THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 01:38

Đà Nẵng: Bất cập trong quản lý người sau cai nghiện ma túy

Ông Lê Minh Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội thành phố Đà Nẵng cho biết, địa phương hiện có 328 người trong diện quản lý sau cai nghiện. Qua công tác quản lý, giáo dục, tái hòa nhập cộng đồng cho người sau cai tại nơi cư trú 6 tháng đầu năm 2016, đã có 78,5% người tiến bộ, 14,6% chưa tiến bộ, đặc biệt có 20 trường hợp có nguy cơ tái nghiện cao. Bên cạnh việc xây dựng, nhân rộng một số mô hình mang lại hiệu quả ở một số nơi thì công tác quản lý người sau cai nghiện tại nơi cư trú, giúp đỡ người nghiện tái hòa nhập vẫn tồn tại những hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng nhu cầu đặt ra.

Mặc dù hầu hết các xã, phường trên địa bàn thành phố đều rất quan tâm đến công tác quản lý sau cai nghiện tập trung. Ngay khi có thông báo của Trung tâm cai nghiện, các địa phương đều cử cán bộ chuyên trách phòng, chống tệ nạn xã hội phối hợp cùng gia đình lên tận Trung tâm cai nghiện để nhận bàn giao người hoàn thành thời gian cai nghiện tập trung về hòa nhập cộng đồng. Riêng các phường của quận Hải Châu còn bố trí Tổ công tác cai nghiện và phương tiện lên  tận Trung tâm đón học viên.

Những hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ trong công tác phòng, chống tệ nạn xã hội là rất cần thiết.

Sau khi về nơi cư trú, tất cả các đối tượng đều được UBND các xã, phường lập đầy đủ hồ sơ và phân công cán bộ đoàn thể theo dõi, động viên, giúp đỡ, giáo dục. Đặc biệt, thường xuyên gặp gỡ thân nhân gia đình người sau cai để phối hợp quản lý, kiểm danh, kiểm diện, thực hiện xét nghiệm ma túy đột xuất đối với những người có nguy cơ tái nghiện cao. Tuy nhiên, theo nhiều cán bộ chuyên trách phòng, chống tệ nạn xã hội tại các xã, phường đây là việc làm không dễ.

Anh Trần Ngọc Lĩnh, cán bộ chuyên trách phường Tân Chính, quận Thanh Khê, lý giải: “Không dễ bởi việc quản lý, nắm bắt tình hình người sau cai nghiện tại địa phương còn nhiều trở ngại. Đa số người sau cai không thường xuyên ở nơi cư trú, một số trường hợp tự ý bỏ đi nơi khác hoặc đi làm ăn xa nhưng  không khai báo với chính quyền địa phương nên việc quản lý người sau cai theo hộ khẩu hoặc tạm trú còn không ít bất cập, vướng mắc. Mặt khác, đa số người sau cai không có việc làm hoặc có việc làm nhưng không ổn định, thích lêu lổng, ham chơi, đi qua đêm…nên rất dễ dẫn đến tái nghiện trở lại”.

Bên cạnh đó, công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ người sau cai chưa đáp ứng được thực tế, một số gia đình và chính bản thân người sau cai vẫn còn tư tưởng chưa thực sự hợp tác với cơ quan chức năng. Cùng với đó, vẫn còn sự kì thị của một số người xung quanh với người sau cai khiến công tác giám sát, quản lý và hỗ trợ người sau cai ở nơi cư trú còn khó khăn, anh Trịnh Ngọc Phúc, cán bộ chuyên trách phòng, chống tệ nạn xã hội phường Hòa Thuận Đông, quận Hải Châu bày tỏ.

Cần có biện pháp cũng như chế tài đủ mạnh để quản lý các đối tượng sau cai nghiện không tuân thủ thực hiện các quy định, có hành vi phản ứng, chống đối cán bộ thực hiện nhiệm vụ. Đây là ý kiến được các cán bộ chuyên trách phòng, chống tệ nạn xã hội đưa ra tại hội nghị giao ban công tác phòng, chống tệ nạn xã hội 6 tháng đầu năm 2016 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Theo đó, để quản lý tốt các đối tượng sau cai, nhiều đại biểu cũng cho rằng,  cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương trong việc quản lý đối tượng thường xuyên chuyển đổi chỗ ở, tự ý bỏ địa phương đến cư trú ở nơi khác. Bởi thực tế, đã có rất nhiều trường hợp tương tự diễn ra.

Một cán bộ chuyên trách phòng, chống tệ nạn xã hội thuộc quận Sơn Trà dẫn chứng, mặc dù có hộ khẩu thường trú tại địa phương, tuy nhiên đối tượng sau cai mà địa phương đang quản lý lại thường xuyên vắng mặt và sinh sống ở một phường khác (nhà vợ). Sau khi xác minh, địa phương đã chuyển hồ sơ đối tượng này về địa phương mà đối tượng đang sinh sống. Tuy nhiên, địa phương này lại không tiếp nhận, với nhiều lý do như không có hộ khẩu thường trú, không thường xuyên sinh sống ở địa phương…”

Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP. Đà Nẵng, ông Nguyễn Hùng Hiệp cho biết: “Cần thiết phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các xã, phường. Trong trường hợp này, địa phương sẽ vẫn tiếp nhận đối tượng được chuyển đến, còn nếu phát hiện họ không ở địa phương, mà ở một nơi khác thì sẽ tiếp tục chuyển hồ sơ về nơi mà đối tượng đó sinh sống”.   

Quản lý đối tượng sau cai nghiện là việc làm không dễ, bên cạnh việc xây dựng, nhân rộng những cách làm hay, hiệu quả, nếu không có những biện pháp quản lý, kiểm soát chặt chẽ người sau cai sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ tái nghiện cao, đặc biệt gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự địa bàn.  

BÙI MINH/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh