THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 08:07

Không để bà con lo lắng về giá cả

Ông Lữ Minh Thư, Phó giám đốc Sở Công thương Thanh Hóa trao đổi với phóng viên

Vào dịp Tết, nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn tăng, để đảm bảo công tác bình ổn giá, Thanh Hóa đã có những giải pháp gì thưa ông?

Vào dịp Tết, thường nhu cầu tiêu dùng của nhân dân tăng hơn so với những ngày thường, nhất là các mặt hàng thiết yếu và tâm lý dễ dãi chấp nhận việc tăng giá. Lợi dụng tâm lý đó, một số thương nhân đã găm hàng, tăng giá đột biến tạo nên sự bất ổn định về giá cả thị trường trong dịp Tết.

Trên cơ sở đó, Sở Công thương đã tham mưu cho UBND tỉnh đẩy mạnh công tác xã hội hoá, nêu cao trách nhiệm xã hội của các DN, kêu gọi các DN đang nắm giữ thị phần lớn và kênh phân phối rộng huy động mọi nguồn lực để dự trữ hàng hoá và cam kết bình ổn giá vào các tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán. Các DN như: CoopMart, BigC, Công ty lương thực miền Bắc…hưởng ứng tích cực. Mặt khác, Sở cũng chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi phạm pháp luật về thương mại.

Hàng bình ổn giá ở TP.Thanh Hóa được nhiều người dân tin dùng

Theo đó, Sở Công thương đã ban hành các văn bản đề nghị các DN kinh doanh trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện các giải pháp đảm bảo cân đối cung, cầu hàng hoá, bình ổn giá thị trường. Đề nghị các DN xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hoá đảm bảo đủ hàng trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015; đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn triển khai các giải pháp nhằm đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn giá thị trường. Bên cạnh đó Sở cũng đã tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Chỉ thị về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường các tháng cuối năm 2014 và Tết Nguyên đán 2015 để các ngành, các cấp cùng tham gia công tác bình ổn. 

Để thực hiện có hiệu quả công tác bình ổn giá ở 11 huyện miền núi, Thanh Hóa đã triển khai như thế nào thưa ông?

Đối với các huyện miềm núi trên địa bàn tỉnh, đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn. Xuất phát từ thực tiễn đó, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh triển khai nhiều giải pháp nhằm bình ổn giá dịp Tết, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, chống lãng phí, phù hợp với điều kiện thực tế đời sống của nhân dân các dân tộc trên địa bàn. Không để họ phải lo lắng nhiều về giá cả của các loại hàng hóa thiết yếu, như: Thịt, trứng, gạo, xăng, dầu...

Hàng bình ổn giá sẽ giúp người dân các huyện miền núi Thanh Hóa đón Tết đầm ấm hơn

Hiện tỉnh đã giao cho Công ty CP Thương mại miền núi Thanh Hóa-đây là đơn vị hiện đang nắm giữ phần lớn thị phần và kênh phân phối rộng khắp 11 huyện miền núi, đang tích cực huy động mọi nguồn lực để dự trữ hàng hóa và thực hiện đúng cam kết bình ổn giá.

Đến nay, để phục vụ cho nhu cầu 11 huyện miền núi, phía công ty đã nhập về trên 200 mặt  hàng các loại với tổng giá trị hơn 30 tỷ đồng. Trong đó, có 8 mặt hàng được bình ổn giá, nhiều nhất là xăng, dầu với gần 300.000 lít, tương đương 5 tỷ đồng; đường  1.000 tấn, tương đương 10 tỷ đồng; gạo tẻ  230 tấn, tương đương 2 tỷ đồng. Tất cả số hàng này đã được họ phân phối đi khắp các huyện miền núi, tập kết tại các siêu thị, các đầu mối rồi phân bổ xuống từng địa bàn thông qua hệ thống các chuỗi cửa hàng bán lẻ.

Đặc biệt, để bảo đảm quyền lợi cho đồng bào ở vùng sâu, vùng xa được mua hàng bình ổn giá, DN còn tổ chức bán hàng lưu động ngay trên xe ô tô, tại những vùng khó khăn nhất.

Xin cảm ơn ông !

Hoàng Minh (thực hiện)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh