THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 12:55

Đà Nẵng: Kiểm tra hơn 200 cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm

 

Với quyết tâm xây dựng xã, phường lành mạnh, không có tệ nạn xã hội (TNXH), bên cạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức đối với người dân, hàng năm, các lực lượng chức năng của thành phố đã tiến hành rà soát, quản lý, phát hiện và đề xuất đấu tranh, triệt xóa các ổ nhóm mại dâm, cơ sở kinh doanh dịch vụ trá hình. Đây được xem là hoạt động tích cực đã góp phần không nhỏ trong việc đẩy lùi tệ các nạn xã hội xảy ra trên địa bàn.

Theo Chi cục phòng, chống TNXH TP. Đà Nẵng, trong 6 tháng đầu năm 2016, từ việc phối hợp với các quận, huyện và lực lượng Công an các địa phương tổ chức khảo sát và triển khai các hoạt động đấu tranh với tệ nạn mại dâm đứng đường tại điểm nóng trên các tuyến đường như Trường Chinh, Nguyễn Tất Thành, Cầu vượt Hòa Cầm, cầu Tuyên Sơn và cầu Nguyễn Văn Trỗi, đội kiểm tra liên ngành 178 các cấp cũng đã tiến hành kiểm tra 210 cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm như các nhà nghỉ, quán bar, karaoke, massage... Qua kiểm tra đã phát hiện gần 40 cơ sở vi phạm hành chính, đề nghị xử phạt hơn 150 triệu đồng; đình chỉ 10 cơ sở và nhắc nhở 161 cơ sở.

Các đại biểu chia sẻ những khó khăn, vướng mắc về công tác cai nghiện gia đình - cộng đồng tại hội nghị giao ban công tác phòng, chống TNXH 6 tháng đầu năm 2016.

Cùng với việc kiên quyết xử lý tệ nạn mại dâm, công tác tiếp nhận, giáo dục, cai nghiện cho người nghiện trên địa bàn cũng là một trong những nhiệm vụ được các ngành chức năng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng chú trọng. Theo đó, tính đến ngày 15/6/2016, trên địa bàn thành phố có 558 người đang cai nghiện tại Trung tâm GD - DN 05 - 06, trong đó có 46 người cai nghiện tự nguyện, 329 người tham gia điều trị Methadone; 328 người đang quản lý sau cai tại nơi cư trú và 26 người cai nghiện tại gia đình - cộng đồng.

Ông Lê Minh Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống TNXH TP. Đà Nẵng cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2016, Trung tâm GD - DN 05 - 06 đã tiếp nhận và đưa vào cắt cơn cai nghiện ma túy cho 326 người nghiện, trong đó có 254 người mới nghiện và 72 người tái nghiện. Ngoài ra, Trung tâm cũng đã giải quyết cho về cộng đồng 281 người, trong đó về đúng hạn là 258 người, công an di lý, khởi tố 10 người...

Được biết, các học viên cai nghiện sau khi vào Trung tâm 05 - 06 sẽ được tiếp nhận, phân loại, quản lý, tư vấn, giáo dục phục hồi hành vi nhân cách, tổ chức lao động sản xuất, đảm bảo an ninh trật tự và phòng, chống thẩm lậu các chất kích thích vào Trung tâm một cách chặt chẽ.

Công tác chăm lo đời sống tinh thần cho học viên cũng được quan tâm hàng ngày như: Học viên được xem thời sự, phim, ảnh, đọc sách, báo, điện thoại cho gia đình đến cải thiện bữa ăn... Từ việc chăm lo tốt đời sống cho các học viên tại Trung tâm, trong 6 tháng đầu năm 2016 đã có hơn 58% học viên tại Trung tâm xếp loại tốt với gần 330 học viên.

Đối với công tác cai nghiện tại gia đình -  cộng đồng, mặc dù hầu hết các địa phương đều tổ chức tốt việc lập hồ sơ, tổ chức điều trị, cắt cơn, giải độc và quản lý chặt chẽ, có phân công theo dõi, kèm cặp, kiểm danh, kiểm diện, đánh giá định kỳ. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hùng Hiệp, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP. Đà Nẵng, trong quá trình tổ chức cai nghiện tại gia đình - cộng đồng, một số địa phương vẫn chưa nắm vững các quy định nên còn lúng túng, không lập hồ sơ đưa vào cai nghiện tại gia đình - cộng đồng đối với các trường hợp bị áp dụng biện pháp quản lý, giáo dục tại xã, phường do nghiện ma túy, vì thế số người cai nghiện theo mô hình hình này còn quá ít.

Về công tác cai nghiện tại gia đình- cộng đồng, bà Trần Thị Kim Minh, Phó phòng LĐ-TB&XH quận Sơn Trà cũng cho biết, thực tế người nghiện vẫn chưa tự giác đăng ký cai nghiện, nên phần lớn các xã, phường đều phải áp dụng biện pháp cai nghiện ma túy bắt buộc. Trong đó, việc quản lý, kèm cặp, giúp đỡ người nghiện ma túy tại gia đình- cộng đồng trong thời gian cắt cơn, giải độc tại Trung tâm y tế cũng chưa được chặt chẽ, khó khăn về cơ sở vật chất...

Ông Nguyễn Hùng Hiệp cho biết:  Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về tệ nạn xã hội, khơi gợi nhận thức trong các đối tượng về sự quan tâm của xã hội, từ đó giúp các đối tượng có niềm tin vào cuộc sống, từ bỏ ma túy, mại dâm... sẽ là biện pháp phòng, chống TNXH một cách bền vững.      

BÙI MINH/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh