THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:57

Đảm bảo an toàn cho lao động Việt Nam tại Trung Đông

Báo cáo của Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, năm 2019 tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đạt 152.530 lao động (trong đó có 54.700 lao động nữ), đạt 127,1% kế hoạch năm 2019, trong đó thị trường Nhật Bản: 82.703 lao động, Đài Loan: 54.480 lao động, Hàn Quốc: 7.215 lao động, Rumani: 3.478 lao động, Ả rập - Xê út: 1375 lao động, Malaysia: 454 lao động, Macao: 401 lao động, Algeria: 359 lao động và một số thị trường khác.

Cục đã tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp mới Giấy phép của 112 doanh nghiệp và đã hoàn thiện hồ sơ trình Bộ cấp mới cho 63 doanh nghiệp. Tính đến tháng 12/2019, tổng số doanh nghiệp phái cử Việt Nam có giấy phép hoạt động dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài là 421 doanh nghiệp.

Đảm bảo an toàn cho lao động Việt Nam tại Trung Đông - Ảnh 1.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Trực tiếp triển khai 25 cuộc thanh, kiểm tra định kỳ và đột xuất, phối hợp với Thanh tra Bộ tiến hành 30 cuộc tại các doanh nghiệp dịch vụ trong hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Qua đó đã ban hành hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành quyết định xử phạt và xử phạt hành chính đối với 21 doanh nghiệp và thu hồi giấy phép của 2 doanh nghiệp.

Năm 2020, Cục Quản lý lao động ngoài nước phấn đấu đưa được 130.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, tập trung vào các thị trường có thu nhập cao. Hoàn thiện dự thảo Luật về Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi). Nghiên cứu, xây dựng để trình Bộ ký kết Thỏa thuận hợp tác lao động với CHLB Đức; Hiệp định Chính phủ về thu hút và tuyển dụng với tổ chức lao động Việt Nam sang làm việc có thời hạn tại Liên bang Nga; Thỏa thuận về hợp tác lao động mới với Đài Loan, Israel và Cô oét. Bên cạnh đó, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các điều kiện hợp đồng cung ứng loa động vào một số thị trường lao động đang có chiều hướng gia tăng số lượng nhanh tại khu vực châu Âu…

Trước tình hình căng thẳng đang tiếp tục leo thang tại khu vực Trung Đông, ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, Cục đã yêu cầu các doanh nghiệp đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở khu vực Trung Đông rà soát, thống kê toàn bộ lao động Việt Nam đang làm việc tại đây, lên danh sách, số điện thoại liên lạc và liên hệ với các chủ sử dụng lao động để khi cần sẽ hỗ trợ NLĐ. Đặc biệt là lao động Việt Nam đang làm việc tại Ả rập - Xê út - quốc gia có khả năng bị ảnh hưởng lớn nhất nếu có chiến sự xảy ra.

"Việc thống kê nhằm mục đích để kiểm soát lao động Việt Nam và lên các phương án ứng phó nếu Mỹ và Iran leo thang xung đột. Trường hợp xấu nhất xảy ra có thể sơ tán NLĐ Việt Nam khỏi khu vực này", ông Liêm cho biết.

Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá cao những kết quả mà toàn thể cán bộ, công chức và người lao động Cục Quản lý lao động ngoài nước đã đạt được trong năm 2019 và nhấn mạnh: Năm 2020 Cục cần nỗ lực để đạt được kết quả cao hơn nữa. Về thể chế, cần tập trung hoàn thiện Luật Đưa lao động người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Về vấn đề tại Trung Đông, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung ghi nhận, hoan nghênh Cục đã chủ động cảnh báo về tình hình tại Trung Đông. "Trước mắt cần có văn bản gửi các doanh nghiệp tạm thời dừng đưa lao động đi thị trường Trung Đông. Lên phương án tình trạng xấu nhất để ứng phó. Cục Quản lý lao động ngoài nước chủ động, thường xuyên phối hợp với Bộ Ngoại giao nắm bắt tình hình và có phát ngôn rõ ràng, tránh để người dân lo sợ", Bộ trưởng chỉ đạo.

THANH MẠNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh