CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 05:51

Đà Nẵng tăng cường giải pháp, quyết tâm đẩy lùi tệ nạn ma túy

Phóng viên: Xin ông cho biết tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy diễn biến trên địa bàn thành phố Đà Nẵng trong thời gian qua như thế nào?

Ông Đặng Việt Dũng, Phó chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng.

 Ông Đặng Việt Dũng: Thời gian qua, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn thành phố diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Thủ đoạn của tội phạm ma túy ngày càng tinh vi, đối tượng sử dụng ma túy ngày càng trẻ hóa, địa bàn lan rộng đến vùng sâu, vùng xa, vùng giáp ranh gây không ít khó khăn cho các lực lượng chức năng trong công tác triệt phá. Một bộ phận người dân, nhất là thanh, thiếu niên chưa nhận thức rõ tác hại của ma túy; ý thức chấp hành pháp luật về phòng, chống tệ nạn ma túy còn hạn chế. Đến nay, toàn thành phố có 3.016 người liên quan đến ma túy có hồ sơ quản lý, so với năm 2014, tăng 59,7% (1.888/3.016). Trong đó, đáng chú ý là tình hình sử dụng ma túy tổng hợp tăng nhanh; năm 2007, thành phố phát hiện người nghiện sử dụng ma túy tổng hợp đầu tiên thì đến nay tỷ lệ người sử dụng ma túy tổng hợp trong tổng số người có hồ sơ đã tăng lên trên 80%. Số xã, phường có người nghiện ma túy ngày càng mở rộng, toàn thành phố chỉ còn 02 xã không có người nghiện ma túy (Hòa Phú, Hòa Ninh); số xã, phường trọng điểm về ma túy tăng từ 02 phường lên 04 phường (Thọ Quang, Nại Hiên Đông, Mân Thái và Hòa Minh). 

Một hình ảnh đẹp tại Cơ sở Xã hội Bầu Bàng. Ảnh: Giang Sơn

Để kìm chế sự gia tăng tội phạm ma túy và tệ nạn ma túy, thành phố đã triển khai một số nhiệm vụ và giải pháp như:

- Tiếp tục triển khai quán triệt Luật Xử lý vi phạm hành chính số 15/2012/QH13 ngày 20/6/2012; Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 26/12/2014 của Chính phủ về tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống, kiểm soát và cai nghiện ma túy trong tình hình mới; Kết luận số 95-KL/TW ngày 02/4/2014 của Ban Bí thư về “Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới”; Chỉ thị số 37/CT-TU ngày 20/8/2014 của Thành ủy Đà Nẵng về tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống, kiểm soát tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn thành phố; Quyết định số 6111/QĐ-UBND ngày 7/9/2016 phê duyệt Đề án thực hiện mục tiêu “Không có người nghiện ma túy không được kiểm soát trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2020”;

- Tiến hành rà soát, cập nhật danh sách các đối tượng sử dụng ma túy; các đối tượng liên quan đến tội phạm ma túy, từ đó có giải pháp cụ thể, phù hợp với từng nhóm đối tượng như: Lập hồ sơ đề nghị xử lý vi phạm hành chính; cai nghiện tại gia đình - cộng đồng; đưa đi cai nghiện tập trung...;

Các học viên sinh hoạt tại Cở sở Bầu Bàng, Đà Nẵng

- Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các đơn vị, địa phương với các ngành chức năng trong việc thực hiện tuyên truyền, giáo dục phòng ngừa; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy; lập hồ sơ và tổ chức cai nghiện ma túy và làm tốt công tác quản lý sau cai nghiện tại cộng đồng;

Phóng viên: Đà Nẵng được đánh giá là một trong những địa phương có nhiều giải pháp thực hiện tốt việc cai nghiện ma túy, đặc biệt là tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng. Xin ông cho biết những nét cơ bản về lĩnh vực này?

Ông Đặng Việt Dũng: Cùng với việc tăng cường cơ sở vật chất, nguồn lực để đảm bảo công tác cai nghiện bắt buộc tập trung, thành phố còn mở rộng việc cai nghiện trong cộng đồng như: Hướng dẫn các địa phương thành lập Tổ công tác cai nghiện ma túy ở các xã, phường; tiến hành thành lập các khu cắt cơn, cai nghiện tại Trung tâm Y tế các quận, huyện, Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người mới nghiện được tham gia cai nghiện tại gia đình - cộng đồng; điều trị bằng phương pháp châm cứu kết hợp thuốc nam tại Bệnh viện Y học cổ truyền dân tộc thành phố; điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone. Đến nay, đã có 466 người do UBND xã, phường ra quyết định quản lý hoặc áp dụng biện pháp cai nghiện ma tuý tại gia đình - cộng đồng theo Nghị định số 94/2010/NĐ-CP; 307 người tham gia điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone; 681 lượt người tự đi cai nghiện bằng hình thức xã hội hóa tại các bệnh viện. Trong tổng số người cai nghiện tại gia đình - cộng đồng theo Nghị định số 94/2010/NĐ-CP đã có 352 người hoàn thành chương trình được 2 năm, nhưng chỉ có 81 người tái nghiện, chiếm tỷ lệ 23%. Tuy nhiên, tại một số Trung tâm Y tế quận, huyện do chưa được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ y tế chủ yếu kiêm nhiệm nên việc thực hiện quy trình điều trị cắt cơn, giải độc chưa đảm bảo; việc quản lý bệnh nhân trong thời gian điều trị không chặt chẽ, dẫn đến nhiều trường hợp không tuân thủ phác đồ điều trị làm cho công tác cắt cơn, giải độc gặp khó khăn, trở ngại. Do vậy, trong thời gian đến thành phố sẽ đầu tư thành lập Cơ sở Tư vấn và Hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng nhằm đáp ứng nhu cầu cho số người nghiện ma túy mong muốn được tư vấn, cắt cơn, giải độc cai nghiện tại cộng đồng.

Dù diễn biến tình hình về ma túy trên địa bàn thành phố vẫn đang diễn ra hết sức phức tạp nhưng thành phố sẽ quyết tâm tăng cường các biện pháp, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền và áp dụng những cách làm mới, hiệu quả nhằm ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tệ nạn ma túy.

Phóng viên: Xin cám ơn ông!

Giang Sơn

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh