THỨ BẨY, NGÀY 26 THÁNG 10 NĂM 2024 12:16

Đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ thu hút người lao động trở lại làm việc

Với nhiều tín hiệu tích cực về nới lỏng dần biện pháp giãn cách xã hội và xây dựng lộ trình phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp đã chuẩn bị các điều kiện để có thể khôi phục sản xuất nhanh nhất. Tuy nhiên, vấn đề lớn hiện nay với nhiều doanh nghiệp chính là khó thu hút lao động trở lại làm việc. Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan cho biết, đại dịch Covid-19 đã tác động đến 9,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên trong quý I/2021, tăng lên 12,8 triệu người trong quý II/2021 và hơn 28,2 triệu người trong quý III/2021. Trong quý III/2021, có 4,7 triệu người bị mất việc; 14,7 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh; 12,0 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên; 18,9 triệu lao động bị giảm thu nhập...

Lao động có việc làm giảm, dịch chuyển lao động giữa các địa phương, các vùng bị hạn chế đã làm cho thị trường lao động bị chia cắt cục bộ, nguy cơ thiếu hụt lao động ở một số vùng, một số ngành, lĩnh vực khi phục hồi sản xuất.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan

Để đưa lao động trở lại làm việc, theo Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan, Chính phủ tập trung triển khai 3 nhóm giải pháp chính như: Đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh; Giải pháp hỗ trợ thu hút người lao động quay trở lại làm việc; Giải pháp kết nối, điều tiết cung - cầu lao động.

Thứ nhất, đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, đó là nhiệm vụ tuyên truyền cho người lao động những lợi ích khi gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, chia sẻ cùng với doanh nghiệp trong lúc khó khăn này.

Khuyến khích doanh nghiệp có chính sách hỗ trợ người lao động về tiền lương, các chế độ bảo hiểm, tiền ăn ca, các phúc lợi xã hội (bảo hiểm, nghỉ ngày lễ,…) để giữ chân người lao động. Tiếp tục có các chính sách hỗ trợ nhà ở, phòng trọ, lương thực, thực phẩm cho người lao động yên tâm làm việc. Đẩy mạnh công tác tiêm vaccine phòng chống Covid-19 cho người lao động.

Thứ hai, hỗ trợ thu hút người lao động quay trở lại làm việc, đó là việc tổ chức đa dạng các hình thức tuyên truyền để người lao động biết thông tin chính xác làm cơ sở quyết định quay lại thị trường lao động. Ưu tiên tiêm phòng vaccine cho người lao động, hỗ trợ chi phí y tế (khám sức khỏe, test covid, cách ly,…); hỗ trợ tạo thuận lợi cho người lao động đi lại khi tham gia thị trường lao động.

Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, tư vấn, định hướng nghề nghiệp và giới thiệu việc làm cho người lao động. Khuyến khích doanh nghiệp quan tâm, động viên giữ mối liên hệ với người lao động ngoại tỉnh đã trở về quê, sẵn sàng có chính sách hỗ trợ đi lại… để đưa người lao động quay trở lại làm việc khi doanh nghiệp mở dần quy mô hoạt động.

Thứ ba, kết nối, điều tiết cung - cầu lao động, tập trung nắm bắt diễn biến của cung - cầu lao động trên địa bàn để có kế hoạch, giải pháp kết nối cung cầu lao động, giải quyết khó khăn về thiếu hụt lao động tại các vùng, khu vực sản xuất trọng điểm. Nắm kỹ, sát nhu cầu sử dụng lao động cả về số lượng, ngành nghề, trình độ; rà soát tập hợp đầy đủ thông tin về trạng thái lao động, việc làm, trình độ của nguồn cung lao động để làm cơ sở điều tiết, kết nối cung cầu lao động.

Tổ chức kết nối cung cầu thuận tiện, kịp thời, khả thi thông qua các hoạt động như: Tăng tần suất tổ chức các phiên giao dịch việc làm, đa dạng hóa các hình thức, chuyên đề của các phiên giao dịch việc làm, có chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người lao động…

Đặc biệt tập trung đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề cơ bản cho người lao động để kịp thời cung ứng cho doanh nghiệp, hạn chế sự thiếu hụt lao động kỹ năng cho phục hồi sản xuất kinh doanh. Trước mắt, tập trung đào tạo, bồi dưỡng lao động ở các vùng kinh tế trọng điểm, lựa chọn một số ngành nghề có nguy cơ thiếu hụt nhiều nhất để đào tạo, bồi dưỡng. Bên cạnh đó nghiên cứu, chuẩn bị sẵn phương án huy động bổ sung phát triển nguồn lao động từ các nguồn dự trữ như học viên các trường nghề, bộ đội xuất ngũ, công an hoàn thành nghĩa vụ…

Cũng tại cuộc họp, liên quan đến quá trình thực hiện Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ, từ ngày 1/10/2021 cơ quan BHXH trên toàn quốc triển khai chính sách hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ BHTN đã giải ngân được bao nhiêu, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan cho biết, theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cơ bản đã hoàn thành xong việc xác định số giảm đóng cho 363,6 nghìn đơn vị, tương ứng 9,68 triệu lao động với số tiền tạm tính được điều chỉnh giảm đóng (từ tháng 10/2021 đến tháng 9/2022) khoảng 7.595 tỷ đồng.

Tính đến ngày 5/11, đã giải quyết hưởng hỗ trợ cho hơn 9,3 triệu lao động (gồm hơn 8,7 triệu lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và hơn 613 nghìn người đã dừng tham gia, tương đương 86% số người lao động đề nghị hỗ trợ) với số tiền hỗ trợ 22.289 tỷ đồng. Tổng số tiền đã chi trả là 21.851 tỷ đồng (tương đương 98% tổng kinh phí được giải quyết) cho hơn 9,1 triệu người lao động, trong đó đại đa số là chi trả qua tài khoản cá nhân.

MINH VŨ

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh