Tán thành giảm số lượng cấp phó chủ tịch hội đồng nhân dân cấp huyện
- Tây Y
- 18:10 - 25/10/2019
Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành việc cụ thể hóa chủ trương của Trung ương trong việc giảm số lượng cấp phó của hội đồng nhân dân. Tuy nhiên, giảm như thế nào, giảm ở cấp nào, cơ quan nào thì ý kiến còn khác nhau.
Theo Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, đối với hội đồng nhân dân cấp huyện thì đa số ý kiến thống nhất giảm phó chủ tịch hội đồng nhân dân. Đối với hội đồng nhân dân cấp tỉnh thì đa số ý kiến đại biểu đề nghị giữ nguyên như Luật hiện hành (gồm 2 phó chủ tịch) hoặc đề nghị quy định số lượng cấp phó căn cứ vào phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Đối với việc giảm số lượng phó trưởng ban chuyên trách của hội đồng nhân dân cấp tỉnh, nhiều ý kiến đồng ý với đề xuất của Chính phủ nhưng cũng nhiều ý kiến đề nghị nên giữ nguyên như Luật hiện hành (gồm 2 Phó Trưởng ban) hoặc quy định mềm dẻo, linh hoạt hơn.
Về nội dung này, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đề nghị tiếp thu ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội, giảm số lượng Phó Chủ tịch hội đồng nhân dân cấp huyện xuống còn một người.
Về số lượng Phó Chủ tịch hội đồng nhân dân cấp tỉnh, dự thảo Luật dự kiến 2 phương án tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội:
Phương án 1: Giữ nguyên quy định hội đồng nhân dân cấp tỉnh có 2 phó chủ tịch hoạt động chuyên trách như tại Điều 18 và Điều 39 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành.
Phương án 2: Quy định lãnh đạo hội đồng nhân dân cấp tỉnh có 2 đại biểu hoạt động chuyên trách, trường hợp Chủ tịch hội đồng nhân dân cấp tỉnh là đại biểu hoạt động chuyên trách thì bố trí 1 phó chủ tịch hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách; trường hợp chủ tịch hội đồng là đại biểu hoạt động kiêm nhiệm thì bố trí 2 phó chủ tịch hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách.
Về bộ máy giúp việc của chính quyền địa phương, theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, nhiều ý kiến đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định về bộ máy giúp việc của chính quyền địa phương nhằm thực hiện chủ trương hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội với Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, chủ trương hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng HĐND, Văn phòng UBND cấp tỉnh thành một Văn phòng tham mưu, giúp việc chung đã được nêu tại Nghị quyết số 18-NQ/TW.
Hiện tại, đã có 12 địa phương thực hiện thí điểm, vì vậy, nếu Luật Tổ chức chính quyền địa phương không sửa các quy định liên quan đến bộ máy giúp việc của chính quyền địa phương thì sẽ không tạo cơ sở pháp lý cho việc sắp xếp, tổ chức lại 3 Văn phòng.
“Và như vậy, sau khi kết thúc việc thí điểm, để tổ chức, sắp xếp lại các Văn phòng khác với hiện nay thì Chính phủ lại phải trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật để quy định về vấn đề này” – ông Nguyễn Hạnh Phúc nói.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, để dự liệu trước cho việc sắp xếp, tổ chức lại các Văn phòng sau khi thực hiện thí điểm, đề nghị cần sửa đổi các quy định có liên quan đến bộ máy giúp việc của chính quyền địa phương trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương theo hướng: Sửa đổi, bổ sung Điều 127 để quy định khái quát về cơ quan, chức năng, nhiệm vụ. Còn tên gọi, mô hình, cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể và biên chế của bộ máy giúp việc chính quyền địa phương do Chính phủ quy định.
“Không quy định Chánh Văn phòng HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuộc cơ cấu của Thường trực HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tại khoản 2 Điều 18 và khoản 2 Điều 39. Đồng thời, bỏ các quy định liên quan đến việc bầu, lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh này tại điểm a khoản 2 Điều 19, khoản 2 Điều 83 và điểm a khoản 1 Điều 88” – Tổng Thư ký Quốc hội cho biết.