THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 04:44

Tầm quan trọng của giáo dục, đào tạo kỹ năng nghề và an sinh xã hội trong kỷ nguyên số

 

Hội thảo “Giáo dục và Đào tạo kỹ năng và an sinh xã hội” tiếp tục đề cập đến những cơ hội và thách thức từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4


Do đó, nhiều vấn đề cấp thiết được đặt ra về giáo dục, đào tạo kỹ năng để người LĐ có đủ kỹ năng đón “sóng” công nghiệp 4.0 này. Cùng với đó, dưới tác động của tiến trình số hóa và tự động hóa, các vấn đề an sinh xã hội rất được các đại biểu cấp cao quan tâm, đòi hỏi các giải pháp an sinh phù hợp cho các nền kinh tế.

Các chương trình đào tạo nghề cần đảm bảo linh hoạt

Tham dự Hội thảo có TS. Doãn Mậu Diệp - Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bà Mary Morola – Điều phối viên Mạng lưới Lao động – An toàn xã hội (LSPN) cùng đại biểu các nền kinh tế, các học giả, các cơ quan, doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học.

Khẳng định Công nghiệp 4.0 đã và đang tạo ra những thay đổi đột phá, có tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế - xã hội mỗi quốc gia, từng khu vực và toàn cầu, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho rằng, trong bối cảnh đó, giáo dục, đào tạo kỹ năng và an sinh xã hội là những vấn đề thu hút sự quan tâm của tất cả các nền kinh tế trong khu vực Châu Á- Thái Bình Dương.

“Về giáo dục dạy nghề, cùng với sự bùng nổ của Công nghiệp 4.0 sẽ tạo nên một sự dịch chuyển lớn nguồn lực lao động. Nhiều nghề nghiệp cũ sẽ mất đi và thay vào đó là sự xuất hiện của nhiều nghề nghiệp mới (trong lĩnh vực kỹ thuật số, lập trình, bảo vệ dữ liệu...). Theo đó, các yêu cầu về trình độ và kỹ năng của người lao động để đáp ứng yêu cầu việc làm cũng tăng lên, đặt ra các vấn đề phát triển giáo dục, đào tạo đáp ứng những yêu cầu thay đổi trong tương lai”, Thứ trưởng khẳng định. 

Nhìn nhận thẳng thắn về việc sẽ không ít thách thức được tạo ra trong cạnh tranh, tạo việc làm trong sản xuất và kỹ thuật, các đại biểu tại Hội thảo cho rằng, trong cuộc cách mạng này, thị trường lao động gặp những thách thức lớn giữa chất lượng cung và cầu lao động cũng như cơ cấu lao động. “Không chỉ đe dọa tới việc làm của những lao động trình độ thấp mà ngay cả lao động có kỹ năng bậc trung cũng sẽ bị ảnh hưởng nếu họ không trang bị các kiến thức mới - kỹ năng sáng tạo cho nền kinh tế 4.0”, TS. Horst Sommer, Giám đốc Chương trình Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam nói.

 

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết, về an sinh xã hội, trong những thập kỷ gần đây, khu vực Châu Á- TBD đã có được sự tăng trưởng rõ rệt

 

Qua Hội thảo, các đại biểu có chung quan điểm, trong bối cảnh này, toàn cầu không riêng nước nào, cần phải điều chỉnh và xây dựng những tiêu chuẩn kỹ năng nghề cho giáo dục đào tạo nghề; Xây dựng hoặc bổ sung các chương trình giáo dục đào tạo nghề mới, hoặc bổ sung; cũng cần có các chương trình đào tạo tại chức hoặc trước khi người LĐ tham gia thị trường LĐ. Cùng với đó, phải gắn kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp với các cơ sở giáo dục và đào tạo nghề, có thế người LĐ mới đáp ứng được, thích nghi được với đòi hỏi thực tế của thị trường LĐ.

Về an sinh xã hội (ASXH), trong những thập kỷ gần đây, khu vực Châu Á- TBD đã có được sự tăng trưởng rõ rệt. Kết quả là mức sống của người dân đã được cải thiện rất lớn, cho phép hàng trăm triệu người có cuộc sống tốt hơn, năng suất hơn, mặt khác tạo ra những điều kiện thuận lợi cho các chính phủ trong khu vực nâng cao mức ngân sách dành cho ASXH. Cơ sở dữ liệu ghi được cho thấy trong số 26 quốc gia đang phát triển trong khu vực Châu Á- TBD, 21 quốc gia đã tăng tỉ lệ chi tiêu cho an sinh xã hội trong hai thập kỷ vừa qua.

Tầm quan trọng của ASXH trong kỷ nguyên số

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, tỉ lệ bao phủ thực tế của ASXH, đặc biệt ở các nước đang phát triển trong khu vực Châu Á- TBD vẫn còn khá thấp. Do đó, vẫn còn một số lượng lớn người dân trong khu vực bị để lại phía sau trong quá trình phát triển. Hơn nữa, dưới tác động của tiến trình số hóa và tự động hóa, theo dự đoán chỉ riêng trong lĩnh vực chế tạo ô tô, hơn 60% người LĐ được trả lương tại Indonesia và 73% ở Thái Lan đối mặt với nguy cơ đem lại từ tự động hóa.

“Trong trường hợp của Việt Nam, 75% người LĐ trong ngành điện tử và 86% trong ngành da giày và trang phục đối mặt với nguy cơ từ tự động hóa. Các nền kinh tế APEC có thu nhập cao như Hoa Kỳ cũng phải đối mặt với nguy cơ này, dễ làm gia tăng khoảng cách giữa các “công việc thú vị và công việc chất lượng thấp”, Thứ trưởng Diệp cho biết.

 

Bà Mary Morola phát biểu tại Hội thảo 




ASXH là một khoản đầu tư vào con người và vào phát triển kinh tế xã hội lâu dài. “Với khẩu hiệu “Không ai bị để lại phía sau” được khẳng định tại Chương trình nghị sự về Phát triển bền vững của LHQ tới năm 2030, cần phải có một sự thống nhất giữa các nước Châu Á- TBD để đảm bảo các quyền về ASXH trong các thể chế quốc gia và các khuôn khổ hợp tác khu vực”, Thứ trưởng nhấn mạnh thêm.

Bày tỏ sự đồng thuận, các đại biểu khẳng định, trước thực tế đó, các nền kinh tế APEC nói chung và VN nói riêng cần phải đảm bảo tất cả các chương trình ASXH. Một mặt phải thích nghi được với những thay đổi về nhân khẩu học, về kinh tế, xã hội và thiên tai thảm họa, mặt khác trợ cấp về ASXH phải không cản trở động lực làm việc. Các chương trình ASXH phải được xây dựng để đáp ứng tích cực đối với tình hình già hóa dân số và thừa nhận người khuyết tật cũng là một lực lượng kinh tế.

Với vai trò quan trọng của công tác giáo dục kỹ năng và ASXH trong kỷ nguyên số, tại Hội thảo này, những kinh nghiệm, thông tin mà các đại biểu chia sẻ, là cơ sở quan trọng cho Đối thoại cao cấp về phát triển nguồn nhân lực có thể đưa ra được những hành động ưu tiên cho khu vực Châu Á- TBD trong bối cảnh kỷ nguyên số đang mang lại nhiều cơ hội và thách thức để cùng thực hiện thành công các mục tiêu “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”, và đặc biệt là “không ai bị bỏ lại phía sau”.

 

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm


Trong khuôn khổ Đối thoại cao cấp về Phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số, hội thảo được tổ chức với mong muốn tìm ra những cơ hội và thách thức trong việc giáo dục và đào tạo nghề và an sinh xã hội trong bối cảnh số hoá và sự phát triển nhanh chóng của công nghệp; tìm ra những hành động ưu tiên trong hợp tác của APEC nhằm giải quyết những thách thức này và thúc đẩy việc áp dụng các khung trình độ quốc gia, công nhận kỹ năng lẫn nhau cho lao động bậc trung và bậc cao cũng như các giải pháp an sinh phù hợp cho các nền kinh tế.

THANH NHUNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh