THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 10:45

Công tác cai nghiện và quản lý sau cai tại phường Hòa Cường Nam (TP Đà Nẵng): Trách nhiệm không của riêng ai

Hầu hết người nghiện chưa tự giác cai nghiện.

Là một địa bàn có số lượng hộ dân sinh sống đông, phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu có mặt bằng dân trí không đồng đều, trong đó phần đông đời sống của người dân còn nhiều khó khăn thì công tác cai nghiện và quản lý sau cai tại địa phương luôn là thách thức không hề nhỏ. Nhất là khi tình trạng cho thuê nhà nghỉ, nhà trọ,công dân ở nơi khác về cư trú làm ăn và học tập với số lượng ngày một đông, ( lúc cao điểm tới 10000 người, chiếm gần 1/3 dân số)làm nảy sinh các tệ nạn xã hội, ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương. 

Ông Trần Quốc Bình, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Cường Nam: “Tệ nạn xã hội ở địa phương phát sinh dưới nhiều hình thức hết sức tinh vi, đa dạng và phức tạp”.

“Tệ nạn xã hội ở địa phương phát sinh dưới nhiều hình thức hết sức tinh vi, đa dạng và phức tạp, nếu như những người làm công tác xã hội không đi sâu, đi sát, có những chấn chỉnh kịp thời thì rất dễ nảy sinh những hoạt động trái pháp luật, nhất là tệ nạn mại dâm - ma túy”, ông Trần Quốc Bình, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Cường Nam chia sẻ.  

Cũng theo UBND Phường Hòa Cường Nam, những năm trở lại đây, mặc dù công tác phòng chống tệ nạn xã hội luôn được địa phương triển khai sâu rộng xuống từng địa bàn cụ thể với nhiều chiến dịch tuyên truyền tới mọi tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, thực tế cho thấy số lượng người nghiện ma túy trên địa bàn phường vẫn có xu hướng gia tăng và ngày càng trẻ hóa.

Theo số liệu thống kê 6 tháng đầu năm 2016, địa phương có 35 người nghiện ma túy, trong đó có 12 người đang cai nghiện tại Trung tâm GD-DN 05-06 ; 9 người bỏ đi khỏi địa phương; 10 người đang quản lý tại địa phương và 5 người đang ở tù.

Ông Bùi Ngọc Lý, cán bộ làm công tác phòng chống tệ nạn xã hội của phường cho biết: Hầu hết người nghiện chưa tự giác cai nghiện, trong khi đó nhận thức của một số đối tượng sau cai nghiện còn hạn chế, dẫn đến công tác cai nghiện và quản lý sau cai tại địa phương chưa đạt kết quả như mong đợi. 

Nhiệm vụ khó khăn.

Là một địa phương có nhiều sáng kiến trong công tác cai nghiện với nhiều cách làm hay, sáng tạo, tuy nhiên công tác cai nghiện và quản lý sau cai tại Đà Nẵng vẫn còn đó những thách thức.

Ông Ngô Văn Sang, Chi cục phó Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội thành phố Đà Nẵng cho rằng:  Công tác cai nghiện và quản lý sau cai là một nhiệm vụ hết sức khó khăn, bao gồm cả lý do khách quan lẫn chủ quan. Trong đó, phải kể đến những trở ngại đến từ chính đối tượng cai nghiện, bởi họ luôn có thái độ mặc cảm, xa cách, chưa kể nhiều người luôn tìm cách lẩn tránh, không muốn nằm trong sự quản lý của chính quyền. Trong khi, phần lớn họ không có việc làm ổn định hoặc không muốn làm việc, thiếu thiện chí trong tiếp xúc…

Công tác cai nghiện và quản lý sau cai tại phường Hòa Cường Nam luôn được quan tâm từ chỉ đạo đến thực hiện.

Nắm rõ từng tên tuổi, địa chỉ và cả hoàn cảnh gia đình của từng người nghiện, những ai còn đang cai nghiện, những ai đã về địa phương, thậm chí cả bối cảnh khiến những thanh niên một thời lầm lỡ vướng vào “nàng tiên nâu” cũng được những người làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu (Đà Nẵng) nhớ cặn kẽ đến từng chi tiết.

Trách nhiệm không của riêng ai, công tác cai nghiện và quản lý người nghiện sau cai ở phường Hòa Cường Nam có sự vào cuộc của cả hệ thống chính quyền địa phương, các hội đoàn thể như Hội Cựu chiến binh, đoàn thanh niên…

Ông Trần Công Kinh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Hòa Cường Nam, nơi đang được giao nhiệm vụ giúp đỡ, cảm hóa đối tượng Nguyễn Văn Lợi, thuộc diện hộ nghèo của phường, chia sẻ: “Chúng tôi luôn coi các cháu như con cháu của mình và luôn cố gắng làm hết sức có thể để giúp các cháu từ bỏ con đường lầm lỗi, hòa nhập với cộng đồng, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội”.

 Được biết, ngoài việc được giúp đỡ bằng những hành động cụ thể, gia đình Nguyễn Văn Lợi còn được Hội Cựu chiến binh phường hỗ trợ vay vốn làm ăn với số tiền 20 triệu đồng. Bản thân Lợi cũng được Hội hỗ trợ 6 triệu đồng để mua xe máy làm phương tiện sinh kế. Đến nay, qua 6 lần thử test,  Nguyễn Văn Lợi đều âm tính với ma túy.

Bên cạnh hiệu quả từ việc đi sâu, đi sát nhằm giúp đỡ, cảm hóa người nghiện của những cán bộ làm công tác xã hội, cũng phải thừa nhận, việc tiếp cận người nghiện, người sau cai nghiện tại địa phương để cảm hóa, giúp đỡ nhằm giáo dục hướng thiện thành con người tốt, có ích cho gia đình và xã hội vẫn là điều không dễ dàng.

Thượng úy, Đinh Văn Dũng, Phó Công an phường Hòa Cường Nam chia sẻ: Trong cai nghiện và quản lý sau cai, sự hợp tác của người thân, gia đình đối tượng trong quá trình giúp đỡ, cảm hóa có ý nghĩa hết sức quan trọng và cần thiết. Tuy nhiên, thực tế một số gia đình đã phó mặc cho xã hội hoặc bao che, ngăn cản sự tiếp cận của chính quyền, đoàn thể địa phương đến với con em của họ và chính điều này làm cho công tác càng trở nên khó khăn hơn.

Giang Sơn/ Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh