CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 12:04

Ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp: Nhiều lực cản

Nông dân "đói" vốn và thông tin thị trường

Ngay từ năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1895 phê duyệt Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sau đó,  nhiều chính sách liên quan từ Chính phủ và các bộ, ngành cũng được ban hành  Đặc biệt, năm 2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 575 phê duyệt quy hoạch tổng thể khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Theo Quyết định này, mục tiêu đến năm 2020 sẽ xây dựng 10 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó 8 khu đã được UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định thành lập.

Tuy nhiên, trên thực tế, đến giữa năm 2017, cả nước mới có 2 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được Thủ tướng thành lập (1 tại Hậu Giang và 1 tại Phú Yên); 1 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được công nhận tại Kiên Giang (sản xuất tôm thẻ chân trắng).Đặc biệt, đến nay, cả nước mới có 28 doanh nghiệp được Bộ NN-PTNT công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Ngân hàng Nhà nước cũng đã có "gói" tín dụng 100 nghìn tỷ đồng cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch. Theo đó, khách hàng vay vốn gói tín dụng này được hưởng lãi suất thấp hơn từ 0,5%/năm đến 1,5%/năm so với mức lãi suất cho vay thông thường cùng kỳ hạn của ngân hàng thương mại..

Người nông dân rất cần sự hỗ trợ của nhà nước trong tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm

 

Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, hiện vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, tổ chức sản xuất vẫn không đồng bộ, giá trị sản xuất chưa cao, khoa học công nghệ chưa phát huy vai trò là động lực, là đòn bẩy trong sản xuất, sự gắn kết giữa KHCN và hoạt động sản xuất kinh doanh còn khiêm tốn. Nông dân và doanh nghiệp làm nông nghiệp công nghệ cao vẫn đối mặt nhiều thách thức về: huy động quỹ đất, kêu gọi đầu tư; tiếp cận vốn; giống cây trồng còn phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu, các hộ sản xuất còn thiếu thông tin về thị trường tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu…

"Sản xuất nông nghiệp Việt Nam còn bị tác động mạnh, thách thức của điều kiện ngoại cảnh, các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp còn nhỏ lẻ, phân bố không đồng đều, chưa đảm bảo giảm thiểu được ảnh hưởng của các yếu tố khí hậu bất thuận đến sản xuất nông nghiệp. Nửa đầu năm 2017 cho thấy, còn rất nhiều bất ổn về thị trường tiêu thụ nông sản, việc sản xuất sạch, sản xuất theo chuỗi còn chậm."- ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT nhấn mạnh.

Đến thời điểm này, việc xây dựng khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên toàn quốc và phát triển doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa đáp ứng kế hoạch đã đề ra. Công tác triển khai xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thường bị kéo dài do những chậm trễ liên quan đến công tác quy hoạch, khó khăn trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng, thiếu vốn đầu tư.

Không phải khó mà không làm

Với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô, Hà Nội có nhiều lợi thế hơn các địa phương khác trong việc triển khai ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp vẫn chưa thu hút được doanh nghiệp lớn tham gia.

HĐND thành phố đã phê duyệt nghị quyết về ban hành chính sách thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, UBND TP cũng đã ban hành quyết định phê duyệt Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2016-2020 với tổng số vốn trên 8.000 tỷ đồng. Theo đó, đến năm 2020, thành phố sẽ có một khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được đưa vào hoạt động. Tuy nhiên, đến nay, thành phố mới có 46 mô hình nông nghiệp công nghệ cao, chưa có khu nông nghiệp công nghệ cao được phê duyệt, chưa có DN nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được công nhận

Theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, thời gian qua, việc triển khai khu nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn thành phố gặp nhiều khó khăn, vì liên quan đến đất phải đền bù bồi thường cho người dân, nếu doanh nghiệp muốn thuê đất lâu dài rất khó; giá trị thỏa thuận với các hộ để các doanh nghiệp có thể bồi thường, hỗ trợ hằng năm có các mức khác nhau tuỳ địa bàn và khó khăn nhất là làm sổ đỏ.  “Tuy nhiên, không phải khó mà không làm”, ông Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.

Vừa qua, Hà Nội đã xây dựng Chương trình hỗ trợ các xưởng giết mổ, những hộ trồng chè, trồng rau ở vùng có công nghệ cao; xây dựng được 60 chuỗi tiêu thụ sản phẩm của các hộ nông dân; lên kế hoạch xây dựng hệ thống chăn nuôi, trong đó ưu tiên phát triển đàn bò có giống lai của Bỉ, hiện đã được hơn 60.000 con, kêu gọi đầu tư và Vinamilk sẽ đầu tư khu chăn nuôi bò tập trung tại huyện Ba Vì… Đây là những chương trình hỗ trợ rất rõ, được triển khai mạnh mẽ.

Hà Nội khuyến khích xây dựng vườn ươm, ươm tạo giống hoa lan

 

Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho biết, thời gian tới, thành phố sẽ nghiên cứu hai mô hình. Mô hình thứ nhất liên quan đến trồng rau với diện tích hơn 250 ha của Văn Đức, một số tập toàn sẽ hợp tác với người dân để trồng rau sạch. Hà Nội có thế mạnh là nơi tập trung nhiều nhà khoa học và doanh nghiệp có nguồn lực chất lượng cao, nên mô hình thứ hai là khuyến khích xây dựng vườn ươm, ươm tạo giống hoa lan để cung cấp cho người dân trên địa bàn thành phố và các tỉnh lân cận. Hiệp hội hoa lan của một số nước trong khu vực đang xây dựng phương án và thành phố khuyến khích tạo điều kiện để các hiệp hội này đầu tư trong thời gian tới, sản xuất ra các giống hoa này.

Liên quan đến dây chuyền giết mổ, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho rằng, sau khi quy hoạch quản lý lại toàn bộ hệ thống giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố, dây chuyền giết mổ đi vào hoạt động, các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm sẽ phải thực hiện theo quy chuẩn, theo chuỗi, khi đó mới giúp nền nông nghiệp Hà Nội có bước khởi sắc mạnh hơn so với hiện nay.

BẢO CHÂU

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh