Đắk Lắk: Nghị định 20 tác động tích cực vào hoạt động chăm sóc, hỗ trợ đối tượng BTXH
- Dược liệu
- 20:00 - 08/12/2021
Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH, toàn tỉnh Đắk Lắk có hơn 51.417 đối tượng được hưởng chính sách trợ giúp xã hội, bao gồm các đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, và hưởng hỗ trợ kinh phí chăm sóc, nhận nuôi dưỡng chăm sóc tại cộng đồng.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, tỉnh Đắk Lắk đã chi trả cho 289.904 lượt đối tượng BTXH, với tổng số tiền hơn 118,038 tỷ đồng. Cụ thể, đối với công tác trợ giúp xã hội đột xuất, Đắk Lắk đã hỗ trợ 70 hộ gia đình có người chết, bị thương nặng, nhà bị sập, đổ, trôi cháy và hư hỏng nặng, tổng kinh phí thực hiện 524,6 triệu đồng. Trong đó, hỗ trợ chi phí mai táng 51 hộ gia đình có người chết, kinh phí 278,1 triệu đồng; 06 người bị thương nặng, kinh phí 14,5 triệu đồng; hỗ trợ làm 10 nhà ở bị đổ, sập, trôi, cháy, kinh phí 195 triệu đồng; hỗ trợ sửa chữa 03 nhà ở bị hỏng nặng, kinh phí 37 triệu đồng.
Đặc biệt, ngày 15/7/2021, UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành Công văn số 6411/UBND-KGVX về việc thực hiện Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, Thông tư số 02/2021/TT-BLĐTBXH ngày 24/6/2021 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về hướng dẫn triển khai thực hiện Nghị định số 20/2021/NĐ-CP.
UBND tỉnh giao Sở LĐ-TB&XH hướng dẫn, tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh; tổng hợp báo cáo UBND tỉnh theo quy định. Phối hợp, chỉ đạo các đơn vị thực hiện chi trả đảm bảo đầy đủ cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, xây dựng phương án chi trả cụ thể để thực hiện chi trả trợ cấp kịp thời, công khai, an toàn, đúng quy trình. Chỉ đạo người đứng đầu cơ sở trợ giúp xã hội do cấp tỉnh thành lập tổng hợp, báo cáo cơ quan có thẩm quyền bảo đảm kinh phí và tổ chức thực hiện chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng theo mức quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP từ ngày 01/7/2021. Sở Tài chính và UBND các huyện, thị xã, thành phố đảm bảo kinh phí để thực hiện chính sách trợ giúp xã hội theo quy định tại Chương VI, Nghị định số 20/2021/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thực hiện.
Theo đó, UBND tỉnh giao UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện mức chuẩn trợ giúp xã hội áp dụng từ ngày 01/7/2021 là 360.000 đồng/tháng, tùy theo nhóm đối tượng cụ thể được áp dụng các mức khác nhau theo hệ số từ 1 đến 4. Các chế độ hỗ trợ mai táng, sửa chữa nhà ở bị sập, trôi, cháy do thiên tai, hỏa hoạn cũng được điều chỉnh tăng phù hợp.
Bên cạnh đó, Nghị định 20 cũng mở rộng bao phủ đến các đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương khác như nhóm người cao tuổi, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) khó khăn, hộ đơn thân cận nghèo, trẻ em người DTTS khó khăn… Nghị định 20 là sự quan tâm lớn đối với vấn đề an sinh xã hội, từng bước cải thiện điều kiện sống cho bộ phận người yếu thế và được kỳ vọng sẽ tiếp thêm niềm tin, qua đó, tạo động lực để họ vươn lên, cải thiện cuộc sống.
Theo ông Nguyễn Hồng Minh, Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Cư M’gar, Nghị định 20 đã tác động tích cực vào hoạt động chăm sóc, hỗ trợ người khó khăn trên địa bàn. Mức chuẩn trợ cấp mới này sẽ chia sẻ khó khăn, giúp cải thiện cuộc sống cho nhiều đối tượng BTXH trên địa bàn, nhất là trong bối cảnh bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19.
Đơn cử như việc hỗ trợ mai táng phí cho các gia đình có người chết, mất tích do thiên tai, dịch bệnh, tai nạn lao động… từ mức 5,4 triệu đồng nay đã tăng lên 18 triệu đồng, giúp việc an táng người đã khuất được chu đáo, đúng đạo lý. Áp dụng quy định mới, tháng 7 vừa qua, Phòng LĐ-TB&XH huyện Cư M\'gar đã kịp thời hỗ trợ mai táng cho thân nhân gia đình ông Nguyễn Nhớ (thôn 2, xã Cư Suê) có hai con qua đời sau một vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, với số tiền 36 triệu đồng. Qua đó, giúp gia đình có nguồn kinh phí để lo tang lễ chu đáo hơn, an ủi phần nào nỗi đau của người cha mất con.
Để chính sách trợ giúp xã hội phát huy tính tích cực hơn nữa, thời gian tới, Đắk Lắk sẽ đẩy mạnh tuyên truyền về các chế độ, chính sách đến người dân; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách trợ cấp xã hội; nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng của các đối tượng khó khăn để có kế hoạch trợ giúp phù hợp… Về lâu dài, địa phương sẽ có những chính sách như tạo việc làm cho người khuyết tật, đầu tư giống cây trồng, vật nuôi có chất lượng, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương cho các đối tượng khó khăn; chú trọng nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen sản xuất, tư duy kinh tế của bản thân hộ khó khăn, nhất là trong đồng bào DTTS…