnh và đánh giá các tài liệu hướng dẫn nghề nghiệp, dạy nghề, bố trí việc làm và dịch vụ thất nghiệp cho người khuyết tật.
Công ước quy định các quốc gia thành viên phải thông qua, sửa đổi hoặc bãi bỏ các điều luật, quy định và tập quán hiện hành góp phần gây ra sự bất bình đẳng quyền lợi của người lao động khuyết tật. Công ước cũng đề ra các hoạt động và chính sách ở cấp quốc gia trong việc phát triển các dịch vụ hỗ trợ tái thích ứng nghề nghiệp và việc làm cho người khuyết tật.
Một số biện pháp các quốc gia có thể áp dụng gồm: Cung cấp các hướng dẫn về dạy nghề, đào tạo nghề và các dịch vụ khác giúp người khuyết tật bảo đảm và duy trì việc làm; đảm bảo người khuyết tật có quyền tiếp cận với các chuyên gia tư vấn về đào tạo và phục hồi chức năng lao động.
Việc gia nhập Công ước số 159 của ILO góp phần tiếp tục hoàn thiện các chính sách và thể thế của thị trường lao động Việt Nam theo hướng hiện đại, đảm bảo quyền của các nhóm yếu thế trong thị trường lao động, khẳng định và triển khai thực hiện chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước Việt Nam đối với người khuyết tật.
Việc phê chuẩn này cũng là một bước tiến trong việc cải thiện khung pháp lý hiện tại của Việt Nam nhằm hỗ trợ người khuyết tật. Hiện nay, Việt Nam đã có Luật Người khuyết tật được thông qua vào năm 2010, Kế hoạch hành động quốc gia về người khuyết tật (2012) với mục tiêu đào tạo nghề và tạo việc làm cho 250.000 lao động khuyết tật, cũng như đã phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật vào năm 2014.
Trên thực tế, một nghiên cứu của ILO đã chỉ ra rằng Việt Nam mất khoảng 3% GDP do không tận dụng người khuyết tật trong thị trường lao động. Theo Tiến sỹ Chang-Hee Lee, Giám đốc ILO Việt Nam "Tạo điều kiện cho người lao động khuyết tật chính là không để ai bị bỏ lại đằng sau trong quá trình phát triển của kinh tế và thị trường lao động. Đây không chỉ là vấn đề nhân quyền mà còn là vấn đề thành công của doanh nghiệp. Bằng việc tạo cơ hội việc làm cho lao động khuyết tật, các doanh nghiệp, cá nhân và cả xã hội đều sẽ được hưởng lợi."