THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 12:13

Đảm bảo bình ổn giá, cung ứng đủ nguồn hàng dịp cuối năm

Hạn chế thấp nhất tác động tăng giá dịp cuối năm

Thực tế cho thấy, nhiều năm qua, việc chuẩn bị sẵn sàng hàng hóa bình ổn giá đã góp phần hạn chế tình trạng khan hàng, sốt giá, bảo đảm thị trường ổn định, giúp người tiêu dùng có cơ hội mua được hàng hóa với chất lượng và giá cả phù hợp. Chính phủ cũng vừa yêu cầu Bộ Công Thương chuẩn bị kế hoạch cung ứng đầy đủ nguồn hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.

Bộ Công Thương cho biết, theo thống kê của Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, nguồn cung hàng hóa của doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường chiếm 30%, các DN khác chiếm 10 - 20%, 3 chợ đầu mối lớn của thành phố là Thủ Đức, Bình Điền, Hóc Môn sẽ cung cấp khoảng 60% lượng hàng hóa. Bên cạnh việc giúp DN dự trữ hàng hóa, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh còn kết hợp với các DN, nhà phân phối đẩy mạnh hoạt động bán hàng bình ổn giá tới tận các quận, huyện ngoại thành, qua đó ngăn chặn tình trạng khan hàng, sốt giá ảo. Còn tại Hà Nội, địa bàn tiêu thụ hàng hóa lớn thứ hai cả nước, kế hoạch chuẩn bị hàng Tết cũng đã sẵn sàng. Dự kiến tổng lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán ở địa bàn Hà Nội đạt khoảng 15.000 tỷ đồng. Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh bánh mứt kẹo có kế hoạch sản xuất, dự trữ đưa ra thị trường dịp Tết trên 30.000 tấn, tương đương khoảng 2.500 tỷ đồng; doanh nghiệp rượu, bia, nước giải khát khoảng 196 triệu lít, tương đương khoảng 6.000 tỷ đồng; doanh nghiệp giết mổ gia súc, gia cầm, gạo, trứng, rau củ khoảng 700 tỷ đồng...

 

Dự báo sức tiêu thụ hàng hóa cuối năm và Tết Nguyên đán 2016 sẽ tăng khoảng từ 10-15% so với năm ngoái.

Theo đại diện Siêu thị Big C Thăng Long, mặc dù thời điểm này, nhu cầu mua sắm cuối năm của người dân chưa khởi động, nhưng dự báo sức mua sẽ tăng vào khoảng 2 tuần tới, nên đến nay, siêu thị đã làm việc xong với các DN sản xuất hàng tiêu dùng, từ thực phẩm tươi sống đến hàng chế biến sẵn để đặt hàng, trước mắt phục vụ dịp Noel, Tết Dương lịch.

Mở rộng điểm bán ở vùng sâu, vùng xa

Nắm bắt khả năng tiêu thụ hàng hóa cuối năm sẽ tăng khoảng từ 10- 15% so với cùng kỳ năm ngoái, nhiều doanh nghiệp sản xuất và các nhà phân phối không chỉ khuyến mãi giảm giá tại các hệ thống siêu thị, cửa hàng mà còn lên kế hoạch mở rộng điểm bán bằng các chuyến hàng lưu động cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, nông thôn. Điều này vừa góp phần giảm quá tải cho việc mua sắm tại khu vực trung tâm, vừa giúp người dân nông thôn thụ hưởng lợi ích mà chương trình bình ổn giá mang lại. Bên cạnh đó, để người dân thu nhập trung bình, thu nhập thấp được tiếp cận nguồn hàng đảm bảo, giá cả ổn định, ngành công thương cho biết, sẽ hỗ trợ vốn cho các DN sản xuất để đầu tư tạo nguồn hàng dồi dào với giá hợp lý. Vì thế, các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn cần chủ động xây dựng kế hoạch kinh doanh để được các thành phố, địa phương kết nối với các ngân hàng nhằm giúp doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi, đủ lực để mở rộng sản xuất, phát triển các điểm bán hàng về vùng sâu, vùng xa.

Để góp phần bình ổn giá cả hàng hóa thị trường, việc duy trì thường xuyên, liên tục các đoàn công tác thanh tra, kiểm tra tình hình quản lý và bình ổn giá tại địa phương gắn với công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về giá cũng sẽ được đẩy mạnh. Mọi năm, cứ đến thời điểm này là giá cước vận tải ô tô lại tăng đột biến, với lý do giá xăng, dầu tăng cao, khan hiếm phương tiện. Năm nay, với việc giá xăng, dầu liên tiếp giảm cùng sự cương quyết của cơ quan quản lý nhà nước, các DN vận tải ô tô đã phải giảm giá cước, qua đó giảm giá nhiều hàng hóa, dịch vụ. Tuy nhiên, càng cận Tết, điều người tiêu dùng lo ngại là, khi không "vin" được vào giá xăng dầu thì DN lại sẽ tăng giá với muôn vàn lý do khác.

Để công tác quản lý giá được tăng cường, có tính lâu bền, tránh được tình trạng "bắt cóc bỏ đĩa", cơ quan quản lý "bất lực" nhìn doanh nghiệp tăng giá vô tội vạ, ép người tiêu dùng phải sử dụng hàng hóa, dịch vụ không đạt chuẩn với giá cao... Bộ Công Thương cho biết, ngoài việc gắn công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về giá với việc kiểm tra chấp hành pháp luật về thuế, cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới...

THANH NHUNG-CHU LƯƠNG/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh