CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:07

Viện KSND đề nghị giảm hình phạt cho ông Phạm Công Danh

 

 

Phạm Công Danh bị dẫn giải tới Tòa      Ảnh: X. D. 

Ngày 29/8, phiên xử ông Phạm Công Danh (52 tuổi, cựu chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng - VNCB, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thiên Thanh) và đồng phạm gây thất thoát 9.000 tỷ đồng, tiếp tục với phần tranh luận.

Đại diện Viện KSND cho biết, đã nghiêm túc ghi nhận ý kiến, quan điểm bào chữa và bảo vệ của các luật sư, bị cáo… Viện đồng tình với các luật sư bào chữa cho ông Danh về tình trạng VNCB khi ông nhận tái cơ cấu. Bị cáo đã dùng hơn 3.600 tỷ đồng trả cho nhóm Phú Mỹ để lấy các dự án trong đó có dự án ở quận 2. Tuy nhiên, Viện KSND cho rằng, nói nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội của bị cáo Danh và các đồng phạm "do bị áp lực của bối cảnh" là không chính xác.

"Bối cảnh không có nghĩa là các bị cáo được quyền gây ra hàng loạt sai phạm, từ lập hồ sơ khống, rút tiền ngân hàng không có chữ ký… gây thiệt hại cho VNCB hơn 9.000 tỷ đồng", công tố viên nêu quan điểm và cho rằng, các luật sư nêu "một trong những nguyên nhân khiến ông Danh phạm tội là Ngân hàng Nhà nước không cho lập ngân hàng mới mà phải tái cơ cấu ngân hàng thua lỗ" cũng không đúng.

Bởi theo Viện KSND, giai đoạn từ 2011, lạm phát tăng cao, an sinh xã hội không đảm bảo… Ngân hàng Nhà nước không có chính sách mở rộng cho vay một số lĩnh vực, trong đó có chứng khoán và bất động sản để đảm bảo an ninh tiền tệ. Còn việc Ngân hàng Nhà nước mua lại VNCB giá 0 đồng, theo Viện KSND là để đảm bảo quyền lợi người gửi tiền, đảm bảo an ninh tiền tệ, nên không bình luận thêm.

Trước đó, luật sư cho rằng, VNCB là tổ chức tín dụng không có vốn Nhà nước; lãnh đạo, nhân viên ngân hàng này không phải công chức… đề nghị Viện KSND xem xét việc khởi tố các bị cáo.

Viện KSND khẳng định, việc truy tố các bị cáo về 2 tội danh là hoàn toàn có căn cứ. Về việc đề nghị thu hồi các khoản tiền rút từ VNCB, theo Viện KSND "đây không phải là tình tiết khắc phục hậu quả" của các bị cáo. Tuy nhiên, Viện đề nghị HĐXX xem xét tình tiết này là "hậu quả vụ án được khắc phục" và ghi nhận thái độ khai báo thành khẩn, để giảm trách nhiệm hình sự cho bị cáo Danh và các đồng phạm.

Trong các phiên tranh luận trước đó, đối với khoản tiền 5.490 tỷ đồng bà Trần Ngọc Bích vay của VNCB thông qua việc thế chấp 124 số tiết kiệm, sau đó bị ông Danh chỉ đạo chuyển vào tài khoản của mình để trả nợ cho ông Trần Quý Thanh (bố bà Bích), Viện KSND đề nghị HĐXX "tiền chỗ nào chuyển về chỗ đó". Tức là thu hồi số tiền đã chuyển vào tài khoản của ông Thanh để chuyển trả cho VNCB. 

Đối với Phan Thành Mai, Viện KSND nhận định bị cáo có vai trò và phải chịu trách nhiệm tương đương với ông Danh. Bị cáo tham gia tất cả các cuộc họp ngân hàng liên quan đến các khoản vay, không thực hiện xin phép tổ giám sát Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, quá trình thẩm vấn, Viện KSND nhận thấy sự ăn năn, hối cải của bị cáo cùng với việc sử dụng phương pháp khắc phục hậu quả, đã đề xuất để giảm trách nhiệm so với bản luận tội trước.

"Chúng tôi cũng nhận thấy mục đích của bị cáo là để đưa Ngân hàng Xây dựng tốt lên, không có tư lợi cá nhân, nhân thân tốt... nên đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo", Viện KSND đề nghị.

Tương tự, đối với nhiều bị cáo khác, Viện KSND cũng đề nghị tòa giảm nhẹ so với bản luận tội trước đó vì có nhân thân tốt, không được hưởng lợi. Đặc biệt, một số bị cáo như Lê Công Thảo (cựu giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin VNCB), Nguyễn Thị Kim Vân (nguyên tổng giám đốc Công ty Hương Việt), Viện KSND đề nghị HĐXX cho hưởng án treo, thay vì mức án 5-6 năm tù như đề nghị trước đó.  

Trong phiên tranh luận ngày 29/8, Viện KSND đề nghị HĐXX thu hồi bổ sung 754 tỷ đồng, là tiền ông Danh phạm tội mà có, để trả lãi và nợ cho nhóm Trần Ngọc Bích, Nhóm Phú Mỹ.

Theo cáo buộc, trong quá trình tái cơ cấu VNCB, ông Danh và đồng phạm đã thực hiện các hành vi sai phạm rút trái phép cả chục tỷ đồng của ngân hàng này gây thiệt hại 9.000 tỷ đồng. Từ đó, đại diện Viện KSND đề nghị HĐXX tuyên phạt ông Danh mức án 20 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, 20 năm về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Tổng hợp hình phạt, ông Danh bị đề nghị tối đa 30 năm tù (mức cao nhất của khung hình phạt có thời hạn).

Đại án kinh tế gây thiệt hại lớn nhất từ trước đến nay được TAND TP Hồ Chí Minh đưa ra xét xử từ ngày 19/7, dự kiến sẽ kết thúc vào đầu tháng 9.

Hải Duyên/ VnExpress

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh