THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 03:09

Nghịch lý ở Thừa Thiên Huế: Doanh nghiệp thiếu lao động, trường nghề không tuyển được học viên

Hội thảo "Đào tạo nghề theo nhu cầu của doanh nghiệp" do Sở LĐ - TB&XH Thừa Thiên Huế tổ chức

Doanh nghiệp “đói” lao động!

Trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế hiện nay có gần 5.000 doanh nghiệp các loại đang hoạt động, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hàng năm, các doanh nghiệp ở đây có nhu cầu tuyển dụng gần 20.000 lao động ở các cấp trình độ khác nhau nhằm thay thế cho những lao động đến tuổi nghỉ hưu, biến động lao động, mở rộng quy mô sản xuất,…

Để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực của các doanh nghiệp trên địa bàn, đồng thời để nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề, thời gian qua, nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại Thừa Thiên Huế đã tích cực, chủ động làm việc với các doanh nghiệp để ký kết hợp đồng đào tạo lao động theo đơn đặt hàng. Tuy nhiên, việc làm này vẫn chưa được triển khai một cách rộng rãi, có hệ thống. Vì vậy, trong khi doanh nghiệp khó tuyển dụng được lao động có kiến thức và kỹ năng nghề phù hợp thì các trường nghề lại khó tuyển được học sinh, sinh viên; người lao động tham gia học nghề cũng không biết chắc là sau khi học nghề xong mình có thể tìm kiếm được việc làm hay không?

Cũng cần biết rằng, theo thống kê, hiện nay Thừa Thiên Huế có nguồn lao động khá dồi dào với hơn 600.000 người trong độ tuổi lao động, trong đó, lực lượng lao động trẻ chiếm tỷ lệ cao (từ 15 đến 34 tuổi chiếm 36,8%) và có gần 18.000 người bước vào tuổi lao động mỗi năm. Tuy nhiên, số lao động được giải quyết việc làm trên địa bàn chỉ khoảng 15.000 - 17.000 người/năm

Theo ông Nguyễn Quốc Tuấn, TGĐ Công ty CP XNK và đầu tư Thừa Thiên Huế, cho rằng: hiện nay các doanh nghiệp tại Thừa Thiên Huế vẫn khó tuyển dụng lao động. Doanh nghiệp luôn trong tình trạng “đói” lao động, còn trường nghề thì cũng “đói” học sinh, sinh viên. Ông Tuấn lấy ví dụ Công ty của ông hoạt động trong lĩnh vực may Kimono xuất khẩu Nhật Bản, nhưng hiện nay tại Thừa Thiên Huế chưa có cơ sở giáo dục nghề nghiệp nào đào tạo nghề may này cả. Vì vậy doanh nghiệp phải đi tuyển dụng lao động chay ở vùng nông thôn mang về rồi tự tay đào tạo. “Để những lao động chưa qua đào tạo được học nghề, vừa rồi, chúng tôi đã phối hợp với Trường Cao đẳng nghề Thừa Thiên Huế mở lớp dạy nghề may Kimono. Chúng tôi cũng đã trang bị máy móc, thiết bị đầy đủ cho lớp dạy nghề nay nhưng trong vòng 1 tháng, số học viên chúng tôi tuyển được chỉ có 6 người”, ông Tuấn cho biết.

Cùng quan điểm, Ông Michal Zitek đại diện của Khu nghỉ dưỡng phúc hợp Laguna Lăng Cô (Phú Lộc, Thừa Thiên Huế), một trong những doanh nghiệp có nhu cầu thu hút nguồn nhân tài trong ngành du lịch lớn nhất tỉnh cũng cho rằng, với sự phát triển của ngành du lịch hiện nay, nhu cầu về nguồn nhân lực để đáp ứng sẽ còn tăng cao trong tương lai. Tuy nhiên, ngay tại thời điểm này, việc tìm kiếm nhân viên có trình độ phù hợp để lấp đầy các vị trí tuyển dụng tại Laguna Lăng Cô đã là một thách thức, đặc biệt là về kỹ năng phục vụ và ngôn ngữ. “Tất cả các khách sạn mới và các dự án mới cũng sẽ có nhu cầu mạnh mẽ về đội ngũ nhân  viên có tay nghề cao và chúng tôi nhận thấy rằng, đã có sự “săn trộm” giữa các khách sạn để sở hữu những người tài năng nhất. Chúng ta không đủ người có đủ kỹ năng và kinh nghiệm để lấp đầy tất cả các vị trí tuyển dụng”, ông Michal Zitek phát biểu.

Nghề thêu, may Kimono ở Thừa Thiên Huế khó tuyển được người lao động

Trường nghề chưa đào tạo được sinh viên đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp?

Đại diện các doanh nghiệp đều than rằng, chất lượng đào tạo nghề ở Thừa Thiên Huế hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Nguồn lao động khi tuyển mới về từ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đều phải được đào tạo lại rồi mới làm việc được. Tuy nhiên trên thực tế, liệu tất cả có phải là như vậy?

Ông Trần Nam Lực, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Thừa Thiên Huế thẳng thắn nhìn nhận, lợi ích giữa doanh nghiệp, người lao động và cơ sở dạy nghề chưa gặp nhau dẫn đến các trường nghề khó tuyển sinh. “Thực tế hiện nay các doanh nghiệp đã gọi điện cho nhà trường để đặt hàng đào tạo sinh viên nghề chưa? Tôi nói là có nhưng chưa phổ biến, chưa nhiều và còn rất hạn chế. Vừa rồi tôi dẫn 18 em học viên của Trường vào TP. HCM giới thiệu, trong đó học viên nghề hàn có, điện lạnh có, may có…. Tất cả đều được doanh nghiệp ở đây nhận và ký hợp đồng. Họ còn thông báo với tôi là cứ có học viên ra trường thì đưa vào, bao nhiêu họ cũng nhận. Như vậy chất lượng đào tạo nghề ở Thừa Thiên Huế đâu có thấp”, ông Lực nhìn nhận.

Để thu hút người lao động đi học nghề, ông Lực cho rằng Nhà nước cần đầu tư một cách đồng bộ và có chiều sâu vào cơ sở giáo dục nghề nghiệp, chứ không nên đầu tư dàn trải. Bên cạnh đó, tính liên kết giữa doanh nghiệp với trường nghề cần phải mạnh hơn nữa. Khi học viên học nghề chuẩn bị ra trường, doanh nghiệp cần cho họ đến thự tập trực tiếp tại đơn vị, làm quen công việc ngay từ đó. Có như vậy, người lao động sau khi đào tạo mới đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp.

Ông Huỳnh Hồng Cư, đại diện Tập đoàn Hùng Hậu Holdings cũng cho rằng, sự liên kết giữa doanh nghiệp và trường học trong đào tạo nghề là rất cần thiết và quan trọng. “Ở Huế chúng tôi có Trường mầm non Âu Lạc, Trường Trung cấp nghề Âu Lạc. Tập đoàn chúng tôi hoạt trên nhiều lĩnh vực và khi đào tạo nghề cho sinh viên, chúng tôi đều nhắm tới những vị trí còn thiếu ngay trong đơn vị cũng như dựa theo khảo sát nhu cầu của doanh nghiệp bạn”, ông Cư cho biết.

Mặt khác, ông Nguyễn Xuân Quang, Phó Giám đốc Sở LĐ – TB&XH Thừa Thiên Huế cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn tới công tác tuyển sinh đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn là có cả sự ỷ lại của doanh nghiệp. Theo ông Quang, các doanh nghiệp tại Thừa Thiên Huế hầu hết là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nhiều doanh nghiệp thường có tính ỷ lại, trực sẵn, “ăn sẵn” công tác đào tạo nghề của xã hội, chứ chính họ không đầu tư, không liên kết để đào tạo nghề. Do đó, chính doanh nghiệp cũng phải thay đổi tư duy, thay đổi cách làm để có được đội ngũ lao động phù hợp với lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của mình.

THẢO VI

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh