THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 12:03

Đại Nội Huế - nơi diễn ra tiệc chiêu đãi các đại biểu dự Hội nghị thuộc APEC 2017, có gì đặc biệt?

 

Khung cảnh đêm trong Đại Nội Huế


Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới từ năm 1993. Cùng với đó, vào năm 2003 Nhã nhạc cung đình Huế đã được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại. Vì vậy, việc lựa chọn khu vực Đại Nội Huế làm nơi tổ chức tiệc chiêu đãi và các chương trình văn hóa – nghệ thuật phục vụ đại biểu đến Huế tham dự Hội nghị Đối thoại chính sách cao cấp phụ nữ và kinh tế trong năm APEC 2017 là hết sức hợp lý.

Từ sau khi được công nhận là di sản thế giới, cụm công trình di tích Huế đã được bảo tồn, trùng tu và tu bổ. Cụ thể, theo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, hơn 20 năm qua, với tổng nguồn vốn đầu tư hơn 1.460 tỷ đồng, đã có hơn 170 công trình di tích Cố đô Huế được bảo tồn, trùng tu và tu bổ. Qua đó góp phần phát huy giá trị văn hóa Huế, từng bước phục hồi diện mạo của một cố đô Huế cổ kính và tôn tạo cảnh quan đô thị môi trường TP.Huế. 

Đổi phiên gác, hoạt cảnh được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tái hiện trong chương trình Đại Nội về đêm


Một số công trình trùng tu tiểu biểu đã thực hiện như: Ngọ Môn, Điện Thái Hòa, Hiển Lâm các, cụm di tích Thế Miếu, Duyệt Thị Đường, cung Trường Sanh, điện Long An, tổng thể đàn Nam Giao, lăng Gia Long, chùa Thiên Mụ, Cung An Định, 10 cổng Kinh Thành…

Bên cạnh đó, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đã được nghiên cứu, khảo sát, sưu tầm và lưu trữ các tài liệu một cách bài bản, khoa học với mục tiêu rõ ràng, nhất là sau khi Nhã nhạc cung đình Huế được UNESCO vinh danh. Bước đầu, Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế đã thực hiện và lưu trữ một số bộ hồ sơ về Nhã nhạc cung đình Huế như: hồ sơ khoa học về bài bản Nhã nhạc “Tam Thiên”, “Phúc lục dịch”, “Cung ai”, “Ca Thài trong tế Nam Giao”... Ngoài ra, tại cố đô Huế có 8 nhóm/hiện vật với 32 cổ vật được công nhận là bảo vật Quốc gia.

Trong năm 2017 này, có 33 dự án được bố trí vốn, triển khai thực hiện. Một số dự án quan trọng đã đang triển khai như: Dự án án thực hiện các hoạt động dịch vụ chiếu phim giải trí thực tế ảo “Công viên chủ đề VR (Virtual Reality - Thực tế ảo) - Đi tìm Hoàng Cung đã mất” tại Trung tâm Thông tin và Diễn giải Lịch sử Hoàng Thành Huế; Dự án xây dựng bãi đỗ xe du lịch tham quan tại Lăng vua Tự Đức và Lăng vua Khải Định; Bảo tồn, tu bổ di tích Thái Bình Lâu; Bảo tồn, tu bổ và phát huy giá trị tổng thể di tích lăng Thiệu Trị, Lăng Tự Đức, Lăng Gia Long, Phu Văn Lâu; Tu bổ, phục hồi Dực lang 3B. - Trường lang Tử Cấm Thành,...

Hát múa Cung đình Huế


Theo lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, để đảm bảo phục vụ các đại biểu đến Huế tham dự sự kiện của năm APEC 2017 an toàn, mọi công tác chuẩn bị đã được đơn vị triển khai một cách chi tiết, cụ thể và hết sức chặt chẽ.

THẢO VI

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh