THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:49

‘Cai nghiện ma túy tại cộng đồng là giải pháp quan trọng đầu tiên’

Nội dung trọng tâm của buổi làm việc tập trung vào tình hình phòng, chống tệ nạn ma túy và các lĩnh vực lao động việc làm, giảm nghèo, chăm sóc bảo vệ trẻ em, chính sách người có công trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Những nỗ lực của địa phương

Theo ông Thân Đức Hưởng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, trong năm 2018 và quý 1/2019, công tác thuộc lĩnh vực lao động, người có công và xã hội tại tỉnh Cà Mau đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Tỉnh đã giải quyết việc làm cho hơn 41.500 lao động; tuyển sinh, đào tạo và bồi dưỡng truyền nghề cho 36.255 người, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo (không kể truyền nghề) lên 44%. Bước qua năm 2019, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH tiếp tục triển khai đẩy mạnh công tác giáo dục nghề nghiệp ở các trình độ bằng nhiều biện pháp và phối hợp các trường, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp tổ chức các lớp đào tạo các ngành nghề mũi nhọn của tỉnh.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cùng ông Thân Đức Hưởng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau chủ trì buổi làm việc

Về chính sách ưu đãi người có công, tính đến cuối năm 2018 đã xây mới 2.871 căn nhà cho người có công, sửa chữa 1.083 căn. Sở LĐ-TB&XH đã thẩm định, ra quyết định công nhận và hưởng trợ cấp cho 2.513 đối tượng người có công theo quy dịnh.

Về chính sách bảo trợ xã hội, giảm nghèo bền vững, năm 2018 đã giảm 1,92% số hộ nghèo, hiện tỷ lệ hộ nghèo còn 4,04%. Năm 2019, tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện công tác giảm nghèo bền vững vói mục tiêu tỷ lệ hộ nghèo tiếp tục giảm 1,3%, tương đương khoảng 3.473 hộ; hộ cận nghèo giảm ít nhất 1% - không bao gồm hộ thuộc diện bảo trợ xã hội.

Về công tác phòng, chống TNXH, qua kiểm tra cho thấy số lượt cơ sở vi phạm tăng so với cùng kỳ 2018. Đến 15/11/2018, xác định có 15/101 địa bàn không có ma túy, giảm 24 xã, phường, thị trấn so với năm 2017.

Lãnh đạo UBND tỉnh nhận định, việc cai nghiện tại gia đình và cộng đồng theo Nghị định 94/2010/NĐ-CP của Chính phủ gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Cà Mau (thuộc Sở LĐ-TB&XH) đang gặp khó khăn trong việc tiếp nhận học viên bị xử lý hành chính đưa vào cai nghiện bắt buộc theo quyết định của Tòa án.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tại buổi làm việc

Ông Thân Đức Hưởng cho biết, thời gian qua tỉnh rất quan tâm đến lĩnh vực lao động – xã hội. Cụ thể như vụ bé gái tự tử vì bị xâm hại; với hoạt động XKLĐ, tỉnh có nhiều chính sách hỗ trợ và tác động đến Ngân hàng CSXH để tạo điều kiện thuận lợi cho lao động khi có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài. Do đó, số lao động xuất khẩu trong thời gian tới chắc chắn sẽ tăng lên.

Phải phát triển toàn diện, hài hòa giữa kinh tế và xã hội

Sau khi lắng nghe báo cáo của UBND tỉnh và đại diện các sở, ban, ngành tỉnh Cà Mau cùng ý kiến của các thành viên trong đoàn công tác, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung kết luận một số vấn đề quan trọng:

Bộ trưởng bày tỏ sự vui mừng sau 10 năm trở lại Cà Mau, khi thấy địa phương thay da đổi thịt, diện mạo nông thôn mới khang trang, hạ tầng cơ sở tiến bộ rõ rệt. Đặc biệt, kết quả giảm nghèo năm 2018 trên 4% được coi là kết quả tích cực đáng ghi nhận; công tác chăm lo người có công làm khá tốt, nhất là không có tình trạng trục lợi chính sách.

Bộ trưởng bày tỏ, Đảng bộ, chính quyền, nhất là chính quyền xã phường phải coi an sinh xã hội, phát triển văn hóa xã hội là nhiệm vụ trọng tâm đảm bảo phát triển bền vững. Phải phát triển toàn diện, hài hòa giữa kinh tế và xã hội. Để thực hiện được điều này, Bộ trưởng lưu ý địa phương:

Về lĩnh vực chính sách người có công, cần coi đó là nhiệm vụ quan trọng, không để người có công không được hưởng chính sách; làm sao để các chính sách đến với người có công và thân nhân đầy đủ nhất, chính xác nhất, nhanh nhất; xử lý nghiêm các trường hợp trục lợi chính sách người có công nếu phát hiện ra.

Đối với các trường hợp hồ sơ người có công còn vướng mắc, Bộ trưởng đề nghị phân loại hồ sơ để xem xét. Nếu trong lịch sử đã sai nguyên tắc thì phải làm lại, nhằm đảm bảo chính xác, minh bạch trong dân, trong cơ quan thông tin đại chúng và đảm bảo quyền lợi cho đối tượng. Mọi tồn đọng, vướng mắc cần phải giải quyết dứt điểm trước 27/7. “Với người có công thì không được tiếc mồ hôi, công sức!” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Về lĩnh vực giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới, Bộ trưởng cho biết đây chính là 2 chương trình mục tiêu còn lại đang thực hiện. Xác định là cuộc cách mạng với nông thôn, Bộ trưởng mong tỉnh thực sự đầu tư cho 2 chương trình này nhằm đảm bảo phát triển bền vững, không để phân hóa giàu nghèo quá xa. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến 2 vấn đề: Thứ nhất là sinh kế của người dân, lấy mục tiêu nâng cao thu nhập, nâng cao đời sống người dân làm gốc. Thứ hai, đi liền đó là quan tâm đào tạo nghề - nhất là những vấn đề liên quan sát sườn với đời sống người dân. Đầu tư cho chương trình mục tiêu và đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo hướng đặt hàng cho đầu ra.

Bộ trưởng cũng đề nghị tỉnh xem lại việc phân bổ kinh phí đào tạo nghề cho lao động nông thôn, không nên chuyển kinh phí sang các lĩnh vực khác. Đồng thời, cần rà soát lại toàn bộ hệ thống giáo dục nghề nghiệp tinh gọn, nâng cao chất lượng, hiệu quả. Đặc biệt chú trọng đẩy mạnh phân luồng.

Về lĩnh vực chăm sóc bảo vệ trẻ em, Bộ trưởng đánh giá tình hình ở Cà Mau còn nhiều nhức nhối, bạo lực và xâm hại trẻ em không ít, thậm chí là số vụ việc còn cao so với nhiều địa phương khác. Vì vậy, Bộ trưởng đề nghị UBND, UB chăm sóc bảo vệ trẻ em tỉnh tăng cường thanh tra kiểm tra các ngành đối với phòng chống đuối nước và bạo lực, xâm hại; đề nghị ngành Giáo dục kiểm tra tất cả cơ sở giáo dục mầm non, đến 2020 tất cả phải lắp camera để giám sát. Ngành Giáo dục phải chủ động tuyên truyền, giáo dục, vận động thầy cô về quản lý học sinh trọng nhà trường. Tất cả trưởng hợp giáo viên vi phạm đều phải xử lý nặng nhất, giáo viên bạo lực thì cho thôi việc; ở đâu xảy ra vi phạm, người đứng đầu chịu trách nhiệm. Kiên quyết đóng cửa các cơ sở mầm non nếu xảy ra vi phạm.

Với các trường hợp bạo lực và xâm hại trẻ em, Bộ trưởng đề nghị ngành Công an phải xử lý theo tinh thần nhanh nhất, cơ quan tư pháp xử lý nghiêm minh nhất và các cơ quan có trách nhiệm phải hỗ trợ tốt nhất cho nạn nhân.

Tập trung đầu tư hiệu quả hơn cho công tác phòng, chống ma túy

Về phòng, chống ma túy, thực tế cho thấy, tỷ lệ nghiện ở địa phương là khá cao, nhiều trường hợp sử dụng ma túy đá và con nghiện có tiền án tiền sự. Với những diễn biến như hiện nay, số lượng người nghiện và tính chất phức tạp có thể còn tăng cao. Do đó, Bộ trưởng đề nghị tỉnh nghiêm túc xem xét lại các vấn đề trong quản lý, cai nghiện ma túy. UBND hoặc HĐND tỉnh cần thiết tổ chức hội nghị chuyên đề, có nghị quyết chuyên đề để đầu tư cho phòng chống ma túy, từ tư tưởng chỉ đạo, cơ sở vật chất, cơ chế phối hợp các lực lượng… với các giải pháp đầu tư căn cơ hơn

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trò chuyện với một người cai nghiện bằng Methadone tại cơ sở điều trị ở TP Cà Mau

Trước đó, vào sáng 24/4, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cùng đoàn công tác đã đến thăm cơ sở điều trị methadone ở TP Cà Mau, thăm và làm việc với lãnh đạo, cán bộ, nhân viên và học viên cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Cà Mau (tại xã Khánh An, huyện U Minh). Bộ trưởng chỉ đạo, phải coi cai nghiện tại cộng đồng là giải pháp quan trọng đầu tiên; chỉ đưa vào cơ sở cai nghiện tập trung những trường hợp không thể cai nghiện tại cộng đồng – bao gồm các trường hợp sử dụng ma túy đá, ma túy liều cao và đối tượng có tiền án tiền sự.

Đối với cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Cà Mau – nơi đã từng 5 lần xảy ra “vỡ trại”, Bộ trưởng chia sẻ những khó khăn, vất vả của đội ngũ cán bộ, nhân viên, đồng thời cũng đặt vấn đề: Phải trả lời cho được câu hỏi, vì sao tới 5 lần “vỡ trại”?

Bộ trưởng trò chuyện với một học viên cai nghiện đang học nghề và tham gia sản xuất tại Cơ sở cai nghiện tỉnh Cà Mau

Bộ trưởng yêu cầu đội ngũ cán bộ, nhân viên cơ sở phải không ngừng nâng cao năng lực chuyên môn và tinh thần trách nhiệm; đề nghị tỉnh quan tâm đầu tư hơn nữa về cơ sở vật chất và nguồn nhân lực. Đặc biệt, cần thiết lập mối quan hệ cộng đồng trách nhiệm chặt chẽ, rõ ràng với chính quyền địa phương và lực lượng công an để tăng cường quản lý, đảm bảo duy trì an ninh trật tự. Lãnh đạo đơn vị cũng cần học tập mô hình, cách thức quản lý của các cơ sở khác để áp dụng cho đơn vị mình.

Bộ trưởng cũng đã ân cần thăm hỏi nhiều học viên đang cai nghiện và học nghề, tham gia lao động sản xuất. Bộ trưởng đánh giá cao hoạt động dạy nghề, tạo việc làm cho học viên, coi đó như một cách để nâng cao hiệu quả việc cai nghiện. 

VIỆT HÙNG - Ảnh: XUÂN TRƯỜNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh