THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 02:50

Tổ Công tác đặc biệt của Bộ LĐ-TB&XH đề nghị các tỉnh phía Nam tăng cường phòng, chống dịch Covid - 19 tại các cơ sở xã hội

Sáng ngày 22/9, tại Văn phòng Bộ LĐ-TB&XH phía Nam, Tổ Công tác đặc biệt của Bộ đã tổ chức buổi sơ kết, đánh giá kết quả công tác của Tổ công tác đặc biệt sau 2 tháng (19/7 - 20/9/2021) hoạt động. Buổi sơ kết do Thứ trưởng Lê tấn Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác chủ trì.

Tại buổi sơ kết, ông Phạm Anh Thắng, Trưởng Đại diện văn phòng Bộ, Tổ Phó thường trực Tổ Công tác đặc biệt cho biết, từ ngày thành lập, Tổ công tác đã thường xuyên cập nhật việc hỗ trợ tại các tỉnh thành phía Nam để đưa ra những kiến nghị nhằm gỡ khó cho từng địa phương. Cùng với đó, Tổ liên tục đôn đốc lãnh đạo các Sở LĐ-TB&XH đẩy nhanh việc hỗ trợ người dân gặp khó vì Covid-19.

Tổ Công tác đặc biệt của Bộ LĐ-TB&XH đề nghị các tỉnh phía Nam tăng cường phòng, chống dịch Covid - 19 tại các cơ sở xã hội - Ảnh 1.

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid -19 và công tác an sinh xã hội.

Ngày 19/7, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung ký quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ LĐ-TB&XH tại các tỉnh thành phía Nam nhằm hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp gặp khó vì Covid-19.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Hồi được phân công làm Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt. Ngày 15/9, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH có Quyết định số 1033/QĐ-BLĐTBXH về việc kiện toàn Tổ công tác đặc biệt của Bộ, theo đó Thứ trưởng Lê Tấn Dũng thay Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi để thực hiện nhiệm vụ Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ tại các tỉnh, thành phố phía Nam.

Cụ thể, tại TP.HCM, đến nay công tác an sinh đã cơ bản được đảm bảo; kịp thời giải quyết các nhu cầu về lương thực, thực phẩm và hàng hóa thiết yếu cho người dân, người lao động.

Theo đó, TP đã hỗ trợ được gần 1,8 triệu túi an sinh, mỗi túi 300 ngàn đồng cho người dân trong tổng số 2 triệu túi an sinh; vận động hơn 85.000 chủ nhà trọ miễn, giảm giá thuê cho 670.000 phòng trọ với số tiền 329 tỷ đồng; đã cơ bản triển khai xong gói hỗ trợ từ ngân sách của Thành phố theo Nghị quyết số 09/2021/NQ-HĐND cho các lao động tự do, đến nay đã chi trên 5.418 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, TP.HCM đã cấp phát xong 14.500 tấn gạo để hỗ trợ cho người dân trong đợt đầu, đồng thời đang chuẩn bị tiếp nhận đợt 2 với 56.605 tấn còn lại (trong tổng số 71.105 tấn gạo Chính phủ cấp hỗ trợ).

Tổ Công tác đặc biệt của Bộ LĐ-TB&XH đề nghị các tỉnh phía Nam tăng cường phòng, chống dịch Covid - 19 tại các cơ sở xã hội - Ảnh 3.

Tổ Công tác đặc biệt của Bộ đã tổ chức buổi sơ kết, đánh giá kết quả công tác của Tổ công tác đặc biệt sau 2 tháng (19/7 - 20/9/2021) hoạt động.

Ông Phạm Anh Thắng cũng cho hay, hiện nay TP.HCM đang khẩn trương thực hiện các bước chuẩn bị cho công tác chi hỗ trợ đợt 3 từ sau ngày 20/9, để hỗ trợ cho hơn 7,5 triệu người mất việc, mất thu nhập, hộ nghèo, cận nghèo, người dân gặp khó khăn đang có mặt tại địa phương, mức hỗ trợ 1 triệu đồng/người.

Về Công tác phòng, chống dịch tại các tỉnh, thành phố phía Nam đã và đang đạt được những kết quả khả quan, đến nay có 19 tỉnh ghi nhận số ca mắc giảm so với tuần đầu tháng 9/2021.

"Các tỉnh, TP phía Nam đều coi trọng công tác đảm bảo an sinh xã hội, coi đây là nhiệm vụ then chốt để đảm bảo tổ chức triển khai nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid - 19, do đó việc triển khai thực hiện Nghị quyết 68, Quyết định 23 có nhiều thuận lợi. Đặc biệt, một số tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch, mở rộng đối tượng hỗ trợ đi đôi với việc một mặt chuẩn bị nguồn ngân sách, mặt khác, chú trọng vận động xã hội hóa các nguồn lực thông qua Mặt trận Tổ quốc các cấp để đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ người dân, số đối tượng được nhận hỗ trợ ngày càng được phủ rộng hơn.", ông Thắng nhận định.

Tổ Công tác đặc biệt của Bộ LĐ-TB&XH đề nghị các tỉnh phía Nam tăng cường phòng, chống dịch Covid - 19 tại các cơ sở xã hội - Ảnh 4.

Tổ Công tác đặc biệt của Bộ đến từng hộ dân khó khăn để trao "túi an sinh" của Bộ giúp người dân vượt qua khó khăn.

Đến ngày 18/9, các tỉnh phía Nam đã nhận được 58.880/136.349,61 tấn gạo (43,18% số gạo được Thủ tướng Chính phủ quyết định). Tổng kinh phí chi chính sách của các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đạt trên 9.876,4 tỷ đồng; chính sách bảo hiểm xã hội trên 2.791,2 tỷ đồng; chính sách tiền mặt trên 7.049,5 tỷ đồng; chính sách vay vốn trên 35,7 tỷ đồng.

Để sớm đầy lùi dịch bệnh Covid-19 trở lại trạng thái bình thường mới, Tổ Công tác đặc biệt của Bộ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm có chỉ đạo để sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 68, Quyết định 23 nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp.

Chỉ đạo các địa phương có giải pháp tăng cường tiêm vaccine cho công nhân lao động làm việc tại các Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp, ... để đảm bảo điều kiện làm việc trong tình hình mới.

Tổ Công tác đặc biệt của Bộ LĐ-TB&XH đề nghị các tỉnh phía Nam tăng cường phòng, chống dịch Covid - 19 tại các cơ sở xã hội - Ảnh 5.

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid -19 và công tác an sinh xã hội.

Đặc biệt, Tổ Công tác đề nghị các tỉnh, thành phía Nam cần chủ động phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức từ thiện nghiên cứu, đề xuất các chính sách hỗ trợ đặc thù, phù hợp với điều kiện của địa phương, để có thêm nguồn hỗ trợ cho người dân có hoàn cảnh khó khăn và công nhân lao động nhằm đảm bảo cho người dân duy trì cuộc sống.

"Các đại phương cần tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid - 19 tại các cơ sở xã hội, đảm bảo đúng quy định của Bộ Y tế và các hướng dẫn của Bộ", Tổ Công tác nhấn mạnh.

Tổ Công tác đặc biệt của Bộ LĐ-TB&XH đề nghị các tỉnh phía Nam tăng cường phòng, chống dịch Covid - 19 tại các cơ sở xã hội - Ảnh 6.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM Tô Thị Bích Châu thăm hỏi và trao “túi an sinh xã hội” cho người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn TP.

Kết luận cuộc họp, đánh giá cao sự tích cực, triển khai nhiệm vụ của các thành viên Tổ công tác, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cho biết: sau 2 tháng trực tiếp đôn đốc việc tổ chức, triển khai thực hiện Nghị quyết 68, Quyết định 23, cùng với sự nỗ lực của các cấp chính quyền, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, công tác an sinh xã hội cho người dân tại các tỉnh, TP phía Nam thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 cơ bản được đảm bảo, việc hỗ trợ được người dân, người lao động, người sử dụng lao động một cách kịp thời đã góp phần quan trọng trong công tác phòng, chống dịch Covid - 19 thời gian qua.

"Tuy nhiên, trong thời gian tới, Tổ công tác cần bám sát hơn nữa mục tiêu, nhiệm vụ được giao, nhất là thực hiện một cách đồng bộ các Kế hoạch công tác theo Quyết định của Bộ trưởng để các mặt công tác của Tổ đạt hiệu quả cao hơn, trong đó chú trọng việc theo dõi về tình hình đời sống công nhân, người lao động mất việc làm, khảo sát đánh giá về nhu cầu việc làm, tuyển dụng lao động của doanh nghiệp để kịp thời tham mưu với Bộ ban hành các chính sách phù hợp đối với lĩnh vực này khi các doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh trong điều kiện bình thường mới". Thứ trưởng Lê Tấn Dũng nhấn mạnh.

Qua tổng hợp báo cáo của các tỉnh, TP khu vực phía Nam tính đến 19/9, có 15 cơ sở xã hội trên địa bàn 19 tỉnh, TP phía Nam có lây nhiễm Sars CoV-2, số mắc lũy kế: 1.995 người (trong đó cán bộ, viên chức, người lao động: 148 người; đối tượng: 1.847 người); số tử vong lũy kế: 11 người; số mắc hiện tại: 560 người (trong đó cán bộ, viên chức, người lao động: 08 người; đối tượng: 552 người).


Đến nay, Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng TP.HCM (Bệnh viện 1A) đã phối hợp tiêm vaccine mũi 1 cho 3.516/3.661 người; mũi 2: 2.011/3.516 người là cán bộ, viên chức, người lao động thuộc các cơ sở xã hội; tiêm cho đối tượng cai nghiện ma túy mũi 1: 6.137/7.121 người. Đối tượng Bảo trợ xã hội đã tiêm mũi 1: 4.546/6.534 người.


Đến ngày 19/9, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM đã tiếp nhận 1.037 người "lang thang, cơ nhỡ" và tiếp nhận 252 đối tượng nghiện ma túy vào các cơ sở xã hội.

XUÂN TRƯỜNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh