Đảm bảo an sinh xã hội hướng tới phát triển bền vững ở Việt Nam
- Dược liệu
- 20:52 - 31/08/2017
Bảo đảm an sinh xã hội (ASXH) là nội dung quan trọng được Hiến pháp 2013 quy định tại Điều 34 “Công dân có quyền được bảo đảm ASXH”, là quyền mới chưa được quy định trong các bản Hiến pháp trước đây.
Do đó, ASXH trở thành vấn đề trung tâm trong chiến lược phát triển đất nước và đang phấn đấu đến năm 2020 hệ thống ASXH sẽ bao phủ khắp toàn dân. Mặc dù trong điều kiện kinh tế khó khăn, nhưng Đảng và Nhà nước luôn bảo đảm ngân sách chi cho ASXH ngày càng tăng lên.
Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội Nguyễn Văn Hồi: "Đối tượng tham gia và thụ hưởng các chính sách ASXH được mở rộng, đa dạng về hình thức, gia tăng về quy mô".
Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) Nguyễn Văn Hồi trao đổi với phóng viên báo Lao động và Xã hội (Báo điện tử Dân sinh) xung quanh vấn đề này:
- Ông có thể cho biết một số kết quả trong thực hiện chính sách ASXH thời gian qua?
Trong giai đoạn vừa qua, nước ta đã đạt được nhiều thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội, trong đó năm 2016 tốc độ tăng trưởng đạt khoảng 6,7%, thu nhập bình quân đầu người khoảng 2.450 USD, tỷ lệ nghèo giảm nhanh từ 14,2% năm 2010 xuống còn khoảng 10% năm 2016, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 77% dân số, tỷ lệ LĐ qua đào tạo đạt khoảng 53%, tỷ lệ LĐ thành thị thất nghiệp khoảng 4%, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng dưới 13,8%, bảo đảm đời sống người có công (NCC).
Hệ thống chính sách ASXH được xây dựng và phát triển tương đối đồng bộ, từng bước được hoàn thiện, bảo đảm quyền lợi của người dân, đặc biệt chú ý đến người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, ngườidân tộc thiểu số, dân cư vùng nông thôn, dân cư vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo.
Đối tượng tham gia và thụ hưởng các chính sách ASXH được mở rộng, đa dạng về hình thức và gia tăng về quy mô. Ngân sách nhà nước dành cho các chương trình quốc gia nhằm thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội gia tăng hàng năm.
Tuy nhiên, nước ta cũng đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Chuyển dịch cơ cấu LĐ chậm, chất lượng việc làm không cao, tỷ lệ thất nghiệp có xu hướng gia tăng, đời sống một bộ phận dân cư còn khó khăn, chênh lệch mức sống giữa các vùng, miền, giữa nông thôn và thành thị có xu hướng gia tăng; giảm nghèo nhanh nhưng chưa bền vững; số đối tượng có nhu cầu trợ giúp xã hội lớn, độ bao phủ của hệ thống ASXH và mức hỗ trợ còn thấp, khả năng tiếp cận của nhiều nhóm đối tượng chưa cao; năng lực phòng, chống và quản lý rủi ro của người dân còn thấp, nguồn lực cho ASXH còn hạn chế, chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước.
Hiện nay, tình hình kinh tế, chính trị, giá cả thế giới có nhiều biến động, một số mặt hàng là đầu vào quan trọng của sản xuất điều chỉnh tăng giá để thực hiện theo cơ chế giá thị trường, dẫn tới giá cả sinh hoạt tăng, đời sống nhân dân, nhất là người nghèo, người có thu nhập thấp gặp nhiều khó khăn.
Trước tình hình đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 64/NQ-CP ngày 22/7/2016 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; trong đó xác định chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, giải quyết tốt những vấn đề bức thiết; bảo đảm ASXH, nâng cao phúc lợi xã hội và giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách hiện nay.
- Với điều kiện nguồn lực Việt Nam còn hạn hẹp như hiện nay trong khi đó chính sách thì nhiều, vậy làm sao để mục tiêu, định hướng ASXH đến năm 2020 chúng ta đưa ra thực sự hiệu quả, thưa ông?
Có thể nói, đảo đảm ASXH là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm tăng cường bảo đảm ASXH, xoá đói giảm nghèo.
Mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ LĐ qua đào tạo đạt khoảng 65 - 70%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 25%.
Đảng và Nhà nước ta chủ trương bảo đảm ASXH phù hợp với từng thời kỳ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII xác định một trong những nhiệm vụ, mục tiêu chủ yếu là “Quản lý tốt sự phát triển xã hội; bảo đảm ASXH, nâng cao phúc lợi xã hội; thực hiện tốt chính sách NCC; nâng cao chăm sóc sức khỏe nhân dân; xây dựng môi trường sống lành mạnh, văn minh, an toàn”.
“Đến năm 2020,... tỷ lệ LĐ qua đào tạo đạt khoảng 65 - 70%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 25%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%..., tỷ lệ bao phủ BHYT trên 80% dân số; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân khoảng 1 - 1,5%/năm”.
Để thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu trên, chủ trương bảo đảm ASXH tập trung vào một số nội dung như rà soát, đánh giá, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về NCC với cách mạng và ASXH, tăng cường hiệu quả và hiệu lực của hệ thống pháp luật; Tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý và thực hiện các chính sách ưu đãi NCC với cách mạng và ASXH, trong đó chú trọng chính sách đặc thù đối với đồng bào DTTS và vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; hướng dẫn, đôn đốc thanh tra, kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện chính sách NCC với cách mạng và ASXH.
Cùng với đó, bố trí kinh phí, nhân lực; tăng cường cơ sở vật chất, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa huy động nguồn lực để thực hiện thành công các mục tiêu của Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 01/6/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020. Tạo điều kiện để người dân nâng cao khả năng tự bảo đảm an sinh, ưu tiên hỗ trợ các đối tượng yếu thế.
Song song, phải đổi mới, phát triển ASXH có trọng tâm trong thời kỳ này, chú trọng đến nhóm đối tượng dễ bị tổn thương làngười nghèo, người khuyết tật, trẻ em, người cao tuổi, người dân ở các vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc miền núi, LĐ nông thôn, khu vực phi chính thức, người thất nghiệp, người bị ảnh hưởng của thiên tai và các rủi ro bất khả kháng khác; Xây dựng và thực hiện chính sách ASXH hướng tới bao phủ toàn bộ người dân, trước mắt là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương; phát triển hệ thống ASXH đa dạng, nhiều tầng lớp, bảo đảm mức sống tối thiểu cho người dân.
Phát triển hệ thống ASXH dựa trên quyền được an sinh của người dân và phù hợp với khả năng ngân sách của nhà nước nhằm mục tiêu hỗ trợ, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; Nâng cao năng lực tự vươn lên, thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn của nhóm đối tượng dễ bị tổn thương và khả năng tự an sinh của người dân thông qua các chính sách hỗ trợ gián tiếp để phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững; tăng cường chính sách trợ giúp trực tiếp đối với nhóm đối tượng không có khả năng tự bảo đảm an sinh.
Nhà nước tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trong việc tổ chức thực hiện ASXH, đồng thời mở rộng sự tham gia của các đối tác xã hội thông qua các cơ chế khuyến khích, thu hút sự tham gia của các đối tượng vào cung cấp dịch vụ ASXH.
Đồng thời phát huy vai trò và trách nhiệm của cá nhân, hộ gia đình, người LĐ, doanh nghiệp và cộng đồng trong việc thực hiện các mục tiêu ASXH; Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực ASXH; phấn đấu từng bước phát triển các chính sách ASXH phù hợp với xu hướng và chuẩn mực quốc tế.
Theo đó, nhiều giải pháp bảo đảm ASXH được xây dựng, triển khai đồng bộ trong giai đoạn hiện nay. Trong đó, có những giải pháp cụ thể, cấp bách, ngắn hạn nhằm bảo đảm ổn định cuộc sống của nhóm đối tượng thụ hưởng chính sách trợ giúp xã hội, người LĐ, người dân và những giải pháp tổng thể, dài hạn nhằm phát triển hệ thống ASXH toàn dân, toàn diện, hỗ trợ người dân đối phó hiệu quả với các rủi ro, bảo đảm phúc lợi cho đối tượng xã hội, người LĐ, hộ gia đình và cộng đồng.
- Việc xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về ASXH có vai trò như thế nào trong bảo đảm quyền ASXH cho người dân, thưa ông?
Rất cần thiết phải xây dựng CSDL trên cơ sở định danh cho từng người, cho từng đối tượng, thiết lập hệ thống dữ liệu thống nhất, đào tạo hệ thống cán bộ làm chính sách ASXH, truyền thông nâng cao nhận thức chính sách cho cộng đồng.
Vì hiện nay việc quản lý về ASXH đang chia cắt tản mạn và hoàn toàn thủ công, do đó các đối tượng gặp khó khăn trong tiếp cận với các dịch vụ, đặc biệt khi di chuyển đến vùng khác để sinh sống hầu như không còn được đảm bảo về ASXH.
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án “Xây dựng CSDL quốc gia về ASXH, ứng dụng CNTT vào giải quyết chính sách ASXH đến năm 2020 và định hướng phát triển đến năm 2030”.
Theo đó, mục tiêu đến năm 2020, ứng dụng CNTT trong đăng ký, giải quyết chính sách, chi trả cho đối tượng thụ hưởng chính sách ASXH kịp thời, công khai và minh bạch.
Giai đoạn 2017 - 2018 hỗ trợ thí điểm cấp sổ và thẻ ASXH điện tử tại 1 - 3 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; giai đoạn 2019 - 2020 hỗ trợ cấp số và thẻ ASXH điện tử cho công dân Việt Nam là đối tượng của ASXH.
Bộ LĐ-TB&XH cũng đã có công văn số 2999/LĐTBXH-BTXH gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc triển khai thực hiện đề án này. Cơ sở quốc gia về ASXH bao gồm thông tin cơ bản về công dân Việt Nam là đối tượng của các chính sách: TGXH, giảm nghèo, NCC với cách mạng, BHXH, BHYT và bảo hiểm thất nghiệp.
Định hướng đến năm 2030, mở rộng cơ sở dữ liệu Quốc gia về ASXH bao gồm: trẻ em, dạy nghề, việc làm, bình đẳng giới, phòng chống tệ nạn xã hội và các lĩnh vực khác của ASXH theo quy định của pháp luật.
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách trong lĩnh vực ASXH để chăm lo đời sống của người dân và diện bao phủ chính sách ASXH ngày càng mở rộng, mức thụ hưởng và nguồn lực dành cho lĩnh vực này cũng ngày càng tăng. Đối tượng thụ hưởng chính sách ASXH ngày càng mở rộng và đa dạng.
Với số lượng đối tượng nhiều, hàng năm chi ngân sách nhà nước lớn nhưng công tác quản lý, hoạch định chính sách, bố trí nguồn lực, tổ chức chi trả còn nhiều hạn chế, bất cập và đặc biệt Việt Nam chưa có cơ sở dữ liệu thống nhất và toàn diện quản lý đối tượng, phục vụ cho công tác quản lý nhà nước.
Do đó, việc xây dựng cơ sở dữ liệu Quốc gia về ASXH hoàn chỉnh, hiện đại sẽ giúp người dân tiếp cận chính sách thuận lợi; giảm thủ tục hành chính; cung cấp dữ liệu ASXH cho Chính phủ, các cơ quan, ban, ngành đầy đủ, chính xác và kịp thời.
ASXH luôn được coi là một trụ cột quan trọng trong phát triển bền vững ở mọi quốc gia hiện nay. Nó vừa là mục tiêu, vừa là kết quả để thực hiện các cải cách về kinh tế-xã hội.
Đối với Việt Nam, thời gian qua đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận về ASXH, tuy nhiên vẫn còn nhiều thách thức đang đặt ra cần tiếp tục hoàn thiện.
Do đó,việc thực hiện đồng bộ các giải pháp kinh tế-xã hội nhằm bảo đảm ASXH cho mỗi công dân, phát triển kinh tế-xã hội bền vững là mục tiêu lớn của Đảng và Nhà nước ta hiện nay.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!