THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:03

Đắk Lắk: Những gương điển hình tiên tiến và mô hình giảm nghèo

Cây bơ trĩu quả trồng xen canh 


Được hỗ trợ tiền mua bò giống làm vốn để nhiều hộ nghèo ở buôn H’Drát xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột) đã vươn lên thoát nghèo và tiếp tục xây dựng kinh tế gia đình, cải thiện chất lượng cuộc sống như bà H’Lam Niê (SN 1968) từng là hộ nghèo nhất buôn H’Drát với cảnh một nách hai con sống lay lắt trong căn nhà tạm dột nát. Nhưng giờ đây nhờ có chính sách hỗ trợ vốn, cuộc sống của bà đã hoàn toàn “lột xác” khi dứt bỏ được cái khó khăn đói nghèo đeo bám nhiều năm qua.

Trong căn nhà nhỏ, bà H’Lam tâm sự, trước đây gia cảnh rất khó khăn. Nhà ở không có, đất sản xuất chỉ có 2 sào làm không đủ ăn nên gia đình thuộc diện nghèo nhất buôn. Ngoài căn nhà nhỏ  ấm cúng đủ cho 3 mẹ con bà trú nắng tránh mưa, Nhà nước còn tặng một con bò giống làm kế sinh nhai. Được trao bò, bà H’Lam có động lực lao động. Ngoài chăn bò, bà H’Lam còn đi làm thuê đủ nghề kiếm tiền lo cho gia đình. Thời gian trôi qua, từ một con bò giống, đến nay bà H’Lam đã nhân đàn lên tới hàng chục con.

Lúc này bà thấy mô hình nuôi dê cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao, bà H’Lam quyết định bán 2 con bò mua 4 con dê về làm giống, thời gian nuôi dê không phải đi chăn thả nhiều nên bà H’Lam tranh thủ thời gian vào nương rẫy cắt cỏ, bẻ cành keo về làm thức ăn cho dê ăn. Mỗi năm đàn dê lại tiếp tục sinh sôi, nhân đàn, kết hợp tiền bán bò, dê, bà H’Lam đã tu sửa và mở rộng căn nhà củ cho rộng rải thoáng mát hơn. Không chỉ thoát được nghèo mà bà còn tích góp mua thêm được đất canh tác, nâng cao chất lượng cuộc sống cho gia đình.

Cũng từng là hộ nghèo nhiều năm liền, nay gia đình chị H’Ye Ênuôl (SN 1972) đã có cuộc sống no đủ hơn với căn nhà xây kiên cố. Chị chia sẻ, nhà đông con, đất đai ít, hai vợ chồng làm quần quật suốt ngày song cái nghèo vẫn đeo bám. Nhận tiền hỗ trợ, chị H’Ye mua được một cặp bò mẹ con. Hằng ngày chị H’Ye gùi cơm nước đưa bò đi chăn tới chiều tối mới về, bất kể nắng mưa, chị quyết không để bò đói. Nhờ bản tính cần cù, siêng năng, chị H’Ye chu toàn được công việc nương rẫy và thời gian chăm sóc đàn bò. Từ một cặp bò, nay gia đình chị đã nhân đàn lên 6 con. “Ngày trước, nguồn sống chỉ dựa vào ít sào cà phê và tiền đi làm thuê, nay có thêm đàn bò nên cuộc sống đỡ vất vả hơn. Tôi lấy tiền dành dụm, bán thêm hai con bò để xây nhà. Cuối năm tôi định bán 2 con bò nữa là trả hết tiền nợ làm nhà. Nhờ đàn bò mà gia đình tôi đã ra khỏi danh sách hộ nghèo được 3 năm nay, tôi rất vui và sướng lắm” chị H’Ye tâm sự.

 Mô hình trồng sầu riêng xen canh


Ông Phạm Văn Nghị tâm sự: “đã qua hơn 20 năm nhưng trong tâm trí tôi vẫn còn nguyễn vẹn nỗi ám ảnh của những ngày tháng cơ hàn khi mới đặt chân lên vùng đất đỏ Bazan này. Ốm đau, bệnh tật, dịch sốt rét hoành hành, kinh tế gia đình vô cùng khó khăn, nhiều lúc tưởng chừng không bám trụ nỗi. Nhưng với ý chí, nghị lực của người lính Cụ Hồ, tôi cùng gia đình vượt qua khó khăn. Và đất cũng không lòng phụ người, kinh tế gia đình dần ổn định, không phải lo thiếu cái ăn, cái mặc nữa, có điều kiện lo cho 3 người con ăn học đến nơi đến chốn, các cháu giờ đã trưởng thành, đều lập gia đình, có công ăn việc làm ổn định, kinh tế cũng vững vàng…”.

 

 Ông Vũ Đăng Hòa với mô hình nuôi cá


Hiện nay, gia đình ông Phạm Văn Nghị có hơn 3ha đất trồng cà phê, xen canh cây bơ, tiêu và sầu riêng, hàng năm cho thu nhập hơn 1 tỷ đồng. Không dừng lại ở sản xuất nông nghiệp, năm 2017 ông Phạm Văn Nghị mạnh dạn đầu tư dây chuyền mày móc, hệ thống nhà sấy để chế biến cà phê sạch theo tiêu chuẩn Vietgap, vốn đầu tư ban đầu gần 500 triệu đồng, bước đầu công suất chế biến khoảng 50 tấn quả tươi/năm. Ông dự kiến, năm tới sẽ mở rộng diện tích nhà sấy, thu mua, sản xuất chế biến cà phê sạch để bán ra thị trường thế giới.

 Đàn bò giúp gia đình bà H’ Lam thoát nghèo


Không đảm nhận vai trò quan trọng ở địa phương nhưng CCB Vũ Đăng Hòa (60 tuổi) thôn 1, xã Ea Kly huyện Krông Pắk tỉnh Đắk Lắk, lại được biết đến là một người chịu thương chịu khó, tích cực trong việc phát triển kinh tế. Với tính cần cù, từ hai bàn tay trắng ông đã gom góp tiền mua được gần 6ha mặt nước hồ, trên đó ông thả nuôi các loại cá như: trắm, mè, chép, trôi... Cùng với đó, ông trồng cỏ ven hồ và trồng hơn 3 sào ngô để lấy thức ăn cho cá, vừa tiết kiệm chi phí lại vừa mang lại hiệu quả. Mỗi năm, ao của ông xuất ra thị trường 2 lứa cá với khoảng 11 tấn cá các loại, mang đến cho ông thu nhập hơn 300 triệu đồng. Dọc bờ ao, ông trồng thêm 1200 cây bạch đàn phủ bóng mát, cứ 5 năm lại cho thu hoạch một lần với thu nhập mỗi đợt là 100 triệu đồng. Lợi dụng diên tích đất đồi ven hồ, ông trồng thêm nhiều loại cây ăn trái như: vải, nhãn, bưởi da xanh, mít thái…, hiện tại các cây đang phát triển rất tốt và chuẩn bị cho thu hoạch

 Chị H’Ye áo xanh bên căn nhà xây nhờ nuôi bò thoát nghèo


Ông Hòa tâm sự, cuộc sống hiện tại tuy có phần vất vả nhưng đó lại là niềm vui của người lính khi trở về quê hương, được hòa mình vào thiên nhiên, cây cỏ. Ngày ngày, ông cùng vợ tần tảo sớm hôm ngoài ao cá và vườn cây, ông dựng thêm một chòi canh cá cạnh ao để trông coi. Đối với ông, niềm vui tuổi về già là được sống cùng vợ con, ngày đêm nỗ lực lao động và tự tay kiếm được những đồng tiền chân chính, nuôi bản thân và gia đình.

 

Bà H’ Mít Hmok, trưởng buôn H’Drát cho biết, trong buôn có 143 hộ trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 124 hộ với 524 khẩu. Người dân chủ yếu sống bằng nghề nông nên cuộc sống còn nhiều khó khăn. Nhờ chính quyền quan tâm đầu tư các cơ sở hạ tầng, nhất là nguồn lực hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo như xây tặng nhà ở, hỗ trợ cây giống, tặng bò ... giúp người dân phát triển kinh tế, từ đó vươn lên thoát nghèo. Từ 17 hộ nghèo, nay trong buôn chỉ còn 5 hộ. Các hộ đã thoát nghèo cuộc sống cơ bản ổn định như gia đình bà H’Lam hay H’Ye Ênuôl và nhiều gia đình khác nữa.

 

LÊ NHUẬN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh