THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 05:04

Đà Nẵng: Hơn 500 người cai nghiện túy tại gia đình, cộng đồng

Ảnh minh họa 

Báo cáo tại Hội thảo cho thấy, sau ba năm triển khai, toàn TP. Đà Nẵng đã có 516 người tham gia cai nghiện theo mô hình gia đình- cộng đồng, trong đó có 255 người tham gia cai nghiện tự nguyện, gần 55% số người cai nghiện tại gia đình- cộng đồng có việc làm.

  Ông Lê Minh Hùng, Chi Cục trưởng Chi Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội TP. Đà Nẵng cho biết, “Nhiều địa phương tổ chức khá tốt việc lập hồ sơ, tổ chức điều trị cắt cơn, giải độc, phân công theo dõi, kèm cặp, kiểm danh, kiểm diện, đánh giá định kỳ đối với các trường hợp sau điều trị cắt cơn. Một số địa phương làm tốt công tác này phải kể đến như xã Hòa Tiến, các phường Tam Thuận, Vĩnh Trung, Hòa Thọ Đông, Thanh Bình, Hòa Minh, Hải Châu 2, Hòa Hải, …”

Từ việc tổ chức kèm cặp, phân công người theo dõi, giúp đỡ đối tượng, các phường còn tổ chức hỗ trợ cho các đối tượng cai nghiện được vay vốn và tạo việc làm, giúp các em quyết tâm đoạn tuyệt với “nàng tiên nâu”. Một số nơi khác lại vận dụng phương pháp đẩy mạnh công tác cai nghiện tại gia đình – cộng đồng bằng việc tổ chức các chương trình cai nghiện phù hợp, hiệu quả, thiết thực với tình hình cụ thể tại địa phương. Trong đó, Câu lạc bộ cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng của phường Tam Thuận (quận Thanh Khê) là một ví dụ.

Thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề với các nội dung như “ma túy, hiểm họa”; “ngáo đá - hệ lụy khôn lường”, đặc biệt là việc tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa bằng cách cho hội viên Câu lạc bộ tham dự các phiên xét xử lưu động của Tòa án đối với tội phạm về ma túy, chứng kiến các phiên xét đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, các hoạt động từ thiện…, địa phương này đã làm tốt công tác cai nghiện ma túy tại gia đình – cộng đồng từ việc giúp các em thấy được ý nghĩa của cuộc sống, thấy được những số phận, cảnh đời khó khăn để từ đó biết quý trọng sức lao động, sử dụng tiền đúng mục đích và quan trọng là quyết tâm làm lại cuộc đời.

Được biết, trong số 516 người tham gia cai nghiện ma túy tại gia đình- cộng đồng tại TP. Đà Nẵng, đã có 378 em đã hoàn thành thời gian cai nghiện, hòa nhập cuộc sống, trở thành người có ích cho gia đình, cộng đồng và xã hội.

Tại hội thảo, nhiều đại biểu bày tỏ, công tác cai nghiện tại gia đình- cộng đồng vẫn còn nhiều khó khăn đáng bàn, tỷ lệ tái nghiện còn cao (chiếm 22,1%).  "Từ năm 2014 trở về trước, Đà Nẵng phấn đấu vì mục tiêu “Không có người nghiện ma túy trong cộng đồng” nên chỉ chú trọng tổ chức cai nghiện tập trung. Tuy nhiên, sau khi Luật xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực trong lĩnh vực cai nghiện ma túy thì việc xác định người nghiện cũng như quy trình, thủ tục, thẩm quyền để đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện cũng có nhiều thay đổi. Qua ba năm triển khai công tác cai nghiện tại gia đình- cộng đồng trên địa bàn thành phố, hiệu quả mà mô hình này mang lại đã thấy rõ, tuy nhiên ở một số nơi lại chưa thực sự làm tốt"-ông Nguyễn Hùng Hiệp, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP. Đà Nẵng cho biết.

Theo ông Hiệp, một số địa phương chưa quan tâm đến công tác này mà cho rằng, cai nghiện tại gia đình – cộng đồng chỉ là thủ tục để sau đó đưa người nghiện đi cai nghiện tập trung. Việc lập hồ sơ vì vậy cũng thường sơ sài, không sát với thực tế. Việc đưa đi giải độc chỉ 3 đến 5 ngày, mặc dù chưa thải hết chất ma túy, nghĩa là còn dương tính với ma túy nhưng vẫn cho ra viện.

Lấy ví dụ từ một địa phương làm tốt công tác cai nghiện tại gia đình – cộng đồng là phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, ông Hiệp cho biết, tại địa phương này, quy trình lập hồ sơ người cai nghiện tại gia đình- cộng đồng được làm khá kỹ và đầy đủ. Trước khi lập hồ sơ, địa phương còn thực hiện việc tư vấn cho bản thân người nghiện cũng như gia đình của họ về quy trình, quá trình cai nghiện…để gia đình và địa phương có được sự hợp tác tốt nhất.

 

BÙI MINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh