THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:11

Hỗ trợ, tạo việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù

Giúp người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng

Trước khi có Luật Thi hành án hình sự, công tác tái hòa nhập cộng đồng đã được quan tâm thực hiện nhưng chưa được tổng thể, đồng bộ, liên hoàn nên hiệu quả chưa cao. Từ khi có Luật Thi hành án hình sự năm 2010, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm cụ thể hóa Luật, góp phần từng bước nâng cao hiệu quả công tác tái hòa nhập cộng đồng cho người chấp hành xong án phạt tù. Trên cơ sở hệ thống các chính sách theo quy định, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn các địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến và tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù và đạt được những kết quả nhất định.

Theo báo cáo chưa đầy đủ của 35/63 Sở Lao động – Thương binh và Xã hội các tỉnh/thành phố, năm 2016, có 3.379 lao động là người chấp hành xong án phạt tù được tạo việc làm tại địa phương, 4.534 lao động được tư vấn, giới thiệu việc làm, 331 lao động được vay vốn hỗ trợ việc làm, 10 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; năm 2017 có 3.217 lao động là người chấp hành xong án phạt tù được tạo việc làm tại địa phương, 4.003 lao động được tư vấn, giới thiệu việc làm, 261 lao động được vay vốn hỗ trợ việc làm, 7 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; 6 tháng đầu năm 2018 có 2.137 lao động là người chấp hành xong án phạt tù được tạo việc làm tại địa phương, 2.209 lao động được tư vấn, giới thiệu việc làm, 264 lao động được vay vốn hỗ trợ việc làm, 4 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

Một số Trung tâm dịch vụ việc làm (Ninh Thuận, Đà Nẵng, ...) đã phối hợp với các cơ quan liên quan tại địa phương tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm với các hình thức phù hợp cho người chấp hành xong án phạt tù (tư vấn trước khi chấp hành xong án phạt tù, tư vấn trực tiếp, tư vấn tập trung ...);

Một số địa phương (Đồng Nai, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Kon Tum, Thanh Hóa, Bắc Ninh, Nam Định ...) đã thành lập các mô hình Quỹ hoàn lương, Quỹ doanh nhân với an ninh trật tự, Quỹ phát triển tái hòa nhập cộng đồng ... góp phần hỗ trợ tạo việc làm cho hàng nghìn người chấp hành xong án phạt tù.

Hỗ trợ, tạo việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù - Ảnh 1.

Dạy nghề cho người đang thi hành án (ảnh minh họa)

Tăng cường nguồn vốn, đa dạng hóa hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng nói chung, hỗ trợ giải quyết việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù nói riêng còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế như:

Một số cơ quan, ban, ngành, tổ chức thực hiện chưa quyết liệt hoặc chậm triển khai thực hiện trách nhiệm được giao; một số nơi còn mang tính hình thức, lúng túng trong triển khai; chưa ban hành các chính sách cụ thể khuyến khích huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp để hỗ trợ giải quyết việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù;

Các mô hình tái hóa nhập cộng đồng cho người chấp hành xong án phạt tù chủ yếu dừng ở việc quản lý, giám sát phòng ngừa tái phạm, chưa có nhiều mô hình hỗ trợ, giúp đỡ về vốn, dạy nghề, tạo việc làm giúp người chấp hành xong án phạt tù ổn định cuộc sống;

Chương trình đào tạo nghề chưa phù hợp với đối tượng và định hướng nghề nghiệp sau khi chấp hành xong án phạt tù nên nhiều trường hợp phạm nhân đã được đào tạo nghề trong thời gian chấp hành án nhưng không phù hợp với nhu cầu lao động tại địa bàn nên khó tìm được việc làm;

Đa số người chấp hành xong án phạt tù có trình độ văn hóa thấp, không có nghề nghiệp ổn định; các doanh nghiệp không muốn tuyển dụng trong khi một bộ phận quần chúng nhân dân và chính quyền, tổ chức đoàn thể ở địa phương còn có thái độ định kiến, kỳ thị dẫn đến thiếu quan tâm trong giáo dục, hỗ trợ.

Theo ông Vũ Phạm Dũng Hà- Trưởng phòng Chính sách việc làm(Cục Việc làm), để đẩy mạnh hỗ trợ giải quyết việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù, đảm bảo tái hòa nhập cộng đồng đòi hỏi sự tham gia tích cực, đồng bộ của tất cả các cấp, các ngành, nhất là chính quyền cơ sở. Cục Việc làm sẽ tham mưu cho Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thực hiện đồng bộ các giải pháp:

Nghiên cứu, rà soát hệ thống các chính sách; Chỉ đạo và hướng dẫn các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện đầy đủ và đúng các quy định hiện hành về chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù;

Tăng cường huy động các nguồn vốn để cho vay tạo việc làm, đa dạng hóa các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm với các hình thức phù hợp cho lao động là người chấp hành xong án phạt tù.

Tăng cường thông tin, tuyên truyền, phổ biến các chính sách về hỗ trợ tạo việc làm, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và bản thân đối tượng.

THÁI DƯƠNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh