THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 10:54

Đà Nẵng: Tạo việc làm - giải pháp căn cơ cho người sau cai

Học viên học nghề tại Cơ sở xã hội Bầu Bàng

Ông Thái Chính - cha của em Thái Phi (thôn An Ngãi Tây 2, xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang) vẫn nhớ như in cái ngày gia đình biết tin cậu con trai mà gia đình hết lòng cưng chiều bị bạn bè xấu rủ rê, sa ngã vào con đường nghiện ngập. Nỗi buồn, sự thất vọng, thấp thỏm, lo âu bao trùm lên đời sống của gia đình vốn chẳng mấy khá giả lại như càng nặng nề hơn. Tương lai còn trải dài phía trước, ông Chính quyết tâm vận động con đi cai nghiện tự nguyện tại Cơ sở xã hội Bầu Bàng, thế nhưng niềm vui cũng chẳng được bao lâu. Sau khi cai nghiện trở về gia đình, vì không có công ăn việc làm, Phi lại bị bạn bè xấu rủ rê, một lần nữa vướng vào nàng tiên nâu.

“Được sự quan tâm, giúp đỡ của địa phương và sự vận động của gia đình, con tôi tự nguyện đăng ký đi cai nghiện tại gia đình, cộng đồng. Sau khi được hỗ trợ cắt cơn tại bệnh viện, hàng tháng cán bộ cùng với công an và các đoàn thể đến tận nhà để thăm hỏi sức khỏe, phân tích tác hại nguy hiểm của ma túy để con tôi hiểu và quyết tâm đoạn tuyệt”, ông Chính chia sẻ.

Từ chỗ hiểu được hoàn cảnh gia đình, sau khi hết thời gian cai nghiện, Phi được địa phương tư vấn hỗ trợ gia đình vay vốn để tạo công ăn việc làm, ổn định cuộc sống, tránh xa tệ nạn xã hội. “Gia đình đã được chính quyền địa phương hỗ trợ vay vốn để nuôi heo và gà. Hiện công việc chăn nuôi khá thuận lợi, cho thu nhập ổn định. Con trai tôi từ khi có công ăn việc làm đã không còn ham chơi như trước mà chí thú làm ăn, ổn định cuộc sống”, ông Chính phấn khởi.

Cũng như Phi, T. (27 tuổi, quận Ngũ Hành Sơn) sau khi hết thời gian cai nghiện đã được các hội, đoàn thể địa phương giới thiệu vào làm việc tại một cơ sở điêu khắc đá mỹ nghệ trên địa bàn với mức thu nhập khá. T. chia sẻ: “Đối với em, việc làm có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ để nuôi sống bản thân mà có thể tránh xa bạn xấu, tránh được nguy cơ quay trở lại con đường nghiện ngập”.

Thế nhưng, không phải ai cũng may mắn như Phi và T., mà L.H (30 tuổi, quận Thanh Khê) là một ví dụ. Cũng do bị bạn bè xấu rủ rê rồi nghiện ma tuý lúc nào không hay. Sau 3 năm cai nghiện, H. về nhà và bắt đầu đi xin việc để sinh sống. Sau nhiều cái lắc đầu ái ngại khi biết H. từng nghiện ma tuý, “cuối cùng mình đành phải chọn một công việc khá vất vả ở xa, giấu đi mình là một người nghiện để có thể làm việc nuôi sống bản thân” - H. kể.

Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TP. Đà Nẵng cho biết, trên địa bàn thành phố hiện có hơn 1.590 người nghiện ma túy đang được quản lý, với: 525 học viên đang cai nghiện tại Cơ sở Xã hội Bầu Bàng, 328 người tham gia điều trị Methadone, 718 người đang quản lý sau cai tại nơi cư trú và 20 người đang cai nghiện tại gia đình - cộng đồng.

Hiện Cơ sở Xã hội Bầu Bàng đang quản lý, cai nghiện, giáo dục, dạy nghề cho 525 học viên. Ông Phan Công Hải - Phó giám đốc Cơ sở xã hội Bầu Bàng cho biết, chỉ tính từ đầu năm đến nay, đơn vị đã mở 2 lớp đào tạo các nghề điện dân dụng, sửa chữa xe máy cho 50 học viên. Đây là những nghề không quá phức tạp và dễ học để các em sau khi ra khỏi trung tâm có thể xin được việc làm hoặc tự tạo việc làm nuôi sống bản thân, giảm nguy cơ tái nghiện.

Đối với người sau cai tại gia đình, cộng đồng, Sở LĐ-TB&XH TP. Đà Nẵng cũng cho biết, sau 3 năm triển khai mô hình cai nghiện này, toàn thành phố có 516 người tham gia cai nghiện, gần 55% có việc làm. Trong đó, xác định việc làm là yếu tố quan trọng giúp người sau cai tránh xa các tệ nạn xã hội, nhiều địa phương như phường Tam Thuận, Hòa An, Hòa Hải, thanh Bình, Hải Châu II, Thanh Khê Đông, Hòa Tiến, Hòa Minh, Hòa Khánh Bắc... đã thực hiện khá tốt việc hỗ trợ cho vay vốn và tạo việc làm đối với người đang và sau cai nghiện, giúp họ ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.

Ông Lê Minh Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TP. Đà Nẵng cho biết, đơn vị đang đề xuất UBND Thành phố về việc triển khai thí điểm hỗ trợ tạo việc làm cho người nghiện ma túy đã được chữa trị phục hồi tại quận Sơn Trà và Hải Châu. Dự kiến sẽ tạo việc làm cho 20 - 50 người trong một năm trên địa bàn mỗi quận. Người sau cai có thể được hỗ trợ đào tạo nghề với mức hỗ trợ tối đa bằng 2 lần mức hỗ trợ đào tạo nghề theo quy định hiện nay của UBND TP. Đà Nẵng, được hỗ trợ vay vốn ưu đãi theo hộ gia đình với định mức vay và lãi suất vốn vay như đối với hộ nghèo của thành phố; hỗ trợ sinh kế với mức tối đa 10 triệu đồng/lao động đặc thù.

BÙI MINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh