THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 06:29

Đà Nẵng: Kiên trì đấu tranh phòng, chống nạn ma túy ở một địa bàn trọng điểm

 

Tư vấn, kiểm tra sức khỏe cho học viên cai nghiện ma túy.

 

Nằm ở trung tâm thành phố Đà Nẵng, phường Hải Châu II là nơi tập trung các hoạt động dịch vụ buôn bán, giao lưu với nhiều hình thức kinh doanh đa dạng. Đặc biệt, với vị trí giáp ranh với quận Thanh Khê và chợ Cồn, chợ “Trời” nên bên cạnh sự phát triển kinh tế, cũng nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, nhất là tội phạm và tệ nạn ma túy. Từ trước năm 2015, Hải Châu II từng biết đến là phường trọng điểm về ma túy của TP. Đà Nẵng. Thế nhưng, từ năm 2016 đến nay, với sự kiên quyết và kiên trì trong đấu tranh phòng, chống tệ nạn ma túy, công tác này ở phường Hải Châu II đã đem lại những hiệu quả rõ rệt.  

Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm HIV/AIDS, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc phường Hải Châu II cho biết, toàn phường hiện có 49 người có hồ sơ liên quan đến ma túy đang được quản lý. Trong đó, người sử dụng trái phép chất ma túy bị xử phạt hành chính còn trong thời hạn theo dõi 18 người; 18 người tham gia các hình thức, biện pháp cai nghiện, 13 người đang được quản lý sau cai nghiện tại nơi cư trú.

Với đặc điểm là địa bàn phức tạp về ma túy, phường Hải Châu II xác định chỉ có kiên quyết và kiên trì trong đấu tranh phòng, chống tệ nạn ma túy mới có thể đẩy lùi được tệ nạn xã hội này. Hàng loạt các giải pháp đã được chính quyền địa phương phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tích cực triển khai từ việc tuyên truyền, vận động, thuyết phục đến đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm; tổ chức lập hồ sơ áp dụng các hình thức, biện pháp cai nghiện. Bên cạnh đó, phường còn triển khai phong trào thi đua xây dựng khu phố, tổ dân phố hạn chế về tệ nạn ma túy, tiến tới không có tệ nạn về ma túy. Các mô hình hiệu quả nổi bật được triển khai trên địa bàn phường, có thể kể đến như: mô hình “4 phòng – 4 tự” (4 phòng: phòng chống tội phạm – phòng chống ma túy – phòng chống tệ nạn xã hội – phòng cháy, chữa cháy; 4 tự: tự quản – tự phòng – tự bảo vệ - tự hòa giải), hay mô hình “8 trong 1” về tổ chức quản lý, giúp đỡ đối tượng vi phạm pháp luật.

Đặc biệt, qua hơn bốn năm triển khai thực hiện hoạt động của Tổ công tác cai nghiện, toàn phường đã vận động được nhiều trường hợp đăng ký tham gia cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình – cộng đồng. Gần 60% số người hoàn thành chương trình và không tái nghiện trở lại. Ngoài ra, Tổ công tác cai nghiện của phường cũng phát hiện và vận động 19 người nghiện đăng ký cai nghiện ma túy tự nguyện tập trung, với thời gian cai nghiện từ 6 đến 12 tháng. Đa số người đi cai nghiện tự nguyện tập trung về cộng đồng đều đã có tiến bộ.

Các Câu lạc bộ cai nghiện gia đình – cộng đồng (mô hình được Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội TP. Đà Nẵng chọn làm thí điểm), Câu lạc bộ sau cai “Niềm tin” của phường Hải Châu II cũng được đánh giá mang lại hiệu quả thiết thực với nhiều hình thức đa dạng như: sinh hoạt nhóm, tọa đàm với gia đình và đối tượng quản lý, gặp gỡ người thật việc thật, tổ chức hội thi và các hoạt động văn hóa, văn nghệ… đã góp phần tư vấn, động viên, tìm hiểu, nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của các đối tượng để có giải pháp kịp thời.

“Nhờ có sự giúp đỡ, tư vấn của các cô, chú, đặc biệt là thông qua các buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ cai nghiện gia đình – cộng đồng, em đã nhận ra ý nghĩa của cuộc sống, điều đó giúp em quyết tâm sửa chữa lỗi lầm của mình. Em chỉ mong sau khi cai nghiện, sẽ được học nghề, có việc làm để nuôi sống bản thân và có mục tiêu để phấn đấu.” - em N.T. (phường Hải Châu II, quận Hải Châu, Đà Nẵng), chia sẻ.

Theo Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm, HIV/AIDS, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc phường Hải Châu II, bên cạnh công tác quản lý, giáo dục, việc hỗ trợ, giúp đỡ, giải quyết các vấn đề xã hội cho người sau cai nghiện luôn được lãnh đạo phường đặc biệt quan tâm. Nhiều đối tượng sau cai trên địa bàn đã được hướng dẫn làm hồ sơ, thủ tục, tín chấp vay vốn để kinh doanh buôn bán từ nguồn Ngân hành Chính sách xã hội, hỗ trợ phương tiện sinh kế đối với các trường hợp gia đình có hoàn cảnh khó khăn…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, đơn vị này cũng thẳng thắn nhìn nhận, cũng như nhiều địa phương khác, công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, nhất là tệ nạn về ma túy ở phường Hải Châu II còn nhiều những khó khăn, thử thách. Người sử dụng trái phép ma túy ngày càng trẻ hóa dưới 30 tuổi, thậm chí có đối tượng chỉ mới 14 -15 tuổi. Hầu hết người nghiện đều không có việc làm hoặc việc làm không ổn định. Trong khi đó, hiện có nhiều loại ma túy mới xuất hiện, có loại chưa có que thử, do đó người nghiện còn tiềm ẩn, chưa phát hiện hết; thời gian cai nghiện tại gia đình – cộng đồng từ 3 đến 6 tháng, nhưng chủ yếu áp dụng 3 tháng là quá ngắn, chưa kể việc tổ chức cắt cơn điều trị tập trung tại các cơ sở y tế hiện chưa đảm bảo và chưa có phác độ điều trị cho người nghiện ma túy tổng hợp.

Chính vì vậy, Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm, HIV/AIDS, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc phường Hải Châu II cho rằng, cần phải hệ thống hóa chính sách cai nghiện một cách hợp lý, đồng thời sớm nghiên cứu ban hành thống nhất phác đồ điều trị nghiện ma túy tổng hợp, có giải pháp để đấu tranh ngăn chặn tình trạng sử dụng trái phép các chất ma túy mới, nhất là các chất hiện chưa có test thử. Đặc biệt, cần đẩy mạnh công tác tư vấn, tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân để nâng cao ý thức, sự hiểu biết về tác hại của ma túy; phải có sự phối hợp, đồng thuận cao của các cấp, các ngành từ chính quyền đến các đoàn thể chính trị - xã hội, từ nhà trường đến gia đình…

BÙI MINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh