Đại án 9.000 tỷ: Nhân viên rửa xe bổng dưng làm giám đốc ký vay nghìn tỷ
- Pháp luật
- 01:12 - 04/08/2016
Trong phiên tòa ngày 2/8, đại diện Viện KSND tham gia xét hỏi Phạm Công Danh (cựu Chủ tịch HĐQT VNCB- Chủ tịch HĐTV, kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh) các vấn đề liên quan đến khoản tiền 5.500 tỷ đồng của Nhóm Trần Ngọc Bích. Vấn đề này, Phạm Công Danh được đối chất với bà Trần Ngọc Bích tại phiên tòa.
Trong giờ nghỉ giải lao, Phạm Công Danh đã được gặp em trai là ông Phạm Công Trung, Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh và vợ là bà Quách Kim Chi để bàn về vấn đề khắc phục hậu quả vụ án.
Đáng chú ý, trong phiên tòa ngày 2/8, trong quá trình thẩm vấn Phạm Công Danh và đồng phạm liên quan đến hành vi ủy thác đầu tư cổ phiếu của Tập đoàn Thiên Thanh thông qua Quỹ Lộc Việt để rút hơn 900 tỷ đồng,
Viện KSND công bố lời khai của ông Nguyễn Việt Hà, Tổng giám đốc Quỹ Lộc Việt đồng thời cho biết ,sẽ có kiến nghị với HĐXX truy cứu trách nhiệm hình sự ông Nguyễn Việt Hà và một số người liên quan hành vi Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng trong vai trò đồng phạm với Phạm Công Danh.
Các bị cáo tại phiên tòa sáng 3/8
Mở đầu phiên xét xử sáng 3/8, tòa xét hỏi bị cáo Mai Hữu Khương – cựu GĐ VNCB Chi nhánh Sài Gòn liên quan đến hoạt động tín dụng trong hành vi truy tố Vi phạm quy định trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Khương khai đã nhận chỉ đạo của Phạm Công Danh lấy hồ sơ vay vốn từ BIDV về. Tài sản đảm bảo cho hồ sơ vay này là sân vận động Chi Lăng và một số bất động sản lân cận.
Khương cho biết, về phương án vay sẽ trùng với phương án VNCB vay của BIDV nên đề nghị có bên thứ 3 thẩm định giá tài sản đảm bảo.
Thời điểm đó, tài sản đảm bảo được BIDV thẩm định khoảng 2000 tỷ đồng. Hợp đồng vay BIDV theo Khương là hợp đồng ngắn hạn. Thời điểm thanh toán vào khoảng tháng 5-6/2014.
Tại thời điểm đó, Phạm Công Danh còn thiếu BIDV 4.700 tỷ, việc thực hiện vay là nhằm tăng vốn điều lệ. Khương cũng cho biết, cuộc họp để làm phương án vay tiền do Phạm Công Danh chủ trì vay tiền của VNCB để trả tiền của BIDV.
Chủ tọa đặt câu hỏi: Hồ sơ lấy từ BIDV sang và chỉ sửa lại ngày tháng, theo nhận thức của bị cáo thì hồ sơ BIDV cho VNCB vay có đúng quy định pháp luật? Khương không nhận xét vì cái đó thuộc về BIDV.
Chủ tọa chuyển sang thẩm vấn bà Hứa Thị Phấn (đại diện nhóm cổ đông Phú Mỹ) của NH Đại Tín – sau này tên là VNCB.
Bà Phấn dự tòa với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Ngày hôm qua bà Phấn được mời trả lời thẩm vấn nhưng do vấn đề sức khỏe nên không lên tòa. Ngày hôm nay, bà Phấn tiếp tục được triệu tập.
Giọng yếu ớt, bà Phấn cho biết giao dịch về chuyển giao NH Đại Tín đầu tiên với Hà Văn Thắm – cựu Chủ tịch NH Đại Dương vào tháng 2/2012.
Sau này, Thắm giới thiệu Phạm Công Danh cho bà Phấn. Đạt thỏa thuận, ngày 6/6/2012 hợp đồng chuyển giao giữa hai bên được ký kết.
Theo nội dung ký kết, nhóm bà Phấn chuyển giao cho ông Phạm Công Danh gồm: 85% cổ phần tại NH Đại Tín, và tài sản đảm bảo đất ở quận 2 (9ha) và Nhà bè (24ha) và Cổ phiếu Công ty Đại Việt – giá trị tại thời điểm đó là 85 tỷ; Cổ phần 27 tỷ tại công ty Hùng Vương. Tổng số tiền chuyển giao là 4.619 tỷ đồng.
Sau khi chuyển giao, được NHNN chấp thuận, Phạm Công Danh đại diện nhóm cổ đông mới tiếp quản NH Đại Tín. Thực hiện thỏa thuận này, Danh đã chuyển khoảng 3.600 tỷ đồng. Số tiền này thỏa thuận là thanh lý 29 hợp đồng tín dụng cũ. Tới ngày xảy ra vụ án, Danh còn thiếu 1.037 tỷ đồng.
Về việc chuyển giao hai bất động sản ở quận 2 và Nhà Bè mà Danh định giá khoảng 7.000 tỷ đồng và cho rằng, chính vì không nắm được bất động sản này nên ông ta vướng vào lao lý, theo bà Phấn nguyên nhân không thể chuyển giao được do đang thế chấp NH ở Đại Tín. Vì chưa thực hiện hết nghĩa vụ tài chính nên chưa thể giao cho Phạm Công Danh.
Về lời khai của ông Danh tại tòa vì hai bất động sản này mà ông ta bị vướng vòng lao lý, bà Hứa Thị Phấn (đại diện nhóm cổ đông Phú Mỹ) của NH Đại Tín – sau này tên là VNCB) trình bày: "Tôi xin nói một lời, ông Danh nói với tôi, NHNN cho ông ta được xóa lãi. Ông Danh còn nói, cô đừng có lo, cháu rất nhiều tiền, cháu sẽ làm rất nhiều dự án lớn tại đây”.
Bà Phấn cũng bày tỏ đau xót khi ông Danh quy chụp rằng, vì hai bất động sản này, ông Danh vướng vòng lao lý.
Về các khoản tiền thanh toán của Phạm Công Danh với bà Hứa Thị Phấn, theo thỏa thuận số tiền 3.600 tỷ này sẽ chuyển vào tài khoản của nhóm Phú Mỹ tại NH Đại Tín và nhóm này không được rút ra khỏi NH.
“Khi tôi rời khỏi NH tôi không được một đồng nào”, bà Phấn nói
Về khoản tiền thanh toán theo ký kết chuyển nhượng NH Đại Tín, tại tòa, Phạm Công Danh cũng xác nhận chưa thanh toán hết
09:47 ngày 03/08/2016
HĐXX hỏi bà Lâm Hồng Trinh - người từng giữ chức danh Phó tổng giám đốc Đại Tín, liên quan đến hai khoản vay của Công ty Thịnh Quốc và Công ty Đại Hoàng Phương.
Vấn đề VKS đang tham gia thẩm vấn liên quan đến hành vi Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng mà các bị cáo trong vụ án bị truy tố.
Tiếp tục tham gia xét hỏi sau giờ nghỉ giải lao, Viện KS tiếp tục thẩm vấn liên quan đến hai khoản vay của Công ty Thịnh Quốc và Đại Hoàng Phương.
Hai công ty này là của Phạm Công Danh, liên quan đến khoản vay 650 tỷ đồng.
Một số bị cáo liên quan đến hành vi này bị truy tố trước tòa tội: Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng
Ông Ngô Trí Đức - cựu Phó TGĐ Đại Tín, thành viên hội đồng tín dụng trình bày, việc đặt bút ký vào hồ sơ cho hai công ty này vay tiền vì thấy hồ sơ đầy đủ.
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Trang – cựu thư ký kế toán tài chính Tập đoàn Thiên Thanh, là kế toán VNCB lần đầu tiên được thẩm vấn.
Quỳnh Trang là “nhân vật” được nhắc đến nhiều trong tội danh truy tố của các bị cáo. Bố của Trang là Nguyễn Hữu Duyên - bị cáo trong vụ án này.
Trong hồ sơ, cơ quan tố tụng xác định là chưa đủ hồ sơ, chứng cứ nên không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Quỳnh Trang.
Trình bày, về hai hành vi vay tiền của Công ty Thịnh Quốc và Đại Hoàng Phương, Trang cho biết liên quan đến nhiều hồ sơ, nói rõ chi tiết hồ sơ gì, Trang không nhớ.
Giải trình về những giấy tờ ký khống, có cả ký giấy trắng mà các “giám đốc” khai tại tòa do Trang mang đến cho họ, Trang ấp úng: Quá lâu rồi, tôi không nhớ chính xác. Mà không nhớ chính xác, tôi không nói.
Sau phần thẩm vấn Nguyễn Thị Quỳnh Trang, VKS tiếp tục thẩm vấn các bị cáo liên quan đến các hợp đồng vay tiền của các công ty của Phạm Công Danh, tài sản đảm bảo vay tiền…
Cơ quan tiến hành tố tụng đang muốn làm rõ vi phạm trong hoạt động tín dụng của các bị cáo khi cho 14 công ty vay (trong đó có 12 công ty của Phạm Công Danh) số tiền gần 5000 tỷ đồng.
Các “giám đốc” vẫn thống nhất lời khai trong quá trình xét xử vụ án này là: Không biết gì về các hồ sơ vay vốn, chỉ biết ký theo yêu cầu. “Kêu lên ký thì ký, không biết nội dung”.
Những “giám đốc” này đa số là nhân viên rửa xe, trông xe… của tập đoàn Thiên Thanh. Giữ vị trí giám đốc, họ được trả lương 5-10 triệu đồng.
Chiều nay, VKS tiếp tục tham gia xét hỏi xét hỏi ông Hà Văn Toàn – Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch Tín dụng NH Đại Tín (cũ).
VKS truy vấn ông Toàn liên quan đến hai hợp đồng vay số tiền 650 tỷ đồng của hai công ty Thịnh Quốc và Đại Hoàng Phương
Để thông qua hai hợp đồng, ông Hà Văn Toàn – Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch Tín dụng NH Đại Tín (cũ) cho biết đã tổ chức cuộc họp. Sau cuộc họp tổng hợp, căn cứ vào ý kiến của các thành viên sau đó ra văn bản.
Ông Toàn cho rằng, thấy hồ sơ đầy đủ nên đã tiến hành thông qua việc cho vay. Hồ sơ này được chi nhánh trình lên. Thời điểm này, ở Đại Tín vẫn chưa có sự chuyển giao, ông Toàn vẫn là Chủ tịch HĐQT chứ không phải Phạm Công Danh.
Thẩm vấn bị cáo Nguyễn Tấn Thành, Giám đốc Công ty Thành Trí (Công ty do Phạm Công Danh lập ra), Viện KS nhắc lại một loạt các hợp đồng do Thành ký khi nắm chức giám đốc.
Bị cáo cho biết mình chẳng còn nhớ, ai đưa hợp đồng ký cũng không nhớ.
Theo “giám đốc” Nguyễn Tấn Thành, ông ta ký giấy tờ ở phòng công chứng ở Đà Nẵng. “Mình tui đón xe đò đi Đà Nẵng. Đến đây tui mướn xe thồ đi rồi đến phòng công chứng. Tại phòng công chức nhân viên Tập đoàn Thiên Thanh bảo ký chỗ nào thì ký chỗ đó. Dẫn tui đi đâu thì tui đi đó”.
Ông này còn không biết số tiền trong tài khoản của công ty có khoản tiền vay 300 tỷ.
Công ty Thành Trí liên quan đến hai hợp đồng vay 300 tỷ đồng. Hành vi của “giám đốc” bị quy kết tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Về hành vi vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, theo tài liệu tố tụng, trong thời gian từ ngày 28/12/2012 đến ngày 11/3/2014, do cần tiền để sử dụng trả nợ và sử dụng cá nhân, Phạm Công Danh với vai trò là Chủ tịch HĐQT VNCB đã tổ chức nhiều cuộc họp để chỉ đạo thuộc cấp sử dụng pháp nhân của 12 công ty thuộc Tập đoàn Thiên Thanh và 2 pháp nhân thông qua mối quan hệ với bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch Tập đoàn Quốc Cường Gia Lai, xây dựng các bộ hồ sơ kinh doanh mua bán nguyên vật liệu khống, phương án trả nợ khống, lập các biên bản họp HĐQT không có thật, chỉ đạo định giá nâng giá các lô đất thuộc Sân vận động Chi Lăng và lô đất tại 209 Trường Chinh, TP.Đà Nẵng lên nhiều lần làm tài sản đảm bảo để vay tại VNCB 5.000 tỷ đồng (đã tất toán được 300 tỷ đồng)
Phạm Công Danh chỉ đạo sử dụng tiền vay trái với phương án và mục đích kinh doanh, chỉ đạo 15 cá nhân là nhân viên của Tập đoàn Thiên Thanh chuyển khoản hoặc rút tiền mặt với số tiền là 4.700 tỷ đồng để trả nợ.
Số còn lại 1.465 tỷ đồng, Phạm Công Danh khai chi chăm sóc khách hàng, gây thiệt hại cho VNCB.
Phần truy vấn của VKS về vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng bỗng bị Phạm Công Danh cắt ngang.
Bị cáo Danh muốn xin HĐXX trình bày thêm vấn đề liên quan đến hai bất động sản ở quận 2 và Nhà Bè khi ký kết chuyển nhượng NH Đại Tín với nhóm Phú Mỹ và trực tiếp là bà Hứa Thị Phấn.
Vẫn lý do “bị cáo trí nhớ kém, bỗng nhiên nhớ ra”, Phạm Công Danh được HĐXX tạo điều kiện trình bày thêm. Cựu Chủ tịch VNCB trình bày nguyên nhân vì sao không trả hết khoản tiền cho nhóm Phú Mỹ.
Theo bị cáo Phạm Công Danh, khi đề nghị nhận tài sản, bà Hứa Thị Phấn không cho nhận. Vài bà tuần sau, Phạm Công Danh nhận được yêu cầu của nhóm Phương Trang, không được trả tài sản (hai bất động sản ở quận 2 và Nhà Bè) cho nhóm Phú Mỹ vì đang có tranh chấp.
Xem lại hợp đồng ký kết chuyển nhượng liên quan đến hai tài sản này, không có chữ ký của 29 pháp nhân sở hữu đất, “bị cáo lúc đó đã rất hoang mang”, cựu Chủ tịch VNCB phân trần.
Giải thích cho bị cáo Danh, chủ tọa cho biết, việc truy vấn bà Hứa Thị Phấn sáng nay là để làm rõ một số khoản tiền liên quan mà Phạm Công Danh đã chuyển cho bà Hứa Thị Phấn để được sở hữu NH Đại Tín. Bản thân vấn đề Danh nêu đang được cơ quan điều tra Bộ Công an xem xét trong một tin báo tội phạm khác.
Trước đó, tại phiên tòa sáng, Phạm Công Danh đã xác nhận trong thương vụ chuyển nhượng NH Đại Tín từ nhóm Phú Mỹ sang nhóm cổ đông mới mà đại diện là Phạm Công Danh, ông ta còn chưa thanh toán hết số tiền hơn 1000 tỷ đồng.
Điều lạ trong hành vi vay tiền, nhiều “giám đốc” không cần gặp cán bộ ngân hàng. Cán bộ tín dụng cũng không cần đến gặp các “giám đốc” để giao dịch, trao đổi về hợp đồng vay tiền. Sự hướng dẫn trong làm hợp đồng tín dụng vay tiền đều có sự hướng dẫn của Nhân viên Tập đoàn Thiên Thanh
Ngày 4/8, phiên tòa sẽ tiếp tục xét hỏi liên quan khối tài sản kê biên của Phạm Công Danh trong vụ án này.
Liên quan đến nội dung trên, hơn 20 ngân hàng sẽ được thẩm vấn để làm rõ một số quyền lợi, quyền sở hữu đối với số tài sản trên.
CÙNG CHUYÊN MỤC
Cảnh báo bệnh tay chân miệng bùng phát mùa hè: cha mẹ cần biết gì?
Tay chân miệng – cơn ác mộng mùa hè của bé yêu nhà bạn? Đừng chủ quan! Bệnh có thể biến chứng nguy hiểm chỉ trong tích tắc. Cùng tìm hiểu chi tiết về nguyên nhân, triệu chứng và cách...
3 tháng trước
Tin nên đọc