CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 06:07

Đại tá, NSƯT Phạm Thọ: Người ghi lịch sử bằng phim

 

Đại tá, NSƯT Phạm Thọ đang quay phim trước trụ sở Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn vào 10 giờ ngày 30/4/1975.

 

Khoảnh khắc đất nước trọn niềm vui

Những ngày tháng Tư, trời Hà Nội xuất hiện nhiều hơn những cơn mưa rào nhẹ, khiến tiết trời Thủ đô khá dễ chịu. Nơi con phố nhà binh Lý Nam Đế với những rặng sấu già đang vào mùa thay lá, bên vỉa hè từng bước chân ngang qua vương đầy lá sấu vàng ươm. Tôi hẹn gặp đại tá, NSƯT Phạm Thọ tại đầu ngõ nhỏ, giáp với Điện ảnh Quân đội nhân dân - nơi mà ông coi nó như ngôi nhà thứ hai của mình. Mặc trên người bộ quân phục đã bạc màu theo thời gian, cùng với vài số báo Quân đội nhân dân, Hà Nội mới trên tay, ông chậm rãi: “Không riêng gì tôi, ngày ấy với bất kỳ một phóng viên quay phim chiến trường nào cũng vậy, hạnh phúc lớn nhất là chính mình đã ghi lại được những hình ảnh quý giá vào thời phút thiêng liêng của dân tộc. Ấy là khoảnh khắc đất nước trọn niềm vui, non sông thu về một mối”.

Đại tá Phạm Thọ nhớ lại: Sáng 30/4/1975, từ Bình Dương, tôi và các chiến sĩ tiến vào Lái Thiêu, rồi qua Liêu Thái, cầu Bình Triệu, Gia Định tiến vào Sài Gòn và đến Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn. Trên đường đi tôi đã ghi lại được rất nhiều hình ảnh quân và dân ta chiến đấu oanh liệt, còn địch thì vẫn đang cố gắng bắn trả quyết liệt. Lúc đó tôi ngồi trên nóc xe tăng để quay phim và có dặn anh em trong đoàn rằng, khi thấy địch bắn dữ quá thì kéo chân tôi xuống. Trước 10 giờ sáng ngày 30/4, chúng tôi có mặt tại Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn và đã kịp thời ghi lại được những hình ảnh đầu tiên quân ta tiếp quản cơ quan đầu não này.

 

Quân trang của quân Việt Nam cộng hòa bỏ lại để tháo chạy.


Ngừng giây lát, đưa mắt nhìn ra xa, nơi con phố rực màu của cờ đỏ sao vàng mừng ngày giỗ Tổ Hùng Vương, nét mặt đại tá Phạm Thọ rạng rỡ, dường như dòng thời gian chẳng thể “đánh cắp” được ký ức một thời “mưa bom, bão đạn” của ông và đồng đội để hôm nay đất nước được yên bình. Nhấp ngụm trà xanh thơm phức, ông đại tá già hào hứng: Có lẽ bây giờ kể lại, các con và thế hệ sau này cũng không thể hình dung được niềm vui vỡ òa trong giờ phút thiêng liêng ấy của những người lính cụ Hồ như thế nào. Chỉ biết rằng, giờ đây mỗi khi nhớ lại, ký ức vẫn vẹn nguyên, lồng ngực như muốn vỡ tung. Nhìn thấy lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc nhà của Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn, tôi đã đứng lên trên một chiếc xe tăng để kịp ghi lại khoảnh khắc thiêng liêng đầu tiên ấy. Cứ thế, tôi mải miết quay trong tâm trạng rất hứng khởi với tâm thế của người giành chiến thắng.

Đến 11 giờ 30 phút cùng ngày, tôi nhận được tin quân đội ra đã tiến vào Dinh Độc Lập. Lúc ấy thật khó để tả hết cảm giác sung sướng của tất cả mọi người. Đi đến đâu tôi cũng nghe lời hò reo: “Chiến thắng rồi, toàn thắng rồi, giải phóng rồi, thống nhất đất nước rồi anh em ơi…”.

Cận cảnh ngày đại thắng

Giờ đây, chiến tranh đã lùi xa, nhưng thật diệu kỳ, cứ mỗi độ tháng Tư về, dù muốn hay không những ký ức một thời oanh liệt, giữa sự sống và cái chết chỉ cách nhau gang tấc ấy lại trở về với vị đại tá già rõ mồn một như vừa mới hôm qua. Ánh mắt ông sáng lên với niềm vui lâng lâng: Ngày hôm ấy, chúng tôi đi khắp Sài Gòn để ghi lại những hình ảnh của nhân dân sau giờ giải phóng. Không khí của ngày hội thống nhất nước nhà tràn ngập khắp nơi. Trên khắp nẻo đường, ngõ phố, người dân và bộ đội đổ ra đường tuần hành, hò reo, tay bắt mặt mừng mừng chiến thắng. Nhiều người đã gặp lại người thân sau bao ngày xa cách, họ ôm chầm lấy nhau khóc nức nở. Ấy là nước mắt của ngày đoàn tụ, của hạnh phúc vô bờ bến và trên hết là niềm tự hào và kiêu hãnh của tất cả mọi người. Hôm đó tôi tác nghiệp hết ngày mà không thấy mệt, thấy đói.

 

Đại tá, NSƯT Phạm Thọ vẫn thói quen đọc báo hằng ngày.


Trái với không khí mừng vui khôn xiết của quân và dân ta, tôi cũng quay được những hình ảnh quân địch thất thủ, lũ lượt đầu hàng bỏ chạy trong bộ dạng tay giơ cao đầu hàng, đầu trần, lưng trần, đi chân đất. Cùng với đó là cảnh ngập tràn quân phục, giày dép lính quân đội Sài Gòn vứt bỏ.

Đến chiều 30/4, các mũi quay phim gặp nhau ở Dinh Độc Lập để kịp ghi lại khoảnh khắc của giờ phút thiêng liêng, hạnh phúc của cả dân tộc. Đó là những giây phút mà mỗi chúng tôi, ai nấy đều cảm thấy hạnh phúc và rất đỗi tự hào.

Có lẽ đến bây giờ, điều mà tôi tiếc nhất, đó là những lúc phải lên dây cót cho máy quay phim nên có nhiều cảnh bị bỏ qua, không thể quay được. Nếu là máy hiện đại như bây giờ thì tôi sẽ quay được hết các cảnh, kể cả vào những lúc địch đánh trả dữ dội nhất.

 

 

“Chiến thắng lịch sử mùa xuân 1975” - một trong những bộ phim do Điện ảnh Quân đội nhân dân thực hiện đã đoạt Bông sen Vàng tại Liên hoan phim toàn quốc năm 1975. Trong phim sử dụng rất nhiều hình ảnh mà Đại tá, NSƯT Phạm Thọ quay trong ngày đầu tiên Sài Gòn được giải phóng.

Dưới sự chỉ đạo của Trung tá Trần Việt, đạo diễn bộ phim “Chiến thắng lịch sử mùa xuân 1975”, trong ngày 30/4/1975, phóng viên quay phim Phạm Thọ đã tỏa đi các hướng của Sài Gòn để ghi lại hình ảnh về không khí của ngày giải phóng. Được hòa vào dòng người để vừa tận hưởng niềm vui chiến thắng của dân tộc vừa thực hiện nhiệm vụ cấp trên giao là một niềm vinh dự mà không phải ai cùng có được. Vì thế, dù phải vác chiếc máy quay rất nặng, vừa đi vừa chạy từ phố này sang phố khác, nhưng trên gương mặt người chiến sĩ quay phim trẻ này vẫn rạng ngời niềm vui chiến thắng.

Những thước phim quay vào ngày 30/4/1975 sau này được sử dụng lại trong bộ phim “Mùa xuân toàn thắng”. Đại tá, NSƯT Phạm Thọ đã quay được nhiều thước phim có giá trị về Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

HÒA CÙ (ghi)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
4 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh