An Giang: Dạy nông dân trồng nấm rơm ứng dụng công nghệ cao
- Dược liệu
- 22:21 - 21/04/2017
Thực hiện Nghị quyết 80/NQ – CP của Chính phủ và Quyết định 107/QĐ – UBND tỉnh về định hướng giảm nghèo bền vững đến năm 2020, Sở LĐ – TB & XH tỉnh An Giang đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể triển khai thực hiện các mô hình giảm nghèo bền vững.
Trong đó, đã xác định động lực giảm nghèo chính là tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp, chính sách giảm nghèo, trong đó đặc biệt quan tâm đến công tác dạy những nghề thiết thực phù hợp với điều kiện của từng lao động nông thôn.
Tạo môi trường thuận lợi để người nghèo tiếp cận các dịch vụ sản xuất, dịch vụ xã hội, nhất là tạo điều kiện hỗ trợ nông dân tham gia các lớp dạy nghề, tập huấn về kỹ thuật trồng nấm rơm ứng dụng công nghệ mới.
Nhiều nông dân cho biết, nghề trồng nấm rơm ở An Giang đã phát triển từ rất lâu, nhưng chủ yếu là trồng ngoài trời theo phương pháp truyền thống.
Đây được đánh giá là mô hình tận dụng tốt phế phẩm rơm trên đồng, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho nông dân.
Được biết trong những năm từ 2005 – 2010, thực hiện dự án trồng nấm rơm của tỉnh, diện tích trồng nấm rơm ở An Giang có lúc lên đến gần 4.000 ha.
Mô hình trồng nấm rơm trong nhà ứng dụng nguyên liệu compost hiệu quả kinh tế cao đã và đang được nhân rộng ở An Giang.,
Tuy nhiên, trồng nấm rơm ngoài trời theo phương pháp truyền thống, năng suất chưa cao, nên từ 2013 đến nay, thực hiện Nghị quyết 09 của Tỉnh ùy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Trung tâm Khuyến nông An Giang đã triển khai thực hiện mô hình mới, đó là trồng nấm rơm trong nhà.
Mô hình này bước đầu đã giúp cho người nông dân trồng nấm rơm giải quyết được bài toán thiếu hụt nguồn rơm nguyên liệu và cho năng suất cao hơn cách trồng truyền thống từ 30 – 40 %, hiệu quả kinh tế cao hơn 30 %, so với trồng ngoài đồng.
Để hỗ trợ kịp thời cho nông dân, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang đã mời Công ty Meo giống Thần Nông đến tập huấn, chuyển giao việc ứng dụng nguyên liệu compost để trồng nấm rơm trong nhà.
Đây là một hướng phát triển mới, giúp cho năng suất và chất lượng nấm tăng so với cách trồng truyền thống. Với phương pháp này, nông dân chỉ cần mua compost về chăm sóc theo quy trình hướng dẫn của công ty, không cần ủ rơm, đả rơm như trước đây.
Nguyên liệu compost gồm rơm ủ được phối trộn dinh dưỡng và chất bổ sung theo phương pháp làm công nghiệp hạn chế sự nhiễm tạp của nấm dại, giúp nấm rơm phát triển tốt và cho năng suất cao, chất lượng.
Một nông dân ở xã An Hòa, huyện Châu Thành cho biết, mô hình trồng nấm rơm bằng compost đã giúp ông rút ngắn được thời giam ủ rơm, đảio rơm, đảm bảo chất lượng nấm, nên tăng lợi nhuận đáng kể.
Theo ông, trồng nấm rơm bằng compost đã giúp cho người nông dân trồng nấm nhanh chóng tăng thu nhập, cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa thành thị, nông thôn, giữa đồng bằng, miền núi, giữa nhóm hộ giàu và nhóm hộ nghèo.