THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 02:01

Muốn có nhiều cơ sở bảo trợ xã hội tư nhân: Thu hút bằng chính sách, không cách nào khác được

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thăm hỏi, tặng quà người cao tuổi (Ảnh tư liệu)

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thăm hỏi, tặng quà người cao tuổi (Ảnh tư liệu)

Chính sách chưa đủ mạnh

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV vừa qua, vấn đề làm sao để thu hút được tư nhân đầu tư xây dựng cơ sở chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội, cũng là một nội dung được đại biểu Quốc hội quan tâm.

Cụ thể, nêu băn khoăn, hiện công tác xã hội hóa trong trợ giúp xã hội còn chưa thu hút được tư nhân đầu tư xây dựng cơ sở chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội, đại biểu Nguyễn Minh Sơn (đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang) “đề nghị Bộ trưởng cho biết hướng xử lý thời gian tới?”.

Trả lời đại biểu về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian vừa qua, các cơ sở bảo trợ xã hội của Việt Nam phát triển tương đối nhanh, hầu hết các cơ sở ở các địa phương đều có 4 loại hình cơ sở bảo trợ, cơ sở chăm lo cho người có công, cơ sở chăm lo cho người nghiện ma túy, cơ sở cho người bị tâm thần, trẻ em v.v..

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, phần đông số này thì dựa vào các cơ sở công lập là chính, các cơ sở tư nhân gần đây, có phát triển 3 loại hình cơ bản.

Một là các cơ sở bảo trợ do các tổ chức xã hội và tư nhân, các tổ chức tôn giáo đứng ra thành lập. Thứ hai là một số mạnh thường quân, các doanh nghiệp lớn đứng ra tổ chức xây dựng một số cơ sở bảo trợ xã hội dành cho người già, người neo đơn; cá biệt có những người có những cơ sở đã thu hút tới hàng ngàn các cụ già mà nuôi sống cả cụ ông, cụ bà cho đến khi qua đời cũng ở đây.

Tuy nhiên, qua thực tế cho thấy 2 vấn đề. Thứ nhất là chúng ta chưa có chính sách đủ mạnh, đủ sức thu hút đối với các tư nhân tham gia vào xây dựng cơ sở bảo trợ.

Để làm rõ điều này, Bộ trưởng nêu ví dụ, chúng ta có chính sách quy định đất đai được miễn thuế, được giảm thuế, - chính sách quy định như thế, nhưng theo phản ánh của các doanh nghiệp tư nhân thì xuống địa phương lại “vướng”.

“Vừa qua tôi tiếp một doanh nghiệp ở Nhật về, anh nói tôi là 4 tháng trời về một địa phương để xin một miếng đất làm cơ sở nuôi dưỡng người già nhưng không được. Cuối cùng tôi phải đưa đi một tỉnh khác thì may mắn là các đồng chí lãnh đạo tỉnh đó chấp nhận ý kiến này, mặc dù xa hơn”, ông cho biết.

Năm 2022 - 2023, phải xây dựng chính sách để thu hút tư nhân

Trước đó, tại một số hội nghị, khi bàn về việc thực hiện chính sách, pháp luật về trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi và người khuyết tật, nhiều chuyên gia cũng phản ánh thực trạng chính sách xã hội hóa đầu tư cơ sở chăm sóc người cao tuổi chưa thực sự đi vào cuộc sống.

Tại các Hội nghị này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung từng chia sẻ, thực tế kiểm tra tại các cơ sở chăm sóc người già tại Bình Dương, Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh hay một số cơ sở nuôi dưỡng có sự tham gia đầu tư của Nhật Bản thì phần lớn các cơ sở đều lỗ rất lớn, đặc biệt trong 3 năm đầu, do đầu tư lớn nhưng các khoản thu lại ít.

Bộ trưởng thông tin thêm, thời gian gần đây, thông qua hợp tác với Nhật Bản về điều dưỡng viên, phát triển các cơ sở trợ giúp xã hội, bắt đầu các doanh nghiệp của Việt Nam cùng với cơ sở điều dưỡng của Nhật để xây dựng 1 số cơ sở nuôi dưỡng người già, người khuyết tật với gần 20 doanh nghiệp hợp tác với doanh nghiệp Nhật Bản để xây dựng theo mô hình của Nhật Bản, ngoài ra còn mô hình của Đức để chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

Trao đổi về thực tiễn tổ chức hoạt động của các cơ sở chăm sóc người cao tuổi, Giám đốc Trung tâm chăm sóc người cao tuổi Bách Niên Thiên Đức Nguyễn Tuấn Ngọc cho biết, “có rất nhiều chính sách đưa ra nhưng thực tế chưa mấy khả thi”.

Ông Nguyễn Tuấn Ngọc dẫn ví dụ, sau gần 18 năm hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc người cao tuổi thì phải đến 1/7/2016 thuế giá trị giá tăng cho dịch vụ y tế chăm sóc người cao tuổi đối với doanh nghiệp mới được gỡ bỏ.

Theo đó, vị Giám đốc Trung tâm Chăm sóc người cao tuổi Bách Niên Thiên Đức bày tỏ mong muốn Nhà nước có cơ chế thu hút các tổ chức, cá nhân trong xã hội chung tay xây dựng các trung tâm chăm sóc người cao tuổi có chất lượng, nhân rộng mô hình trong tương lai.

Để làm được điều đó, ông Nguyễn Tuấn Ngọc đề nghị các đại biểu, lãnh đạo các cơ quan hữu quan quan tâm đến việc hoàn thiện chính sách trong đó có quy định về quản lý các cơ sở chăm sóc người cao tuổi, phân cấp quản lý, theo dõi tình hình chăm sóc người cao tuổi theo bệnh lý người cao tuổi, số lượng người cao tuổi tại các cơ sở, có cơ chế quản lý kiểm tra, giám sát hoạt động của các nhà dưỡng lão...

Vì thế, tại phiên chất vấn vừa qua, trước băn khoăn của đại biểu Quốc hội cần có cơ chế thu hút tư nhân đầu tư xây dựng cơ sở bảo trợ xã hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, “việc đầu tiên và chắc chắn là sang năm 2022 - 2023 chúng ta phải xây dựng chính sách để thu hút tư nhân, và muốn có nhiều cơ sở tư nhân thì phải thu hút bằng chính sách, không cách nào khác được”.

Thanh Nhung

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh