Ký ức người Hà Nội về ngày Giải phóng miền Nam
- Tây Y
- 14:27 - 29/04/2018
Mít tinh mừng ngày giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước ở quảng trường Nhà hát Lớn (Hà Nội) năm 1975.
Bà Phan Bích Diệp, Phó Chủ tịch Hội Người khuyết tật TP. Hà Nội: “Đây mới là niềm vui thực sự”
Ngày giải phóng miền Nam, tôi đang là sinh viên năm thứ hai của trường ĐH Ngoại ngữ Hà Nội. Thấm thoắt thời gian trôi đi dù đã lâu, nhưng mỗi khi đến dịp kỷ niệm 30/4 mọi ký ức lại ùa về, niềm vui, cảm xúc của ngày đó với tôi vẫn in đậm trong tâm trí.
Đúng là có những giây phút, khoảnh khắc thôi nhưng lại là những thứ quí giá vô cùng sẽ theo ta suốt cả cuộc hành trình. Hôm đó đang trong giờ học, nghe tin từ chiếc loa phát thanh treo ở gần trường đưa tin về miền Nam giải phóng, tôi và mấy người bạn ở cùng bàn tai như ù đi chẳng thể tin được, đứa nọ trố mắt nhìn đứa kia giọng ú ớ. Nhỏ bạn tên Hương kế bên tôi nhanh nhảu: “Tất cả im lặng, loa vừa phát tin gì nhỉ?”. Chúng tôi như nín thở lắng nghe lại từ chiếc loa vẫn sang sảng: “Sài Gòn đã hoàn toàn giải phóng”. Vẫn nhỏ bạn tên Hương và thêm cậu bạn tên Khôi kế bên nhanh như sóc nhảy phốc lên trên bàn, giọng nói như lạc đi: “Đúng thật rồi. Đang giữa ban ngày đâu phải giấc mơ nữa. Miền Nam ruột thịt ơi, Hồ Chí Minh muôn năm, chúng con cảm ơn Người…”.
Bà Phan Bích Diệp, Phó Chủ tịch Hội Người khuyết tật TP. Hà Nội.
Trước mặt tôi các bạn trong lớp đều đứng hết lên hò reo inh ỏi, nhảy múa, tay đập bàn, đập ghế, có đứa còn tung cả những cuốn sách vở trắng tinh, cặp sách lên trần nhà. Lúc đó mắt tôi đỏ hoe, có gì đó nghèn nghẹn nơi cổ họng, sự vui mừng xuất hiện ngay trong tôi: Đây mới là niềm vui thực sự. Từ nay mọi người sẽ hoàn toàn yên tâm, đất nước đã hòa bình không còn chiến tranh nữa, cũng sẽ không còn cảnh nhà nhà phải trở lại nơi sơ tán và thấp thỏm lo chạy bom, chạy đạn ở hầm trú ẩn như thời điềm trước năm 1971, 1972 nữa. Tuy là hồi ấy còn rất trẻ nhưng tôi đã cảm nhận được chiến tranh ác liệt đến nhường nào, bởi vì đã có rất nhiều năm người Hà Nội phải đi sơ tán, cuộc sống vô vàn những khó khăn và chứng kiến cảnh bom đạn vì nhà tôi ở phố Lý Thường Kiệt nên thường bị bom ném đằng sau, nơi gần phố Hỏa Lò.
Hết cảnh mừng chiến thắng ở trong lớp, cả lớp chúng tôi cứ thế tiến ra cổng trường rồi ra phố. Đường phố như một biển người, tôi rất xúc động khi nhìn thấy tất cả gương mặt, ánh mắt, nụ cười từ người già đến em nhỏ họ vui một cách thật sự, không cần phải có tổ chức mà tất cả xuất phát từ đáy lòng. Ngày ấy, đoạn đường từ trường ĐH Ngoại ngữ (Thanh Xuân) về tới nhà tôi ở phố Lý Thường Kiệt phải mất khá nhiều thời gian.
Một điều khiến tôi không dễ quên, đó là khi về tới nhà, bố mẹ tôi rất vui mừng, mắt mẹ tôi đỏ hoe: “Miền Nam giải phóng rồi con ơi, từ giờ hai miền Nam – Bắc không còn bị chia cắt, gia đình mình có thể dễ dàng liên lạc được với bà con họ hàng trong đó…”. Tôi hiểu trong niềm vui xen lẫn những giọt nước mắt kia của mẹ bởi vì gia đình tôi là người gốc miền Nam, ra Bắc tập kết năm 1954. Thế rồi chiến tranh liên miên đã ngăn cách những người thân yêu đằng đẵng bao nhiêu năm không gặp lại…
Bà Trần Thị Lộc, nguyên Tổng biên tập báo Lao động và Xã hội: “Khi đó tôi đúng 20 tuổi, ngỡ ngàng, ngây ngất trong niềm vui chung”
Trưa ngày 30/4/1975, cả ngôi nhà tôi ở xôn xao “Giải phóng miền Nam rồi, giải phóng miền Nam rồi!”. Tôi ngơ ngác chạy ra sân, thấy mọi người đang tập trung bàn tán, trên khuôn mặt ai nấy đều hiện vẻ vui mừng, rạng rỡ. Cái radio được vặn to để ai cũng nghe thấy Bản tin đặc biệt của đài Tiếng nói Việt Nam “chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng” “chiến tranh đã kết thúc”.
Bà Trần Thị Lộc, nguyên Tổng biên tập báo Lao động và Xã hội.
Không phải đến ngày 30/4, mà trước đó cả tháng tin chiến thắng đã được người dân Hà Nội đón nhận với niềm hy vọng to lớn. Tháng 3 giải phóng Buôn Mê Thuột, rồi giải phóng Huế, Đà Nẵng. Tháng 4, quân giải phóng đã tiến vào Xuân Lộc Đồng Nai, chuẩn bị tiến vào Sài Gòn… Ở Hồ Hoàn Kiếm, nơi gần đài phun nước có một cái loa to treo trên cây đa xum xuê cành lá, hàng ngày rất nhiều người dừng lại nghe thông báo của Đài tiếng nói Việt Nam về chiến dịch Hồ Chí Minh. Cách đó không xa, chỗ bây giờ là nhà hàng Lục Thủy, khi đó là Câu lạc bộ thống nhất, phía tường ngoài có treo một cái bản đồ Việt Nam rất lớn, các tỉnh đã giải phóng được sơn màu đỏ, hàng ngày mầu đỏ phủ dần kín các tỉnh miền Nam. Đâu đâu cũng nghe thấy mọi người nói: “Quân ta đang tiến như vũ bão”, “Sắp giải phóng miền Nam rồi” “Chiến tranh chấm dứt rồi”… Khi đó tôi đúng 20 tuổi, ngỡ ngàng, ngây ngất trong niềm vui chung. Tôi nghĩ đến mấy bạn nam cùng lớp, mấy anh cùng phố đi bộ đội sẽ trở về. Sẽ tiếp tục đi học, đi làm. Hà Nội không còn bị ném bom, không phải đi sơ tán nữa. Hòa bình rồi. Thật là niềm vui to lớn mong chờ bấy lâu. Cứ như mơ vậy. Mẹ tôi bảo: “Mừng quá, hòa bình rồi, có rau ăn rau, có cháo ăn cháo, không lo bom Mỹ thả nữa …”. Mấy bác có con đi bộ đội rơi nước mắt: “Vậy là thằng con tôi sắp trở về”. Một chị hàng xóm không reo hò mà đầy vẻ trầm tư, chị bảo: “Cầu mong cho gia đình chị chóng xum họp”, chồng chị ấy vào Nam chiến đấu mấy năm nay. Và không ai bảo ai, mọi người đau xót nhớ đến những liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến mà thi thoảng khối phố tổ chức truy điệu. Riêng tôi, nhớ đến hai người bạn cùng lớp cấp 3 đã ra đi mãi mãi vì sự nghiệp giải phóng hôm nay.
Mấy hôm sau, Đoàn thanh niên quận Hoàn Kiếm tập trung đoàn viên lại và chúng tôi học bài hát “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” của Phạm Tuyên. Chỉ trong một thời gian ngắn mà nhạc sĩ đã cho ra bài hát thật hào hùng. Và tại cuộc mít tinh lớn mừng chiến thắng ở Nhà hát thành phố chúng tôi đã hòa cùng hàng ngàn người hát vang bài ca ấy. Tự hào quá Việt Nam ơi.
Cả Hà Nội bừng đỏ sắc cờ. Nhà nhà treo cờ, các công sở, nhà máy treo cờ. Trên đường phố, cờ đỏ dọc hai bên phố, bay phấp phới trên nóc xe ô tô, trên ghi đông xe đạp, trên tay người lớn trẻ em. 30 năm chiến tranh đã chấm dứt. Hòa bình, thống nhất đã đến với người dân Việt Nam. Một chiến thắng vô cùng lớn lao, vĩ đại đã đi vào lịch sử hào hùng của dân tộc.
Ông Bùi Ngọc Thế, Phố Quán Thánh (Hà Nội): "Chúng ta chiến thắng là tất yếu"
Trước 30/4 độ cả tháng người dân Hà Nội đã nhận được tin các tỉnh, TP. Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, rồi Quy Nhơn được giải phóng, vì vậy ai cũng tin rằng ngày chiến thắng đã đến rất gần. Hồi ấy tôi 16 tuổi đang học lớp 9 (tương đương lớp 11 bây giờ) ở trường cấp 3 Phan Đình Phùng, đóng tại phố Cửa Bắc. Bố tôi là lão thành cách mạng, mẹ cũng tham gia quân đội, vì vậy các cụ rất quan tâm đến tình hình chiến sự. Hàng ngày gia đình đều mua báo Nhân Dân và nghe đài Tiếng nói Việt Nam để biết tin tức. Nhà tôi còn có cái bản đồ Việt Nam khá to treo trên tường, bố tôi gim lá cờ đỏ sao vàng vào những tỉnh đã giải phóng. Lá cờ lấp dần phủ kín các tỉnh miền Nam. Vào trưa ngày 30/4, tin giải phóng miền Nam được Đài phát thanh loan báo. Ai cũng mừng vui khôn xiết. Đất nước đã thống nhất, non sông liền một dải rồi. Không cần ai nhắc nhở, bố tôi lấy ngay lá cờ đỏ ra treo trước cửa nhà. Nhìn ra hàng phố cũng thấy các nhà lần lượt treo cờ. Cả phố rợp cờ đỏ sao vàng. Đến chiều tối tiếng pháo mừng chiến thắng nổ ròn rã khắp nơi. Xác pháo đỏ rực cả vỉa hè. Không khí như ngày Tết, ngày hội lớn vậy.
Ông Bùi Ngọc Thế, phố Quán Thánh (Hà Nội.
Tôi nhớ đến mấy bạn cùng lớp đủ tuổi đã đi bộ đội. Bản thân tôi cũng đã làm đơn tình nguyện ra chiến trường nhưng chưa được gọi. Hồi ấy được đi bộ đội là vinh dự to lớn, là ước vọng được cống hiến tuổi trẻ cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, nên thanh niên nô nức làm đơn ra chiến trường. Người dân Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung một lòng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Lúc đó còn ít tuổi nhưng tôi cũng thấy được rằng, mặc dù chúng ta không có vũ khí hiện đại như quân đội Mỹ, không nhiều tiền của như Mỹ đổ vào miền Nam, nhưng chúng ta có ý chí sắt đá, có tình đoàn kết và sức mạnh của lòng tin vào chiến thắng, vào sự lãnh đạo của Đảng, vì vậy chúng ta chiến thắng là tất yếu.
Sau này, năm 1984 đến 1986, tôi cũng đã đi bộ đội và trực tiếp tham gia chiến đấu ở mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang. Đó là một cuộc chiến rất khốc liệt. Tôi nhớ, quân ta bắn vài loạt pháo thì địch nã hàng ngàn quả, suốt ngày đêm. Nhiều đồng đội của tôi đã ra đi. Và cho đến nay, cây cối ở đó vẫn không sống được vì đá lấp đầy. Sự khốc liệt đó làm tôi liên tưởng đến cuộc chiến tranh hơn 30 năm chống Mỹ chắc chắn là khó khăn, gian khổ gấp bội phần. Sự hy sinh của quân đội và người dân là vô cùng to lớn. Bây giờ tôi rất mong, Đảng và Nhà nước quan tâm hơn nữa đến thương binh, gia đình liệt sĩ và những người có công trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.