THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 02:38

Đà Nẵng đưa sản phẩm OCOP tiếp cận thị trường quốc tế

Sản phẩm bánh khô mè Bà Liễu Mẹ đạt chuẩn OCOP 4 sao, hiện đã có chỗ đứng nhất định trên thị trường trong nước và đang xúc tiến xuất khẩu sang các nước Trung Quốc và Thái Lan...

Sản phẩm bánh khô mè Bà Liễu Mẹ đạt chuẩn OCOP 4 sao, hiện đã có chỗ đứng nhất định trên thị trường trong nước và đang xúc tiến xuất khẩu sang các nước Trung Quốc và Thái Lan...

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2018. Chương trình nhằm phát triển sản phẩm nông nghiệp, làng nghề, tiểu thủ công nghiệp có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Tại TP Đà Nẵng, qua 5 năm triển khai, Chương trình OCOP đã tạo nên phong trào khởi nghiệp mạnh mẽ, góp phần chuyển đổi sản xuất theo hướng tăng quy mô sản xuất hàng hoá gắn với liên kết chuỗi của địa phương. Hiện, nhiều sản phẩm OCOP của Đà Nẵng được người tiêu dùng trong và ngoài nước đánh giá cao.

Nức tiếng với sản phẩm quà bánh đặc sản tại Đà Nẵng, cơ sở sản xuất và trưng bày các sản phẩm bánh khô mè Bà Liễu Mẹ (phường Hoà Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng) luôn tấp nập người đến mua sắm. Đây cũng là địa điểm được người tiêu dùng và đông đảo khách du lịch ghé thăm trong chuyến hành trình của mình.

Mỗi ngày, cơ sở này sản xuất hơn 1.500 sản phẩm các loại. Vào dịp cuối năm, người đặt hàng, mua về làm quà tết ngày càng nhiều nên sản lượng của cơ sở tăng lên 4.000 đến 5.000 sản phẩm.

Anh Huỳnh Đức Sol, Chủ cơ sở bánh khô mè Bà Liễu Mẹ cho biết, sản phẩm bánh khô mè đạt chuẩn OCOP 4 sao, hiện đã có chỗ đứng nhất định trên thị trường trong nước. Năm nay, cơ sở đang xúc tiến xuất khẩu sang các nước Trung Quốc và Thái Lan. Sản phẩm làm ra tăng gấp 5 đến 7 lần so với trước.

Anh Huỳnh Đức Sol cũng mong muốn, ngành Công Thương TP Đà Nẵng tiếp tục đồng hành, hỗ trợ xúc tiến, quảng bá sản phẩm, kết nối giao thương với các thị trường quốc tế.

“Hiện nay, thị trường trong nước cơ bản ổn định, sản lượng của cơ sở đều tăng so với trước. Sắp tới, chúng tôi tập trung xuất khẩu đến các thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan. Tại các nước châu Âu, cơ sở cũng có đối tác nhập hàng về bán và có rất nhiều tiềm năng để phát triển ở các thị trường này”, anh Sol cho biết.

Nức tiếng là sản phẩm quà bánh đặc sản tại Đà Nẵng, được người tiêu dùng đánh giá cao.

Nức tiếng là sản phẩm quà bánh đặc sản tại Đà Nẵng, được người tiêu dùng đánh giá cao.

Góp phần tạo nên thương hiệu, vươn tầm xuất ngoại, mới đây, sản phẩm bánh dừa nướng TOPCOCO - sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao của Công ty TNHH Mỹ Phương Foods (xã Hoà Sơn, huyện Hoà Vang, Đà Nẵng) đã xuất hơn 200.000 sản phẩm bánh dừa nướng sang thị trường Trung Quốc.

Trước đó, sản phẩm của công ty cũng đã kết nối và chinh phục được các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Hà Lan, Pháp, Mỹ. Bình quân mỗi năm, doanh nghiệp này xuất khẩu ra thị trường 400 tấn bánh dừa nướng, trong đó xuất khẩu qua thị trường nước ngoài 150 tấn, doanh thu hơn 20 tỷ đồng.

Theo lãnh đạo công ty, sản phẩm bánh dừa nướng được chứng nhận 4 sao và tiềm năng 5 sao đã tạo thuận lợi cho việc kinh doanh phát triển tốt, người tiêu dùng cũng biết đến nhiều hơn. Nhờ đó, tạo được công ăn việc làm cho gần 100 lao động với mức lương từ 7-12 triệu đồng/người/tháng.

Được biết, hiện TP Đà Nẵng có 64 sản phẩm được chứng nhận OCOP. Trong đó, có 21 sản phẩm đạt 4 sao, 42 sản phẩm đạt 3 sao và 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao. Nhiều sản phẩm OCOP đã có mặt trên thị trường quốc tế với kim ngạch xuất khẩu tăng qua từng năm... 

Nhiều sản phẩm OCOP đã kết nối và chinh phục được các thị trường khó tính nước ngoài.

Nhiều sản phẩm OCOP đã kết nối và chinh phục được các thị trường khó tính nước ngoài.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, hợp tác xã sản xuất OCOP, thời gian qua, TP Đà Nẵng đã đồng hành cùng các doanh nghiệp hỗ trợ về máy móc thiết bị, đồng thời phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm, hướng đến xuất khẩu. Đến nay, nhiều sản phẩm OCOP khẳng định được vị trí trên thị trường thông qua kết nối, quảng bá, các hội chợ triển lãm trong và ngoài nước.

Mới đây, TP Đà Nẵng cũng đã xây dựng 2 điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của thành phố tại nơi thường xuyên thu hút đông người dân và du khách tham quan mua sắm tại chợ Hàn và chợ đêm Sơn Trà.

Bà Vũ Thị Bích Hậu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Đà Nẵng cho biết: Sản phẩm OCOP của thành phố không chỉ phát triển ở thị trường trong nước mà cả ở thị trường nước ngoài.

“Chúng tôi mong muốn hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển, từ mẫu mã, các quy trình, quy chuẩn để làm sao xuất khẩu đem lại giá trị đích thực cho nhà sản xuất và các chủ thể của OCOP. Sản phẩm OCOP đã tạo được chuỗi giá trị sản phẩm, tăng thêm thu nhập, tạo công ăn việc làm cho người dân", bà Vũ Thị Bích Hậu cho biết.

Nhiều sản phẩm đã khẳng định được vị trí trên thị trường thông qua kết nối, quảng bá sản phẩm...

Nhiều sản phẩm đã khẳng định được vị trí trên thị trường thông qua kết nối, quảng bá sản phẩm...

Với sự tin dùng, đánh giá cao từ người tiêu dùng trong và ngoài nước, sản phẩm OCOP của Đà Nẵng đã từng bước khẳng định được giá trị và uy tín trên thị trường, góp phần tăng trưởng về doanh thu, cải thiện thu nhập và chất lượng đời sống cho người dân.

Thành phố Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2025, có 135 sản phẩm được xếp hạng OCOP 3 sao trở lên; 56/56 xã, phường đều có sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP. Tổng kinh phí dành cho chương trình phát triển OCOP giai đoạn 2022- 2025 của thành phố là gần 30 tỷ đồng.

TÚ ANH

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh