THỨ SÁU, NGÀY 08 THÁNG 11 NĂM 2024 09:13

Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH: Linh hoạt, chủ động trước bối cảnh dịch bệnh Covid-19

Thanh tra toàn diện các lĩnh vực của ngành

Ông Nguyễn Tiến Tùng, Chánh Thanh tra Bộ cho biết: Tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2021, Thanh tra Bộ đã tiến hành 208 cuộc thanh tra, kiểm tra, ban hành 977 kiến nghị, 26 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền là 1.001.587.434 đồng, 6 quyết định thu hồi nộp ngân sách nhà nước số tiền là 289.016.995 đồng, kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước số tiền 38.457.024.000 đồng.

Nổi bật trong các hoạt động thanh tra là trong lĩnh vực lao động: Đã tiến hành thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về lao động, an toàn, vệ sinh lao động và bảo hiểm xã hội tại 75 doanh nghiệp là nhà thầu thi công các công trình xây dựng trên địa bàn 5 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Lai Châu và Cần Thơ), ban hành 259 kiến nghị yêu cầu đối tượng thanh tra thực hiện, 14 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền là 379.054.347 đồng. Đồng thời tiến hành thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật lao động tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và 10 chi nhánh, công ty con; Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) và 10 chi nhánh, công ty con, ban hành 97 kiến nghị yêu cầu đối tượng thanh tra thực hiện.

Thanh tra Bộ cũng tiến hành thanh tra đột xuất việc chấp hành các quy định của pháp luật về lao động, bảo hiểm xã hội tại Công ty Cổ phần Chứng khoán Đại Nam, ban hành 3 kiến nghị yêu cầu đối tượng thực hiện và 1 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền là 57.033.087 đồng. Đồng thời, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về lao động, an toàn, vệ sinh lao động tại 82 doanh nghiệp là nhà thầu thi công các công trình xây dựng trên địa bàn 3 tỉnh, thành phố (Hồ Chí Minh, Hà Nội và Khánh Hòa), ban hành 214 kiến nghị yêu cầu đối tượng thanh tra thực hiện, 6 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền là 242.000.000 đồng.

Về lĩnh vực người có công: Thanh tra việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng tại 4 tỉnh, thành phố (Tuyên Quang, Đắk Lắk, Thừa Thiên Huế và Tây Ninh), ban hành 118 kiến nghị yêu cầu đối tượng thanh tra và các đơn vị có liên quan thực hiện. Qua kiểm tra 9.690 hồ sơ, phát hiện 3.604 hồ sơ có sai sót hoặc nghi vấn sai sót cần tiếp tục xác minh.

Một điểm nổi bật khác của Thanh tra Bộ là đã tiến hành xác minh tài sản, thu nhập đối với 39 cá nhân thuộc đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập của 6 tổ chức thuộc Bộ. Đây là hoạt động theo Nghị định 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ, chưa được bộ, ngành nào triển khai.

Hoạt động thanh tra còn gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19

Theo Thanh tra Bộ, do đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều đơn vị, doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp trong vùng có dịch nên trong những tháng đầu năm, một số cuộc thanh tra, kiểm tra đã phải chuyển thời gian sang thời điểm khác hoặc thôi không tiến hành thanh tra để tạo điều kiện hỗ trợ cho các đơn vị, doanh nghiệp. Trong khi đó, việc cung cấp thông tin về đối tượng thanh tra (đặc biệt là các công trình xây dựng) của một số địa phương cho Thanh tra Bộ chưa được cập nhật, kịp thời dẫn đến một số cuộc thanh tra, kiểm tra không được tiến hành theo kế hoạch (do các công trình đã hoàn thành).

Ngoài ra, việc theo dõi, đôn đốc thực hiện kiến nghị đã được tập trung thực hiện. Tuy nhiên, việc kiểm tra đối với các đối tượng chưa thực hiện kiến nghị còn chưa được triển khai nhiều; việc chấp hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính của đối tượng còn chưa kịp thời, đầy đủ; công tác thu hồi tiền sai phạm gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong lĩnh vực người có công. Việc thực hiện cưỡng chế đối với các đối tượng chưa thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính gặp nhiều khó khăn dẫn đến tỷ lệ thu hồi, nộp phạt chưa cao.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thanh tra

Để khắc phục những khó khăn nêu trên, theo ông Nguyễn Tiến Tùng, trong các tháng còn lại của năm 2021, Thanh tra Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị có liên quan để thực hiện rà soát thông tin các đơn vị, doanh nghiệp trước khi tiến hành thanh tra, kiểm tra nhằm thực hiện có hiệu quả các cuộc thanh tra kiểm tra theo kế hoạch, tránh chồng chéo. Tổng hợp, rà soát các quy định của pháp luật còn bất cập, vướng mắc liên quan đến công tác thanh tra và các lĩnh vực quản lý nhà nước của Ngành để kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung.

Thanh tra Bộ cũng sẽ tiếp tục tham mưu Bộ yêu cầu các đơn vị quản lý nhà nước của ngành LĐ-TB&XH có những giải pháp nhằm hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp trước diễn biến mới của đại dịch Covid-19; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thanh tra; hỗ trợ, hướng dẫn Thanh tra Sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sử dụng phần mềm phiếu tự kiểm tra, phần mềm báo cáo trực tuyến, phần mềm quản lý các cuộc thanh tra; nghiên cứu, đổi mới phương thức giám sát hoạt động đoàn thanh tra, theo dõi, đôn đốc, xử lý sau thanh tra. Nghiên cứu, xem xét các nội dung, lĩnh vực có nhiều nguy cơ rủi ro, mất an toàn lao động, dư luận quan tâm, bức xúc; những vấn đề cấp thiết cần tăng cường thanh tra, kiểm tra và theo yêu cầu quản lý nhà nước của Bộ, ngành để dự kiến xây dựng kế hoạch thanh tra năm 2022.

Đặc biệt, thực hiện tư tưởng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về việc "biến nguy thành cơ", do không thể tiến hành thanh tra trực tiếp tại doanh nghiệp, Chánh thanh tra Bộ đã chỉ đạo lực lượng thanh tra toàn ngành vừa tập trung tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp do đại dịch, vừa triển khai thực hiện 4 lớp tập huấn nghiệp vụ trực tuyến nhằm trang bị kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ đến 100% cán bộ, công chức thanh tra, cộng tác viên thanh tra, chuẩn bị hành trang thật tốt để thực hiện nhiệm vụ khi đại dịch được đẩy lui.

THÙY HƯƠNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh