CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 03:01

Đại biểu Lê Thanh Vân: Thận trọng xem xét thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân phường

Chiều ngày 14/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết về thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân tại các phường thuộc quận, thị xã của thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Qua thảo luận, đa số các vị đại biểu Quốc hội tán thành việc thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân phường tại thành phố Hà Nội như dự thảo Nghị quyết.

Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị cần hết sức cân nhắc trong việc thực hiện thí điểm, sao cho vừa đảm bảo quy định của pháp luật, phù hợp với tinh thần của Hiến pháp năm 2013, đồng thời đáp ứng được yêu cầu thực tiễn trong việc tinh giản bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp.

Được biết, nếu thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân tại 177 phường thuộc 12 quận và thị xã Sơn Tây của thành phố Hà Nội sẽ giảm được từ 2.900 - 3.500 cán bộ Hội đồng nhân dân cấp phường.

 Bỏ Hội đồng nhân dân phường cần xem xét vì “đụng” Hiến Pháp - Ảnh 1.

Lê Xuân Thân (Khánh Hòa)

Cho rằng cơ sở pháp lý được đề cập trong Tờ trình của Chính phủ để Quốc hội xem xét thông qua dự thảo Nghị quyết về thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân tại các phường thuộc quận, thị xã của TP Hà Nội là chưa vững chắc, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) lưu ý, thậm chí vi phạm tới 3 điều trong Hiến pháp (Điều 110, 111 và 114).

Theo đó, Điều 110 của Hiến pháp quy định, phường là đơn vị hành chính. Chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính. Cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân và UBND được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do luật định.

"Theo tờ trình thì phường sẽ không có Hội đồng nhân dân, tức chỉ có một nửa chính quyền, mà một nửa chính quyền thì không gọi là chính quyền", ông Lê Thanh Vân phát biểu.

Ông Vân cho rằng, Quốc hội cần hết sức thận trọng khi xem xét Nghị quyết này, vì "đụng đến 3 điều của Hiến pháp, không thể khác Hiến pháp được".

Theo đó, ông Vân kiến nghị, cần đánh giá vì sao Hội đồng nhân dân các phường ở đô thị không phát huy được hiệu quả, có phải do trao quyền nhưng không bảo đảm các điều kiện cho thực hiện, như việc có đại biểu nói "trao súng mà không có đạn".

"Phải chăng cơ cấu đại biểu còn nặng về hình thức, đại biểu chưa tương xứng với yêu cầu đặt ra, chưa thực hiện trọng trách mà nhân dân giao phó", ông Vân nói.

Phản biện lại ý kiến của đại biểu Lê Thanh Vân, đại biểu Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) lại cho rằng, việc thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân phường vẫn hợp Hiến.

Theo đại biểu tỉnh Cao Bằng, Hiến pháp quy định Chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính và điều này là bất di bất dịch. Nhưng có thể có cả Hội đồng nhân dân và UBND hoặc chỉ cần một đại diện là UBND. 

Còn cấp chính quyền gồm Hội đồng nhân dân và UBND ở Hà Nội thể hiện rõ ở cấp tỉnh và cấp quận được tổ chức đầy đủ cả hai.

Dùng quyền tranh luận, đại biểu Lê Thanh Vân nói, ông rất "ngạc nhiên" trước cách hiểu của đại biểu Phùng Văn Hùng về chính quyền địa phương trong Hiến pháp.

"Đừng hiểu cấp chính quyền địa phương ở đây là cấp đơn vị hành chính. Ở đâu có đơn vị hành chính ở đó có chính quyền địa phương và được cấu thành bởi Hội đồng nhân dân và UBND", đại biểu Lê Thanh Vân phân tích rõ.

 Bỏ Hội đồng nhân dân phường cần xem xét vì “đụng” Hiến Pháp - Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình)

Đồng quan điểm, đại biểu Lê Xuân Thân (Khánh Hòa) cho rằng, cần phải xem lại tên gọi UBND phường trong đề án và dự thảo nghị quyết. Vì khi không tổ chức chính quyền địa phương ở cấp phường đồng nghĩa không có Hội đồng nhân dân và không có UBND.

"Vì Điều 114 của Hiến pháp quy định, UBND cấp chính quyền địa phương do Hội đồng nhân dân bầu ra. Nơi nào, địa phương nào, cấp chính quyền ở đâu, ở đơn vị hành chính nào có UBND thì UBND phải do Hội đồng nhân dân bầu ra. Chúng ta làm khác đi là không đúng với Hiến pháp", ông Thân nói.

Ông Thân cũng cho rằng, nếu đổi tên UBND phường thì sẽ gặp nhiều chuyện phức tạp về con dấu, chi phí..., nhưng nếu sử dụng UBND phường như cũ thì lại hoạt động theo cơ chế tập thể, cũng không phù hợp.

Đề nghị xác định rõ vị trí và địa vị pháp lý của UBND phường, đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) nêu, vì theo Tờ trình, UBND phường không còn là cấp quy hoạch, một cấp ngân sách. UBND phường lúc này chỉ là cơ quan đại diện, là cánh tay nối dài của UBND quận, thị xã đặt tại phường.

Tuy nhiên, dự thảo Nghị quyết lại quy định UBND phường nơi không tổ chức Hội đồng nhân dân là cơ quan hành chính nhà nước, trực thuộc UBND quận, thị xã. Quy định như vậy không rõ UBND phường là cơ quan đại diện của UBND quận, thị xã, cơ quan hành chính, cánh tay nối dài hay là cấp hành chính dưới cấp quận, thị xã.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đánh giá, việc tổ chức thí điểm đáp ứng với yêu cầu phát triển, đô thị hóa, hội nhập quốc tế tại Hà Nội, là yêu cầu trực tiếp đổi mới, cải cách bộ máy tổ chức tinh gọn, giảm thủ tục hành chính để phục vụ người dân, doanh nghiệp hiệu lực, hiệu quả.

Qua đó tạo chủ động cho Chính phủ và chính quyền thành phố Hà Nội trong việc chuẩn bị nhân sự và tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp, bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp ở thành phố Hà Nội.

Về mô hình tổ chức chính quyền ở địa phương, đại biểu Phương nêu ý kiến, theo dự thảo Nghị quyết mô hình chính quyền đô thị mô hình 2 cấp: tại thành phố Hà Nội và các quận, thị xã thì tổ chức cấp chính quyền địa phương gồm Hội đồng nhân dân và UBND; tại phường thì tổ chức chính quyền địa phương không tổ chức Hội đồng nhân dân mà chỉ có cơ quan hành chính ở phường là UBND để thực hiện một số công việc quản lý hành chính nhà nước và cung ứng một số dịch vụ công.

"Phường sẽ chỉ định có cơ quan hành chính và không có Hội đồng nhân dân. Đây chính là cánh tay nối dài của chính quyền quận. Ở đây thí điểm trên phạm vi Hà Nội, có thể nhân rộng ở mô hình toàn quốc và sau khi thực hiện thí điểm thành công", ông Phương nói.

THANH NHUNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh