CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 11:58

Hà Tĩnh: Tập trung mọi nguồn lực, phấn đấu giảm nghèo nhanh, bền vững

 

“Cú hích” từ các chính sách giảm nghèo

Sau những năm triển khai thực hiện, chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo được sự đồng thuận và tham gia tích cực của các cấp, các ngành, các địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh nên nhiều chỉ tiêu giảm nghèo đạt khá so với mục tiêu kế hoạch. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2,54%/năm, vượt mục tiêu kế hoạch, thuộc nhóm tỉnh có tốc độ giảm nghèo nhanh nhất cả nước.

 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thăm hộ nghèo ở huyện Kỳ Anh – Hà Tĩnh trong đợt mưa lũ 2017

 

Mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, mỗi năm Hà Tĩnh giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 2,5%-3%, giảm tỷ lệ hộ cận nghèo 1,5%-2% (riêng các huyện nghèo, xã nghèo giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm từ 3%-4%); từ năm 2018-2020, bình quân mỗi năm giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1% -1,5%, tỷ lệ hộ cận nghèo 1%-1,5% (riêng các huyện nghèo, xã nghèo giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm từ 2,5-3%) theo chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2016-2020; Không còn xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 15%; tăng số xã có tỷ lệ hộ nghèo đạt tiêu chí nông thôn mới bằng 90% số xã; 70% xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và xã miền núi, biên giới thoát khỏi tình trạng xã đặc biệt khó khăn, 100% số huyện thoát khỏi tình trạng huyện nghèo...

Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững được Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh xác định là một trong năm chương trình trọng tâm của nhiệm kỳ 2015-2020.  Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, các huyện ủy, thành ủy, thị ủy, các sở, ban, ngành cấp tỉnh căn cứ nhiệm vụ được giao đề ra những giải pháp về giảm nghèo để xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện. Để thực hiện mục tiêu phát triển sản xuất, hỗ trợ sinh kế, nâng cao thu nhập cho người nghèo, các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến các địa phương đã ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích, kích cầu cho hộ nghèo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học - kỹ thuật; đồng thời tranh thủ vận dụng các nguồn vốn từ các chương trình, dự án để hộ nghèo có thêm điều kiện sản xuất. 

Riêng chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trong những năm qua đã có trên hàng nghìn lượt hộ nghèo được tạo điều kiện phát triển sản xuất, đồng thời hỗ trợ thực hiện được hàng trăm mô hình phát triển sản xuất và mô hình giảm nghèo do cấp xã làm chủ đầu tư tại các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Nhìn chung, hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất và nhân rộng mô hình giảm nghèo thực hiện ngày càng có hiệu quả hơn; các mô hình được xây dựng trên cơ sở đề xuất của người dân, thống nhất của chính quyền cấp xã và phê duyệt của cấp huyện; có cơ chế thu hồi một phần vốn hoặc hiện vật để luân chuyển cho nhiều hộ được tham gia. Các hộ tham gia đều được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức phát triển sản xuất, kinh doanh, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, đồng thời phải góp một phần kinh phí đối ứng và có cam kết phấn đấu thoát nghèo khi kết thúc chu kỳ hỗ trợ, nên đã nâng cao được ý thức, trách nhiệm của hộ nghèo. 

Tập trung mọi nguồn lực, phấn đấu giảm nghèo nhanh, bền vững

Triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo trong điều kiện nhiều khó khăn, song với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, nỗ lực của các địa phương, tập trung mọi nguồn lực, phấn đấu giảm nghèo nhanh, bền vững. Kết quả giảm nghèo đạt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết 35 HĐND tỉnh Hà Tĩnh và kế hoạch 26 của UBND tỉnh. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 11,4% (đầu năm 2016) xuống 6,92% (năm 2018), hộ cận nghèo giảm từ 8,4% xuống 6,57%. Nhờ thực hiện tốt chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo bền vững, đến cuối 2018, Hà Tĩnh có 1 huyện NTM, 13/29 xã đặc biệt khó khăn bãi ngang ven biển, 5 xã biên giới đặc biệt khó khăn đạt NTM. Hà Tĩnh hiện không còn huyện nghèo, còn 3/8 xã biên giới, 13 thôn đặc biệt khó khăn được hưởng chương trình 135. So với kết quả tổng hợp chưa công bố của toàn quốc, tỷ lệ hộ nghèo Hà Tĩnh dự kiến đứng thứ 29/63 tỉnh, thành. Tổng kinh phí huy động thực hiện giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2018 là 5.515 tỷ đồng (ngân sách Trung ương trên 1.485 tỷ đồng, ngân sách địa phương 217,8 tỷ đồng, nguồn huy động khác trên 122,8 tỷ đồng, vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội trên 3.687 tỷ đồng).  Những năm qua, kinh tế Hà Tĩnh tăng trưởng khá, góp phần quan trọng trong giảm nghèo bền vững. Tuy vậy, tỷ lệ hộ nghèo của Hà Tĩnh còn ở mức cao so bình quân chung cả nước. Các chính sách giảm nghèo chung như: Hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ giáo dục, y tế… và các chương trình, dự án đặc thù được triển khai hiệu quả.

Mặc dù đạt được nhiều kết quả, song chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh vẫn đối mặt với nhiều thách thức lớn khi mà tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh vẫn đang còn ở mức cao. Vì vậy rất cần sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự chung tay góp sức của toàn xã hội và sự nỗ lực vượt bậc của chính người nghèo mới có thể hoàn thành được chương trình đề án giảm nghèo nhanh và bền vững, phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm xuống mức thấp nhất. Giai đoạn 2019 – 2020, Hà Tĩnh phấn đấu duy trì, hoàn thành kết quả 9 chỉ tiêu giảm nghèo, đảm bảo 100% hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản; giải quyết cơ bản về hạ tầng KT-XH ở xã đặc biệt khó khăn bãi ngang ven biển, thôn đặc biệt khó khăn theo tiêu chí NTM. Tổng kinh phí thực hiện giảm nghèo giai đoạn 2019 – 2020 là 651,173 tỷ đồng.

Đẩy mạnh phong trào “Hà Tĩnh chung tay vì người nghèo, không để ai bỏ lại phía sau”

Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo giữa các địa phương ở Hà Tĩnh còn chênh lệch quá lớn. Cần rà soát, đánh giá chính xác hộ nghèo, điều chỉnh lại chỉ tiêu giảm nghèo, huy động mọi nguồn lực để giảm nghèo bền vững gắn với công tác kiểm tra, trách nhiệm người đứng đầu. Tại cuộc họp rà soát, bàn giải pháp triển khai thực hiện Đề án giảm nghèo bền vững giai đoạn 2019 - 2020 vào đầu năm 2019, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh: “Giai đoạn 2016 – 2018, cả hệ thống chính trị có nhiều nỗ lực trong triển khai Đề án giảm nghèo bền vững gắn với chương trình phát triển KT-XH, xây dựng NTM, đời sống người dân không ngừng được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm khá sâu. Tuy vậy, tỷ lệ hộ nghèo còn cao so với mặt bằng chung cả nước, chưa duy trì bền vững trong giảm nghèo. Các ngành, địa phương cần xem việc nâng cao đời sống người dân, xây dựng NTM gắn giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ hàng đầu trong thực hiện nhiệm vụ chính trị 2019”.

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đề nghị các ngành, địa phương cần xem việc nâng cao đời sống người dân, xây dựng NTM gắn giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ hàng đầu trong thực hiện nhiệm vụ chính trị 2019. Mục tiêu là huy động mọi nguồn lực, phấn đấu giảm nghèo sâu và bền vững. Yêu cầu các địa phương rà soát lại chính xác hộ nghèo và các chính sách hỗ trợ, tổng hợp, báo cáo Sở LĐTB&XH. Đặc biệt, trong rà soát phải phân loại đối tượng hộ nghèo gắn các giải pháp giảm nghèo bền vững. Các địa phương, sở, ngành cũng cần xác định nhu cầu hỗ trợ, tổ chức để hộ nghèo đăng ký phấn đấu thoát nghèo, từ đó có giải pháp hỗ trợ sinh kế, vay vốn tín dụng ưu đãi, đào tạo nghề, tạo việc làm, xuất khẩu lao động. Để đạt được mục tiêu, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc quyết liệt, tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Hà Tĩnh chung tay vì người nghèo, không để ai bỏ lại phía sau”, gắn hoạt động giảm nghèo với phong trào toàn dân xây dựng nông thôn mới...

Được biết, tổng kinh phí huy động thực hiện giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2018 là trên 6.870 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương là 1.485 tỷ đồng, ngân sách địa phương 218 tỷ đồng, nguồn vốn huy động khác 623 tỷ đồng và vốn vay NHCSXH là trên 4.547 tỷ đồng. Từ nguồn lực này, đời sống người dân không ngừng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh. Đặc biệt, tín dụng chính sách không chỉ thúc đẩy kinh tế - xã hội ở địa phương phát triển, hạn chế cho vay nặng lãi mà còn góp phần thúc đẩy nhanh phong trào xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, trật tự an ninh chính trị trên địa bàn Hà Tĩnh.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, trong đó đáng kể đến các ngành nông nghiệp, lao động, NHCSXH đã tập trung nguồn lực triển khai Đề án giảm nghèo nhanh, bền vững, phấn đấu đưa tỷ lệ hộ nghèo từ vị trí cuối bảng lên đứng thứ 29/63 tỉnh, thành của cả nước, cụ thể giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 29,7% (đầu năm 2010) xuống 6,92% (năm 2018), hộ cận nghèo từ 24,4% xuống 6,57%. Trong những năm qua, chương trình xóa đói, giảm nghèo nhanh và bền vững được sự đồng thuận và tham gia tích cực của các cấp, các ngành, các địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp, đồng thời phát huy được vai trò tích cực, sáng tạo của địa phương, của chính bản thân người nghèo, khơi dậy được mối quan hệ, tình đoàn kết, thương yêu nhau trong cộng đồng dân cư trong việc giúp nhau sản xuất... cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người nghèo. Trước những kết quả, thành tựu đã đạt được là tiền đề quan trọng để thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng nghèo, vùng khó phát triển, giảm nghèo nhanh và bền vững.

THU HƯƠNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh