CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:56

Đà Nẵng chăm lo chu đáo cho người có công cách mạng

Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng”,… luôn được sự hưởng ứng mạnh mẽ, sâu rộng và đều khắp trên địa bàn thành phố.

Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng”,… luôn được sự hưởng ứng mạnh mẽ, sâu rộng và đều khắp trên địa bàn thành phố.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Đà Nẵng, hiện, thành phố có hơn 18,6 nghìn lượt người có công với cách mạng và thân nhân hưởng trợ cấp thường xuyên theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, với tổng kinh phí chi trả hàng năm hơn 360 tỷ đồng, trong đó: 114 Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống; 42 Anh hùng Lực lượng vũ trang, anh hùng lao động trong kháng chiến; 16 cán bộ lão thành cách mạng; 44 cán bộ tiền khởi nghĩa; 7.824 thương binh, bệnh binh; 1.455 người có công giúp đỡ cách mạng; 2.455 người hoạt động kháng chiến và con đẻ bị nhiễm chất độc hóa học và 3.502 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày…

Ngoài ra, thành phố còn có hơn 90 ngàn người có công với cách mạng hưởng trợ cấp 1 lần, 1.224 cựu thanh niên xung phong và 3.293 hội viên tù yêu nước.

Trong 25 năm qua, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các sở, ngành liên quan trên địa bàn thành phố đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ xác nhận, tặng Bằng Tổ quốc ghi công cho 2.317 liệt sĩ; xác nhận, giải quyết chế độ trợ cấp cho 1.836 thương binh; đề nghị Nhà nước phong và truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng cho 2.085 Mẹ; tặng thưởng Huân chương Độc lập các hạng cho 918 gia đình có nhiều liệt sĩ; giải quyết trợ cấp 1 lần cho hơn 42 nghìn lượt đối tượng.

Bà Trương Thị Như Hoa, Trưởng phòng Người có công, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Đà Nẵng cho biết, Chỉ thị số 14-CT/TW của Ban Bí thư khóa XII về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng” ra đời năm 2017 đã tạo ra sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức và hành động của các cấp ủy Đảng, các ngành, chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị xã hội. Đến nay, năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với công tác người có công với cách mạng được nâng cao; hồ sơ tồn đọng được rà soát và hồ sơ mới được giải quyết kịp thời để công nhận người có công với cách mạng. Việc xây dựng, nâng cấp, tu bổ mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, công trình ghi công liệt sĩ được quan tâm đầu tư; công tác tìm kiếm, quy tập và lấy mẫu sinh phẩm xác định danh tính hài cốt liệt sĩ được triển khai tích cực; tăng cường đầu tư từ ngân sách nhà nước cùng với đẩy mạnh huy động, đa dạng hóa các nguồn lực xã hội đối với công tác người có công với cách mạng.

Hoạt động "Đền ơn đáp nghĩa" được triển khai sâu rộng và đều khắp, đời sống gia đình người có công không ngừng được cải thiện. Nhiều chế độ chính sách đặc thù phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của thành phố đã được ban hành. Việc triển khai chính sách ưu đãi người có công cách mạng luôn được thành phố thực hiện đúng đối tượng, kịp thời, đầy đủ theo quy định pháp luật.

Hiện nay, tổng nguồn lực đầu tư từ ngân sách thành phố khá lớn với trên 60 tỷ đồng/năm với hơn 50 ngàn lượt người thụ hưởng các chính sách hỗ trợ đặc thù này, đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo thành phố, qua đó góp phần từng bước nâng cao mức sống gia đình chính sách và đảm bảo an sinh xã hội cho thành phố.

Thời gian qua, TP Đà Nẵng còn đặc biệt chú trọng công tác hỗ trợ cải thiện nhà ở, miễn giảm tiền sử dụng đất, chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của Trung ương và chính sách đặc thù của Đà Nẵng. Kết quả, từ năm 1997 - 2021, 11.890 gia đình người có công cách mạng trên địa bàn thành phố đã được miễn giảm và hỗ trợ tiền sử dụng đất với tổng kinh phí 341,301 tỷ đồng và 19.246 lượt hộ người có công được xây nhà tình nghĩa, hỗ trợ sửa chữa và xây mới nhà ở, với tổng kinh phí 391,251 tỷ đồng.

Công tác chăm sóc sức khỏe, điều dưỡng, tham quan cho người có công với cách mạng cũng được chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm. Ngoài Nghị quyết 245/2019/NQ-HĐND thành phố hỗ trợ mỗi tháng từ 1 - 1,5 triệu đồng cho một số nhóm người có công, theo quy định của Pháp lệnh Ưu đãi, người có công còn được hưởng chế độ điều dưỡng tại nhà, điều dưỡng luân phiên hàng năm và được cấp dụng cụ chỉnh hình, trang thiết bị phục hồi chức năng.

Bên cạnh đó, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa thành phố và các quận, huyện cũng hỗ trợ thêm kinh phí để tạo điều kiện cho người có công còn đủ sức khỏe đi tham quan và điều dưỡng ở các khu du lịch, nghỉ mát và thăm các danh lam thắng cảnh khu, di tích lịch sử và thăm chiến trường xưa, Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn và Nghĩa trang đường 9 ở Quảng Trị…

TP Đà Nẵng có 20 nghĩa trang liệt sĩ, an táng 9.400 mộ liệt sĩ. Nhiều năm qua, việc nâng cấp, tôn tạo và chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm. Đến nay, thành phố đã hoàn thành nâng cấp 9.400 mộ từ mộ đá mài sang mộ đá Granit tự nhiên, đồng thời đầu tư nâng cấp và hoàn thiện các hạng mục khác như: Tượng đài, nhà bia ghi tên liệt sĩ, tường rào, cổng ngõ, vườn hoa cây cảnh… với tổng kinh phí trên 70 tỷ đồng. Nhiều địa phương tiếp tục đầu tư mở rộng, xây dựng nhà bia ghi danh Mẹ Việt Nam anh hùng, tháp chuông để nghĩa trang liệt sĩ trở thành công trình tâm linh, ghi công các anh hùng liệt sĩ, trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước đối với thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng” và ủng hộ Quỹ đền ơn đáp nghĩa… luôn là các phong trào nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ, sâu rộng và đều khắp trên địa bàn thành phố. Bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả như: Nhận phụng dưỡng và chăm sóc các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thăm hỏi các gia đình chính sách, thăm chiến trường xưa, tìm địa chỉ đỏ, tổ chức gặp mặt cán bộ ngành là thương binh, cựu chiến binh, gặp mặt con em gia đình thương binh liệt sĩ nhân dịp 27/7… các tổ chức, cơ quan, đoàn thể, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân đã tích cực tham gia và có trách nhiệm thể hiện sự quan tâm đối với công tác người có công và tấm lòng biết ơn đối với các anh hùng liệt sĩ, các thương binh, bệnh binh…

Không chỉ dừng lại ở phong trào, việc ủng hộ Quỹ đền ơn đáp nghĩa đã được sự đồng thuận cao, thống nhất thành chủ trương chung của thành phố thông qua Nghị quyết 133/2017/NQ-HĐND. Hàng năm, vào tháng 7 - Tháng Đền ơn đáp nghĩa, mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan Nhà nước và cả doanh nghiệp ngoài công lập đều tình nguyện trích 1 ngày lương để ủng hộ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa các cấp. Nguồn Quỹ này dành cho việc tu sửa, chỉnh trang, chăm sóc và dâng hương tại các nghĩa trang liệt sĩ; sửa chữa nhà ở và trợ cấp khó khăn đột xuất cho gia đình người có công, Hội viên Hội tù yêu nước gặp khó khăn do đau ốm thường xuyên và mắc bệnh hiểm nghèo. Tổng nguồn Quỹ Đền ơn đáp nghĩa toàn thành phố vận động trong 25 năm qua là 192 tỷ đồng.

Công tác quản lý đối tượng, quản lý tài chính ưu đãi người có công cũng từng bước được hoàn thiện. Hiện nay, thành phố đã thực hiện số hóa hơn 63.000 hồ sơ người có công, xây dựng phần mềm quản lý liệt sĩ… Thông qua hồ sơ số hóa, các chương trình phần mềm quản lý, công tác quản lý đối tượng ngày càng chặt chẽ, việc thực hiện chế độ đảm bảo đúng đối tượng, kịp thời, chưa để xảy ra sai sót trong lĩnh vực người có công.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Đà Nẵng, năm 2022 dù nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tuy nhiên với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” và quyết tâm thực hiện mục tiêu “Bảo đảm tất cả người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao mức trung bình ở khu dân cư”, trong thời gian tới, Sở sẽ tập trung phối hợp chặt chẽ với các ngành, địa phương, các tổ chức hội, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thực hiện tốt Pháp lệnh Ưu đãi người có công cách mạng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hoàn thiện và sử dụng hiệu quả các phần mềm quản lý người có công, đồng bộ và thống nhất từ thành phố xuống phường, xã.

Bên cạnh đó, rà soát, điều chỉnh, tham mưu sửa đổi bổ sung kịp thời các nghị quyết đặc thù của Hội đồng nhân dân phù hợp nhu cầu thực tế đời sống người có công và đảm bảo căn cứ pháp lý theo quy định của Pháp lệnh mới đề ra. Tăng cường sự phối hợp liên ngành trong hoạt động thẩm định hồ sơ công nhận người có công, rà soát đầy đủ đảm bảo thông tin chuẩn xác từ các ngành, địa phương, đặc biệt là hồ sơ gốc lưu trữ; xem xét hoàn thiện quy trình công nhận người có công và giải quyết chính sách cho người có công và thân nhân theo quy định của Pháp lệnh hiện hành.

Đồng thời, tiếp tục quan tâm bố trí ngân sách phù hợp đảm bảo các nguồn chi chính sách người có công theo quy định, tập trung đẩy mạnh đa dạng hóa các nguồn lực xã hội đối với công tác người có công, góp phần thực hiện mục tiêu chung là kết nối nguồn lực, tạo nên sức mạnh tổng hợp, bảo đảm mức sống của người có công bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú, góp phần giữ trọn vẹn đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc Việt Nam.

BÙI MINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh