THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:31

Đắk Lắk: Thực hiện hiệu quả các chính sách giảm nghèo bền vững

Đường giao thông nông thôn tại huyện CưMgar

Được sự quan tâm của các cấp chính quyền, các ngành trung ương, địa phương, đồng bào các dân tộc anh em sống trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã cùng nhau thực hiện chính sách về giảm nghèo bền vững trong thời gian qua đem lại hiệu quả cho bà con nơi đây. Chính sách giảm nghèo chung theo Nghị quyết 80/NQ-CP giai đoạn từ 2011-2018 đã giải quyết cho vay 57.681 hộ nghèo và các đối tượng chính sách, với doanh số cho vay hơn 1.472 tỷ đồng, tổng dư nợ đạt gần 4.369 tỷ đồng, số khách hàng dư nợ là 203.009 hộ,  nợ quá hạn chỉ chiếm 0,12%.

Đi đôi với cho vay vốn sản xuất, tỉnh cũng đã đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ khuyến nông, lâm và phát triển thủy sản cho bà con nông dân như: Tập huấn hướng dẫn cách làm ăn cho 440 người nghèo với kinh phí 20 triệu đồng, 104 hộ nghèo được tham gia mô hình trình diễn, kinh phí gần 113 triệu đồng, tổ chức hội thảo đầu bờ cho 20 hộ nghèo, thả 52.500 cá các loại bổ sung nguồn lợi thủy sản thuộc các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao duy trì được sinh kế ổn định, góp phần xóa đói giảm nghèo với kinh phí hơn 117 triệu đồng; hỗ trợ khôi phục sinh kế cho 585 hộ nghèo với kinh phí gần 155 triệu đồng, quy mô 11.700 con gà giống.

Mô hình nuôi gà giảm nghèo của người dân

Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn cũng được triển khai tích cực, xem đây là một trong những giải pháp tạo việc làm, tăng thu nhập thêm, để giảm nghèo bền vững. Trong năm qua toàn tỉnh đã hỗ trợ cho 59 lớp học nghề, với kinh phí thực hiện là gần 12,4 tỷ đồng, cho gần 3.600 người (trong đó có 973 người nghèo, và 2.756 người dân tộc thiểu số). Về y tế đã hỗ trợ cấp gần 986.000 thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, cận nghèo và các đối tượng được ngân sách hỗ trợ, với số tiền là hơn 684 tỷ đồng. Số người nghèo, cận nghèo và các đối tượng được khám chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế hơn 953.000 lượt người, với số tiền gần 430 tỷ đồng. Đối với công tác giáo dục, toàn tỉnh đã quan tâm thực hiện chính sách hỗ trợ học phí, chi phí học tập, hỗ trợ gạo, hỗ trợ tiền ăn, tiền nhà ở cho hơn 83.400 lượt học sinh, sinh viên với kinh phí thực hiện hơn 65,3 tỷ đồng.

Đặc biệt là chính sách hỗ trợ về nhà ở, được xem là chính sách trọng tâm của tiêu chí thoát nghèo, giúp hộ nghèo “an cư lạc nghiệp” để thoát nghèo bền vững. Thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg của Chính phủ, trong năm 2018 toàn tỉnh đã xây dựng 2.493/2.605 căn (đạt 95,7% kế hoạch), lũy kế 3 năm đã xây dựng 5.406/5.731 căn (đạt 94,33% kế hoạch), kinh phí thực hiện gần 118 tỷ đồng. Trong đó vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội là gần 59 tỷ đồng, ngân sách tỉnh gần 6,7 tỷ đồng, ngân sách cấp huyện hơn 2,2 tỷ đồng, vốn từ Quỹ “Ngày vì người nghèo” gần là 3,6 tỷ đồng, vốn huy động hơn 47 tỷ đồng.

Đối với chính sách trợ giúp pháp lý, đã được ngành Tư pháp cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí 135/609 vụ việc cho 135 lượt người nghèo bằng các hình thức tư vấn, tham gia tố tụng và đại diện ngoài tố tụng, thực hiện 44 đợt trợ giúp pháp lý lưu động tại 30 xã, thị trấn trong đó tập trung tại các xã, thôn buôn đặc biệt khó khăn, xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, xã biên giới trên địa bàn tỉnh, với 2.034 người tham dự, tư vấn trực tiếp 21/78 vụ việc cho 21 lượt người nghèo. Tổng kinh phí thực hiện 932 triệu đồng.

Các ngành, các cấp trong tỉnh theo chức năng nhiệm vụ của mình cũng đã tích cực tham gia thực hiện tốt công tác giảm nghèo bằng nhiều phương thức như huy động quỹ hỗ trợ người nghèo sản xuất, xây dựng nhà ở, giúp hộ nghèo vươn lên thoát nghèo.  Như UBMTTQVN tỉnh đã tổ chức huy động Quỹ “Ngày vì người nghèo” toàn tỉnh trong năm 2018 đạt hơn 16,3 tỷ đồng, đã hỗ trợ cho người thuộc hộ nghèo, cận nghèo và các hộ gia đình khó khăn với các hoạt động như: Xây 260 căn nhà đại đoàn kết trị giá gần 7,8 tỷ đồng, sửa chữa 24 căn nhà với trị giá 251 triệu đồng, mua bò giống sinh sản, hỗ trợ phát triển sản xuất cho 89 hộ với trị giá gần 1,4 tỷ đồng, khám chữa bệnh với số tiền 328 triệu đồng, hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó với số tiền 165 triệu đồng, xây 328 công trình vệ sinh trị giá 328 triệu đồng.

Hội Nông dân tỉnh đã vận động các chi Hội và hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi hỗ trợ cho 2.669 hộ nghèo với số tiền gần 7,5 tỷ đồng, 1.669 con giống các loại, 39.550 cây giống, 303 tấn phân bón và 2.970 ngày công; hướng dẫn cách sản xuất và phổ biến kinh nghiệm, khoa học kỹ thuật cho 8.623 lượt hộ nghèo, phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay hơn 318 tỷ đồng cho 15.909 hộ nghèo vay vốn, tổ chức thăm hỏi, tặng 227 suất quà trị giá 41,5 triệu đồng cho hộ nghèo.

Hội Liên hiệp phụ nữ đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ cho phụ nữ nghèo, phụ nữ dân tộc thiểu số, với các hoạt động như: vận động các tổ chức, cá nhân cho 887 hộ vay khởi nghiệp với kinh phí gần 14,7 tỷ đồng, xây mới và sửa chữa nhà cho 23 hộ với kinh phí 853 triệu đồng; xây dựng 1.484 công trình vệ sinh trị giá hơn 6,7 tỷ đồng.

Đoàn thanh niên đã tổ chức các phong trào, hoạt động hỗ trợ về lĩnh vực giảm nghèo, tiêu biểu như: Xây dựng mới 46 căn nhà tình nghĩa cho cựu thanh niên xung phong có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở với tổng kinh phí xây dựng trên 2,9 tỷ đồng; trao 33.248 suất quà, 2.427 suất học bổng, 344 xe đạp, tổ chức 40 đợt khám bệnh, tư vấn sức khỏe và cấp phát thuốc miễn phí cho 15.218 người dân với tổng kinh phí 3 tỷ đồng.

Nhờ tích cực triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, chính sách giảm nghèo nêu trên mà kết quả thực hiện chương trình giảm nghèo của tỉnh trong năm  2018 đạt được nhiều kết quả. Toàn tỉnh có 58/152 xã (chiếm 38,15%) đạt tiêu chí nông thôn mới về tỷ lệ hộ nghèo (≤ 7%), tăng 13 xã so với năm 2017; có 7 huyện, thị xã, thành phố có tỷ lệ hộ nghèo dưới 10% (Buôn Ma Thuột 0,86%, Buôn Hồ 3,76%, Cư Kuin 5,26%, Cư M’gar 5,18%, Ea H’leo 8,8%, Krông Năng 9,88%, Krông Pắc 8,54%. Hộ nghèo cuối năm 2018 gồm có hộ nghèo về thu nhập 50.868 hộ, chiếm 88,96%, hộ nghèo thiếu hụt các dịch vụ cơ bản 6.312 hộ, chiếm 11,04%. Số hộ cận nghèo cuối năm 2018 là 43.376 hộ, chiếm 9,72%, giảm 0,08% so với năm 2017.

Cơ sở hạ tầng các xã, thôn, buôn đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 đến cuối năm 2018 đã được 84,78% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa đảm bảo tiêu chuẩn và cấp kỹ thuật, 68,4% số thôn, buôn đã có trục đường giao thông được đảm bảo tiêu chuẩn và cấp kỹ thuật của Bộ Giao thông vận tải. 97,83% số xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế, 100% trạm y tế xã có đủ điều kiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, 97,83% xã có mạng lưới trường mầm non, phổ thông, trung tâm học tập cộng đồng đủ để đáp ứng nhu cầu học tập và phổ biến kiến thức cho người dân, 23,91% số xã có cơ sở vật chất trường học đạt chuẩn nông thôn mới, 82,93% hộ gia đình được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

Các công trình thủy lợi nhỏ đáp ứng 71,82% nhu cầu tưới tiêu cho diện tích cây trồng hằng năm. 100% cán bộ làm công tác giảm nghèo cấp xã, cán bộ tại thôn, buôn đặc biệt khó khăn đã được tập huấn kiến thức, kỹ năng cơ bản về quản lý, tổ chức thực hiện các chính sách, dự án giảm nghèo, lập kế hoạch có sự tham gia, xây dựng kế hoạch phát triển cộng đồng. Năm 2018 công tác chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo vùng biên đã được UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh, các Sở ban ngành, UBND cấp huyện, cấp xã triển khai quyết liệt, các dự án thuộc Chương trình được triển khai đầy đủ, kịp thời, đã góp phần thực hiện đạt các chỉ tiêu giảm nghèo đề ra trong năm.

 Nuôi dê phát triển kinh tế

Bên cạnh các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo vùng biên, các chương trình khác đã được lồng ghép, hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển sản xuất, tiếp cận các dịch vụ xã hội như, nguồn vốn cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, các chính sách dạy nghề, khuyến nông, hỗ trợ về y tế, giáo dục, nhà ở, trợ giúp pháp lý, góp phần tạo việc làm, giảm nghèo và từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của hộ nghèo, hộ cận nghèo. Tuy nhiên chất lượng giảm nghèo chưa thật sự bền vững, nguy cơ phát sinh và tái nghèo cao do những rủi ro bất khả kháng như thiên tai, dịch bệnh, biến động giá cả, tác động tiêu cực của nền kinh tế thị trường và những yếu tố khách quan khác, cũng làm ảnh hưởng đến chỉ tiêu đề ra, đặc biệt là trong đồng bào dân tộc thiểu số còn cao, chủ yếu tập trung ở các xã, thôn, buôn đồng bào khó khăn.

Phát huy kết quả đạt được, năm 2019 tỉnh Đắk Lắk đề ra chỉ tiêu phấn đấu giảm tỷ lệ hộ  từ 3,46% trở lên, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm 4,3%, tỷ lệ hộ nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn giảm 4,3%.

LÊ NHUẬN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh