Đà Nẵng: Hiệu quả từ mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp
- Dược liệu
- 22:36 - 13/04/2018
Ông Nguyễn Mạnh Thắng, thôn Trung Nghĩa, xã Hòa Ninh, Hòa Vang (Đà Nẵng) với mô hình trồng rau ứng dụng công nghệ cao
Hơn hai năm nay, người dân ở xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang không ai không biết đến mô hình trồng rau theo tiêu chuẩn Viet Gap của ông Nguyễn Mạnh Thắng, thôn Trung Nghĩa, xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng. Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao nhờ ứng dụng công nghệ kỹ thuật trong sản xuất rau sạch, hàng năm mô hình của ông Thắng còn cung ứng cho thị trường hàng trăm tấn rau các loại, tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương.
Theo đó, cuối năm 2016, được TP. Đà Nẵng hỗ trợ 50% vốn đề xây dựng hai mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau đầu tiên ở thành phố, ông Nguyễn Mạnh Thắng đã quyết định đầu tư hơn 2 tỷ đồng, chặt phá 1 héc ta cây keo, san ủi mặt bằng, lắp đặt lồng kính, thiết bị phun sương và mua sắm các thiết bị cần thiết để trồng rau sạch theo mô hình công nghệ cao.
Ứng dụng mô hình trồng rau theo chuỗi rau sạch mới nhất của nông nghiệp nhằm vừa đem lại hiệu quả kinh tế, vừa đưa ra thị trường những sản phẩm rau sạch an toàn, chất lượng phục vụ nhu cầu của người dân đô thị, ông Thắng cho biết “Với diện tích khoảng 20.000 m2, chủ yếu trồng các loại rau như: Cải cay, cải ngọt, rau muống, xà lách, khổ qua, dưa leo, bầu, ớt Nhật, ớt Đà Lạt... Bên cạnh việc đảm bảo các tiêu chuẩn về ứng dụng công nghệ, trồng rau trong nhà kính phải đảm bảo điều kiện về độ ẩm, ánh sáng, cũng như hệ thống tưới nước tự động nhằm giúp rau sinh trưởng, phát triển tốt, đảm bảo tiêu chuẩn”.
Được biết, với 20.000 m2, hiện mô hình sản xuất rau sạch theo tiêu chuẩn Viet Gap của ông Thắng mỗi năm cung ứng cho thị trường Đà Nẵng hơn 500 tấn rau các loại. Ông Thắng tính toán, sau khi trừ tất cả các khoản chi phí, ông còn lãi khoảng hơn 300 triệu đồng.
Thấy được hiệu quả từ mô hình trồng rau ứng dụng công nghệ cao, ông Thắng đứng ra thành lập Hợp tác xã rau, hoa, củ quả Hòa Vang nhằm mở rộng mô hình sản xuất, tạo thêm việc làm cho người dân. Hiện nhiều lao động tại địa phương đã có công ăn việc làm ổn định với mức thu nhập trung bình 5,2 triệu đồng/người/tháng từ mô hình Hợp tác xã rau, hoa, củ quả Hòa Vang mà ông Thắng lập ra.
Ông Đặng Phú Hành, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng cho biết, huyện Hòa Vang là địa phương có diện tích đất nông nghiệp lớn nhất thành phố với diện tích 65 hécta. Những năm qua, sản xuất nông nghiệp ở huyện Hòa Vang có những bước phát triển vượt bậc. Năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi được nâng lên rõ rệt, được tiêu thụ ổn định và có chỗ đứng trên thị trường. Hiện, trên địa bàn huyện Hòa Vang đã hình thành hơn 20 mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, bước đầu mang lại hiệu quả rõ rệt, trong đó mô hình trồng rau theo tiêu chuẩn Viet Gap của ông Nguyễn Mạnh Thắng ở Hòa Ninh là một ví dụ tiêu biểu.
Ông Hành cũng cho biết, với việc triển khai thực hiện nông nghiệp theo hướng là nông nghiệp công nghệ cao phục vụ cho đô thị Đà Nẵng, thời gian tới, huyện Hòa Vang sẽ xây dựng các cơ sở dịch vụ phục vụ phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Trong đó, sẽ tập trung đẩy mạnh, kêu gọi các doanh nghiệp, các nhà đầu tư có kinh nghiệm trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở Lâm Đồng về đầu tư trên địa bàn huyện để phát triển những vùng chuyên sâu...
Ứng dụng công nghệ cao để tạo đột phá trong sản xuất nông nghiệp, những năm qua, TP. Đà Nẵng là một trong những địa phương đã có nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ, tạo nguồn lực giúp nông dân đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Về sản xuất cây lúa, thành phố đã hỗ trợ cơ giới hóa 50% giá trị thiết bị, hệ thống tưới tiết kiệm, phun sương cũng được hỗ trợ một nửa chi phí lắp đặt. Hàng năm, ngành nông nghiệp thành phố đầu tư khoảng 300 đến 500 triệu đồng, giúp nông dân tiếp cận kỹ thuật áp dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.
UBND TP. Đà Nẵng cũng đã phê duyệt quy hoạch 7 vùng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tập trung vào sản xuất rau an toàn, chăn nuôi gia súc gia cầm, sản xuất nấm thương phẩm và dược liệu. Đặc biệt, với việc triển khai Đề án đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, TP. Đà Nẵng đã đầu tư trên 30 tỷ đồng cho lĩnh vực nông nghiệp, tạo ra những bước phát triển tích cực về kinh tế - xã hội trên địa bàn của huyện Hòa Vang. Một số dự án ứng dụng công nghệ cao, một số quy hoạch bước đầu đã cho thấy hiệu quả vượt trội.